Nhật Bản đang có thứ mà Tổng thống Trump khao khát
Kết quả này của chính phủ Nhật Bản là niềm mơ ước của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi tốc độ tăng trưởng của quốc gia mặt trời mọc dựa chủ yếu vào nền sản xuất từ các đon hàng nước ngoài như Trung Quốc. Nhờ sự tăng trưởng của ngành sản xuất, Nhật Bản đã có giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong hơn 10 năm qua.
Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu đạt 8,9% đã giúp nền kinh tế Nhật tăng trưởng 2,2% trong quý I/2017, quý tăng trưởng thứ 5 liên tiếp và là thời gian tăng lâu nhất kể từ năm 2006, qua đó báo hiệu bước ngoặt cho những chính sách kích thích kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.
Những nhu cầu lớn trong ngành công nghệ như sản xuất smartphone đã thúc đẩy các nhà sản xuất Nhật Bản dù nhiều hãng đã không còn được nổi tiếng như trước. Ví dụ như Fuji Techno Machine chuyên sản xuất thiết bị máy móc liên quan đến việc chế tạo iPhone cũng như chất bán dẫn của Nhật đang có bước hồi phục ngoạn mục.
Công nhân của Fuji Techno Machine
Đối với Tổng thống Trump, tình hình tăng trưởng của Nhật Bản chính là những gì ông mong muốn cho nước Mỹ khi các ngành sản xuất tạo thêm việc làm và dẫn dắt nền kinh tế. Cam kết áp thuế lên hàng nhập khẩu cũng như đưa các nhà máy trở lại Mỹ của ông Trump đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Nước Mỹ đã mất hàng triệu việc làm bởi những nền kinh tế có lao động giá rẻ, đặc biệt là Trung Quốc khi nước này gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) năm 2001.
Hiện nay, ngành sản xuất đóng góp khoảng 1/8 cho nền kinh tế Mỹ trong khi tỷ lệ này là 1/5 tại Nhật Bản.
Mặc dù quốc gia mặt trời mọc này cũng bị ảnh hưởng như Mỹ khi ngành sản xuất mất việc làm vào tay các nước có lao động giá rẻ nhưng chính quyền Tokyo đã làm tốt hơn Washington. Nhật Bản đã đảm bảo được vị thế của mình trong chuỗi sản xuất nhờ những mảng yêu cầu công nghệ cao hoặc nhân công trình độ tốt mà những nước như Trung Quốc không thể thay thế.
Một ví dụ điển hình là Tokyo Electron chuyên sản xuất máy móc cho các nhà máy chế tạo chip. Số liệu của SMBC Nikko Securities cho thấy lợi nhuận hoạt động quý I của hãng tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước, qua đó đẩy giá cổ phiếu công ty lên mức cao nhất trong 17 tháng qua.
Một bộ phận cho thiết bị được sản xuất bởi Fuji Techno Machine
Năm 2012, Thủ tướng Abe lên cầm quyền trong tình trạng nền kinh tế Nhật đã trì trệ nhiều năm. Chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa đã được nhà lãnh đạo này thực hiện mạnh tay chưa từng có nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, quyết định nâng thuế tiêu thụ năm 2014 đã khiến kinh tế Nhật Bản chịu ảnh hưởng tiêu cực, qua đó làm xói mòn những nỗ lực trước đó.
Dẫu vậy, chính sách lãi suất thấp của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã bắt đầu kích thích tín dụng đầu tư trên thị trường. Trong khi đó, đồng Yên thấp đã hút khách du lịch, qua đó kích thích ngành khách sạn và hàng không. Nhiều chuyên gia cũng nhận định việc Trung Quốc tập trung vào sản xuất công nghệ cao và dịch vụ đã kích thích ngành sản xuất kỹ thuật cao của Nhật Bản.
Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa thực sự khả quan tại Nhật khi các công ty không tăng lương cho nhân viên, qua đó tác động xấu đến thị trường tiêu dùng. Nguyên nhân chính là ám ảnh khủng hoảng năm 2008 vẫn còn khiến các công ty tăng cường tích trữ vốn hơn là đầu tư và tăng lương.
Mức lương người lao động tại Nhật bản tăng rất chậm trong những năm qua.
Hơn nữa, văn hóa gắn bó cả đời với 1 công ty vẫn chiếm ưu thế tại Nhật, qua đó làm giảm vị thế của người lao động trong xã hội.
Đặc biệt, nguy cơ già hóa dân số đang đe dọa đến thị trường lao động Nhật. Nghiên cứu cho thấy mức dân số 127 triệu người hiện nay sẽ giảm xuống dưới 110 triệu người trong vòng 25 năm nữa.
BT