Nhật Bản đã chứng minh rằng: In thêm tiền có thể là một ý tưởng tốt
Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 22 qua (2,8%), phần lớn là do đồng yên được tạo ra trong suốt 4 năm gần đây. Tiền có thể không mọc ở trên cây, nhưng nó có thể được tạo ra từ máy tính của ngân hàng trung ương.
Hãy quay lại một chút và cùng tìm hiểu tại sao Nhật Bản cần phải in thêm tiền để cải thiện nền kinh tế. Vào đầu những năm 1990s, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trải qua chu kỳ bùng nổ, đổ vỡ và trì trệ mà Mỹ, châu Âu và hầu hết phần còn lại của thế giới phải chịu đựng sau này.
Nhật Bản đã tránh được một cuộc suy thoái chính thức nhờ các chi tiêu cơ sở hạ tầng, nhưng quốc gia này không thể tránh khỏi “thập kỷ mất mát” – một cách nói hoa mỹ để ám chỉ việc Nhật Bản có phát triển, nhưng đã phát triển rất chậm. Nhà kinh tế học Brad DeLong chỉ ra rằng Nhật Bản đã không chỉ dừng bắt kịp nước Mỹ trong một vài năm trở lại đây, mà đã ngừng việc này trong suốt 25 năm qua.
Điều này đáng lẽ không được xảy ra nữa. Những nhà kinh tế học đã nghĩ rằng vấn đề trọng tâm trong ngăn ngừa suy thoái đã được giải quyết. Họ cho rằng bài học từ những năm 1930s có thể giúp cho các nền kinh tế tránh khỏi vòng lặp của nợ nần, giảm phát, và vỡ nợ. Tuy nhiên, Nhật Bản cho thấy rằng họ đã không rút ra được bài học này. Quốc gia này đã vướng phải một vấn đề đã không tồn tại trong suốt 60 năm: Họ đã không thể ngăn cho giá cả khỏi giảm xuống ngay cả với lãi suất bằng 0.
Tại sao giá cả xuống dốc lại là một điều xấu? Giá giảm có nghĩa là tiền lương giảm, nhưng không có nghĩa là nợ cũng giảm xuống, vì vậy việc trả nợ sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Trong trường hợp tốt nhất, nền kinh tế sẽ bị mắc kẹt trong chu kỳ tiêu cực nơi tiêu dùng giảm mạnh kéo theo đầu tư kinh doanh thấp, dẫn đến ít tuyển dụng, do đó thậm chí người tiêu dùng còn chi tiêu ít hơn. Còn trong trường hợp xấu nhất, mọi người đều phá sản.
Đó là lý do vì sao Nhật Bản đã tập trung rất nhiều vào việc làm cho tỷ lệ lạm phát lại vượt lên trên con số 0 nhằm trải qua chu kỳ đối nghịch với giảm phát: giá cao hơn, lương cao hơn, dẫn đến gánh nặng nợ nần thấp hơn, kéo theo chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh tăng lên. Nói một cách khác, đó là sự phục hồi tự duy trì.
Đó cũng chính là mục đích của “Abenomics” – tên gọi ngắn gọn cho 3 kế hoạch dài hạn của Thủ tướng Shinzo Abe bao gồm: kích thích tài khóa, kính thích tiền tệ, và cải cách cơ cấu như thêm nhiều phụ nữ vào lực lượng lao động nhằm đưa nền kinh tế Nhật Bản quay trở về vị thế trước đây.
Có thể nói rằng ở thời điểm hiện tại Nhật Bản vẫn chưa trở lại thời quá khứ huy hoàng, nhưng quốc gia này đang đi đúng hướng. Có lẽ minh chứng rõ ràng nhất cho điều này không phải là tỷ lệ thất nghiệp thấp mà là tỷ lệ việc làm siêu cao. Kể từ khi bắt đầu Abenomics, tỷ lệ việc làm đã lên đến mức cao nhất mọi thời đại 83,5%. Điều này có nghĩa là gần như tất cả những người chưa nhận được lương hưu đã tìm được công việc cho mình, và đó cũng chính là dấu hiệu của tiến bộ chưa hoàn chỉnh, vì người đến tuổi về hưu vẫn phải đi làm.
Nguyên nhân đằng sau sự bùng nổ này là gì? Đó không thể là yếu tố tài khóa hay cải cách cơ cấu trong Abenomics bởi vì chúng gần như chưa được thử nghiệm. Trên thực tế, Tokyo đã thắt lưng buộc bụng hơn là kích thích tài khóa trong vài năm gần đây, và những nỗ lực của chính phủ để thay đổi các quy tắc và thể chế cứng nhắc của Nhật Bản và tạo ra một chút tiến bộ đã gặp phải sự phản đối từ những bên lợi ích cực đoan. Chính tiền tệ - Nhật Bản sẽ in tiền cho đến khi giá cả bắt đầu tăng trở lại – là yếu tố chính đã ‘cứu rỗi’ nền kinh tế Nhật Bản.
Nhưng nó không phải là thứ họ muốn. Sau tất cả, lạm phát chỉ mới trên mức 0 một chút và vẫn dưới mục tiêu 2%. Sụp đổ giá dầu và tăng thuế doanh thu không đúng lúc đã khiến chỉ số lạm phát ở mức âm trong thời gian dài. Nhưng điều quan trọng hơn là ngân hàng trung ương Nhật Bản đã không bỏ cuộc.
Quyết định in tiền của chính phủ đã tiếp thêm sự tự tin cho các doanh nghiệp. Thêm vào đó, tiền tệ có giá trị thấp hơn chính là thứ các công ty này cần để mở rộng. Ở thời điểm hiện tại, Tokyo nói rằng họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để cứu nền kinh tế của quốc gia Mặt trời mọc. Kết quả của những nỗ lực đó là tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống nhiều. Với điều kiện hiện tại, các doanh nghiệp nên tăng lương để thu hút nhân lực tốt về công ty mình đồng thời tạo lực đẩy cần thiết cho nền kinh tế.
Tất cả những gì Nhật Bản cần phải làm là in vài nghìn tỷ Yên, một cái giá không phải là cao để khôi phục cả một nền kinh tế.
K Nguyễn