Nhãn lồng Hưng Yên chưa có loại chất lượng cao nhất đã được ký hợp đồng bao tiêu
Tại huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) nơi được coi là “thủ phủ” của nhãn lồng thời điểm này mới có lác đác một số nhà vườn bẻ nhãn. Nhãn đầu mùa đa phần là nhãn mới trồng (cây có tuổi đời dưới 10 năm) nhỏ và chất lượng không cao.
Nhãn lồng được mùa nhưng mất giá
Ông Nguyễn Văn Du (thôn Kiến Châu, xã Tân Châu) có tổng cộng 40 gốc nhãn nhưng năm nay mới thu hoạch 30 gốc, số còn lại là nhãn non chưa thu. Thương lái vào tận vườn mua giá chỉ từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, giá rẻ so với năm ngoái do được mùa nhãn tại nhiều nơi.
Giá nhãn bán cho thương lái hái xô chỉ dao động từ 10.000 - 12.000/kg. Ảnh: VOV
“Do giá nhãn rẻ nên gia đình đã tự bẻ đưa qua sông sang huyện Phú Xuyên (Hà Nội) bán, giá nhãn đẹp khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg, nhãn xấu khoảng 8.000 đồng”, ông Du nói.
Ông Trịnh Văn Phi (thôn Nễ Châu), hộ dân sở hữu 100 gốc nhãn cho hay, nhãn năm nay được mùa nhưng tiêu thụ chậm, năm ngoái giờ này thương lái các nơi đổ xô về đây mua nhiều nhưng năm nay lại rất ít. Hơn nữa, giá nhãn năm nay cũng giảm hơn một nửa so với năm ngoái, năm ngoái dịp này bán được từ 25.000-30.000 đồng/kg, còn bây giờ chỉ bán được 13.000-15.000 đồng/kg.
Tại các điểm cân nhãn ở các xã An Vĩ, Hàm Tử, Đông Kết… hiện giá nhãn bán cho thương lái hái xô chỉ dao động từ 10.000 - 12.000/kg, tùy theo chất lượng nhãn đẹp hay xấu.
Theo một lái buôn thì cả người trồng và người mua đều đang chờ, người trồng chưa bán đang chờ giá lên và nhãn cũng chưa thực chín để thu hoạch. Người mua thì đang chờ xem giá của thị trường như thế nào, không xuống tiền trước như mọi năm. Lượng lái buôn Trung Quốc cũng bắt đầu tập trung để chuẩn bị những điểm cân nhãn trực tiếp đóng chuyển về.
Để khắc phục thực trạng này, chính quyền địa phương đã kết hợp với các ban ngành của tỉnh Hưng Yên tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại kết nối cung cầu nhằm tìm kiếm những hợp đồng tiêu thụ nhãn cho bà con. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, sự bế tắc về đầu ra của các hộ dân trồng nhãn nơi đây vẫn chưa được cải thiện là bao.
Giới thiệu nhãn lồng sang Nhật Bản
Huyện Khoái Châu hiện có 1.600 ha nhãn, tập trung chủ yếu ở các xã: Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ, Liên Khê, Tân Dân…Trong đó, có khoảng 80% là nhãn chín muộn Miền Thiết, 10% nhãn T2, T6, nhãn “siêu ngọt”. Đây là sản phẩm nhãn chất lượng cao được trồng theo phương thức trồng mới, từ khâu chăm sóc đến bón phân, vùng đất theo quy chuẩn nhưng chưa thu hoạch. Theo kinh nghiệm của người dân thì phải vào 15/7 âm lịch số nhãn ngon này mới chín.
Nhãn lồng chất lượng cao đều được doanh nghiệp. siêu thị bao tiêu hoặc xuất khẩu sang nước ngoài. Ảnh: TH.
Nhãn lồng chất lượng cao được nhiều siêu thị lớn và doanh nghiệp ở Hà Nội và TP.HCM ký hợp đồng bao tiêu.
Tại Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên năm 2018, Hội nghị xúc tiến thương mại nhãn và nông sản (ngày 12/8) các sản phẩm nhãn chất lượng cao, trồng theo tiêu chuẩn VietGap được nhiều siêu thị lớn và doanh nghiệp ở Hà Nội và TPHCM ký hợp đồng bao tiêu. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đến tìm hiểu và đã ký hợp đồng để bao tiêu sản phẩm.
Ông Hoàng Văn Tựu, Phó Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu cho biết, giá nhãn lồng loại ngon tại thời điểm hiện tại là 30.000 đồng/kg cung cấp cho hệ thống siêu thị, doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu. Trong mùa nhãn năm nay, UBND huyện cũng phối hợp với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản Đồng Giao đưa 500 kg nhãn sang Nhật Bản để giới thiệu sản phẩm vào ngày 14/8.
“Nhãn tại địa phương sẽ thu hoạch trong vòng 2 tháng, theo từng thời điểm giá nhãn có thể tăng hoặc giảm. Nhãn xấu, non thì mới có giá khoảng 6.000 đồng/kg, còn nhãn chất lượng cao giá tiêu thụ rất tốt”, ông Tựu nói.
Bên cạnh việc giới thiệu đặc sản Việt Nam sang các nước trên thế giới, các doanh nghiệp và người dân cũng đã có nhiều hoạt động quảng bá nhãn lồng đến các vùng miền Tổ quốc, du khách quốc tế. Điển hình như nhiều hãng hàng không của Việt Nam đã đưa nhãn lồng vào thực đơn tráng miệng cho các bữa ăn phục vụ du khách. Không những vậy, những hội chợ quảng bá nông sản Việt, bày bán nhãn lồng và các loại hoa quả chất lượng cao đều được tổ chức rộng rãi trên khắp các tỉnh, thành phố.
V.H (t/h)