Nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời
Bà Lê Anh Thúy - vợ nhạc sĩ - cho biết ông mất vào 5h57 phút tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Từ đầu tháng 3, sức khỏe ông suy yếu, ăn ít. Nhạc sĩ nằm viện điều trị hơn một tuần, nhiều lần bị nhồi máu cơ tim.
Bà Anh Thúy nói: "Ông tuổi cao, bị suy tim và nhiều bệnh nền. Đến lúc ra đi là sức cùng lực kiệt. Tôi cùng gia đình đang liên hệ với hội nhạc sĩ và các cơ quan đoàn thể để lo liệu hậu sự cho ông".
Nhạc sĩ Hồng Đăng |
Chỉ trong vòng 1 tháng, 3 nhạc sĩ nổi tiếng cùng sinh năm 1936 là Nguyễn Tài Tuệ, Văn Dung, Hồng Đăng đều ra đi.
Tuy quê gốc Nghệ An nhưng nhạc sĩ Hồng Đăng gắn bó cả cuộc đời, từ lúc tuổi trẻ cho tới khi về già ở Hà Nội. Và vì sinh ra trong một gia đình trí thức, theo Tây học, chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Pháp nên ông càng gần gũi với "chất" Hà Nội lịch lãm, sang trọng.
Ai được tiếp xúc với ông ngoài đời cũng như nghe nhiều ca khúc của ông đều dễ hiểu vì sao nhiều người nhầm ông là người Hà Nội gốc. Và càng không bất ngờ khi nhạc sĩ được trao Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội.
Ông sáng tác khoảng 700 tác phẩm, trong đó có nhiều bản nhạc phim nổi tiếng như: Hoa sữa - phim Hà Nội mùa chim làm tổ, Lênh đênh -phim Đời hát rong, Biển hát chiều nay - trong nhiều phim về đề tài biển, Nỗi nhớ đêm đại dương - phim Những hạt muối của biển, Biển và cô gái tôi chưa quen - phim Những ngôi sao nhỏ, Không gian xanh - phim Vùng trời...
Trong hơn 60 năm sống tại Hà Nội, ông sáng tác nhiều tác phẩm về nơi đây như: xướng kịch Sông Hồng ngàn năm (kịch bản Dương Viết Á) được Đoàn Ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964, ca khúc Người sông Hồng, Duyên Hà Nội, Tiếng hát trên pháo đài thành phố, Hoa sữa- nhạc phim Hà Nội mùa chim làm tổ, Ký ức đêm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ..
Ông phát hành nhiều album như Màu xanh chân trời (1978), Biển hát chiều nay (1985), Ca khúc Hồng Đăng (1994), Hoa sữa - Lênh đênh (1996), Lênh đênh biển (2008)... Ngoài sáng tác, ông giảng dạy, viết sách, báo... Ông là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa bốn, năm, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam.
Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: ca khúc Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy.
Hồi tháng 10/2021, nhạc sĩ đoạt Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái với những sáng tác về Hà Nội nhưng không thể tới nhận do tuổi cao sức yếu.
Nhạc sĩ Hồng Đăng (trái) bên vợ tại nhà riêng trong ngày nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái hồi tháng 10/2021. Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Theo đánh giá của ban tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái, ông đã có những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc thủ đô, trong đó có các tác phẩm đã thành biểu tượng về Hà Nội như Hoa sữa, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm reo hát..., đồng thời có đóng góp lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ ở Trường Âm nhạc Việt Nam (sau là Nhạc viện Hà Nội và nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).
Nhạc sĩ Hồng Đăng chính là thầy dạy của nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thuận Yến, Phú Quang... Trong đó Phú Quang tuy không theo học thầy qua trường lớp chính quy, bài bản nhưng đều một lòng tôn tác giả Hoa sữa là thầy mình.
Sáng tác âm nhạc từ rất sớm, sau hòa bình lập lại năm 1954, Hồng Đăng là một trong những học viên của khóa học sáng tác đầu tiên tại Trường Âm nhạc Việt Nam cùng với lứa nhạc sĩ "vàng" của âm nhạc Việt Nam như: Hoàng Việt, Tô Ngọc Thanh, Huy Thục, Vĩnh Cát...
Thuộc thế hệ luôn luôn tìm tòi, khiêm nhường học hỏi, ông đã thử viết rất nhiều loại, từ khí nhạc, nhạc phim, ca khúc và cuối cùng chọn sống bằng sáng tác nhạc phim và ca khúc.
Từng viết trên 70 tác phẩm âm nhạc cho phim truyện, phim tài liệu nghệ thuật, phim hoạt hình...; ông là nhạc sĩ đầu tiên được mời gia nhập Hội Điện ảnh Việt Nam.
Ca khúc Hoa sữa nhiều người hiện nay tưởng là một ca khúc độc lập do Hồng Đăng tự sáng tác, nhưng nó là ca khúc ông viết theo đơn đặt hàng của nữ đạo diễn Đức Hoàn cho bộ phim đầu tay bà làm đạo diễn - phim Hà Nội mùa chim làm tổ năm 1972.
Một điều thú vị, bài Hoa sữa tuy nổi tiếng trong giới sinh viên Hà Nội nhưng phải đến khoảng 10 năm sau mới được biết tới rộng rãi trong công chúng cả nước khi ca khúc được Nhã Phương - ngôi sao ca nhạc nổi tiếng của TP.HCM - thể hiện.
Lúc đó, ca khúc vốn sinh ra ở Hà Nội, viết về Hà Nội này mới từ thành phố phương Nam quay ngược trở lại Hà Nội, để rồi nổi tiếng cả nước sau đó.
Nhưng bài hát ông thích nhất và đánh giá nó toàn bích hơn cả là bài Biển hát chiều nay, cũng là một bài ông sáng tác cho một bộ phim tài liệu về hải quân. Với những cống hiến cho âm nhạc, ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.