Nhà máy xe bus lớn nhất Đông Nam Á "made in Vietnam"
Sáng 8/12, tại khu phức hợp Chu Lai - Quảng Nam, Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy sản xuất chuyên biệt xe Bus Thaco. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự buổi lễ.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Nam cắt băng khánh thành Nhà máy Bus Thaco. (Ảnh: Xuân Huy)
Đón đầu làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị THACO cho biết, từ năm 2005, THACO đã nghiên cứu và sản xuất lắp ráp xe bus trong cùng nhà máy sản xuất xe tải trên quan điểm quản trị “kết hợp tạo lợi thế, chuyên biệt để hiệu quả” nhằm đúc kết kinh nghiệm và nghiên cứu công nghệ sản xuất xe bus cho riêng mình. Bước đầu, những nỗ lực của THACO đã được thị trường chấp nhận trong đó có nhiều khách hàng là những công ty vận tải hành khách lớn ở khắp các tỉnh thành trên cả nước…
Dựa trên nhu cầu của thị trường, Thaco đã khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy chuyên biệt sản xuất xe bus tháng 6/2011. Đây là nhà máy sản xuất xe bus đầu tiên tại Việt Nam.
Từ năm 2016, THACO đã xây dựng kế hoạch đầu tư, xây dựng mới các nhà máy sản suất lắp ráp ô tô. Tháng 9/2016, nhà máy Bus Thaco chính thức được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng. Nhà máy có công suất thiết kế 20.000 xe/năm (bao gồm 8.000 xe bus và 12.000 xe mini-bus), diện tích 17 ha, trong đó diện tích nhà xưởng 8 ha được trang bị hệ thống xử lý nước thải với công suất 20 m3/h, tự động hóa từ khâu quản lý đến vận hành. Tính đến thời điểm này, Bus Thaco được coi là nhà máy sản xuất xe khách lớn nhất Đông Nam Á.
Dây chuyền sản xuất của nhà máy Bus Thaco
Mẫu xe bus hoàn chỉnh, sẵn sàng xuất xưởng.
Nhà máy được đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại và bán tự động như: các máy gia công CNC, các robot hàn tự động; hệ thống băng chuyền (conveyor); hệ thống dây chuyền sơn tĩnh điện có thể nhúng toàn bộ thân vỏ xe có chiều dài 13,7 mét, gồm 10 bể, được vận hành tự động…
Cùng với đó là dây chuyền lắp ráp hoàn thiện với hệ thống vận hành tự động và cấp phát vật tư bằng các “robot tự hành”, đường thử xe với chiều dài 2,4 km mô phỏng đầy đủ các địa hình như thực tế bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để kiểm tra chất lượng của xe trước khi xuất xưởng.
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, Thaco đã đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) với nhiều trang thiết bị và phần mềm thiết kế hiện đại cùng đội ngũ kỹ sư giỏi và chuyên gia nhiều kinh nghiệm, có thể nghiên cứu thiết kế các sản phẩm với đầy đủ các chủng loại xe từ trung cao cấp đến cao cấp phù hợp với nhiều mục đích sử dụng như: xe bus nội thành, liên tỉnh, xe ghế ngồi, xe giường nằm, xe bus chuyên dụng có tải trọng, kiểu dáng và nhận diện hoàn toàn mới với kết cấu khung gầm monocoque (body và chassis liền khối) đảm bảo trọng lượng xe nhẹ và vận hành êm dịu, sử dụng động cơ khí thải Euro 4, 5, 6 (theo tiêu chuẩn của Nhật Bản và châu Âu), có tỷ lệ nội địa hóa trên 60%, công năng phù hợp với điều kiện giao thông tại Việt Nam.
Nhà máy đã được Bộ Công Thương chứng nhận đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô theo nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ vừa được ban hành.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận sự đóng góp rất lớn của khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải trong những thành tựu quan trọng của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Nam.
“Việc Thaco làm chủ công nghệ, dây chuyền sản xuất xe bus và các sản phẩm ô tô khác đã đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp ô tô của Chính phủ; góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung”, Phó Thủ tướng nói.
Cũng tại buổi lễ, THACO đã ký kết các thỏa thuận thương mại xuất khẩu bước đầu sang các nước: Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Campuchia với tổng doanh số 1.150 xe và trong năm 2018 ít nhất là 550 xe.
Sự kiện này là minh chứng về thành quả của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Dù thị trường trong nước còn nhỏ, ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ, nhưng với chính sách đúng đắn của Chính phủ và sự nỗ lực của doanh nghiệp thì chúng ta vẫn có thể cạnh tranh được ở thị trường khu vực và trong bối cảnh hội nhập.
Tăng cường năng lực sản xuất ô tô trong nước để bắt kịp nhu cầu thị trường
Cùng với sự phát triển ổn định của mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, thu nhập, chất lượng đời sống của người dân Việt Nam ngày một tăng cao. Chính vì vậy, xu thế ô tô hóa (motorization) được dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD. Trong khi đó, số xe trung bình trên 1000 dân mới chỉ đạt 50 xe.
Theo "Báo cáo 2035” của Ngân hàng Thế giới, hiện có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, dự kiến đến 2035, sẽ có 50% dân số gia nhập tầng lớp này. Đây chính là là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân.
Ngoài thị trường trong nước, ô tô và các sản phẩm hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nếu có các giải pháp phát triển tốt thì có thể chinh phục các thị trường khu vực và quốc tế, đặc biệt tại các thị trường mới, với các sản phẩm “ngách”, chưa được các “ông lớn” tập trung phát triển.
Để thực hiện thành công chiến lược phát triển ô tô Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ô tô của người dân trong những năm tới, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung để tạo ra thương hiệu ô Việt Nam có chất lượng, với giá hợp lý, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực trong bối cảnh Việt Nam mở cửa thị trường, hội nhập sâu rộng với quốc tế.
“Các doanh nghiệp cần cố gắng tham gia sâu nhất vào chuỗi giá trị của các thương hiệu từ các tập đoàn toàn cầu hiện có. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có sản lượng sản xuất lớn tại Việt Nam, đồng thời thu hút đầu tư và hỗ trợ sản xuất có định hướng vào thị trường “ngách”, các hãng xe, dòng xe chưa có cơ sở sản xuất lớn tại thị trường ASEAN để tạo lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Lễ khánh thành. (Ảnh: VGP)
Với ô tô Trường Hải, Phó Thủ tướng đề nghị: “Ô tô Trường Hải cùng với các doanh nghiệp, các nhà sản xuất ô tô trong nước phải là những động lực chính để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa”.
Phó Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sẽ tiếp tục các chính sách, giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; đặc biệt là có các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian tới”.
Minh Thu (t/h)