Nhà đầu tư cần thích nghi thế nào khi thị trường lại muốn chinh phục 1.300 điểm?
Đánh giá về phản ứng ứng thị trường trước mốc 1.300 điểm
Tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp của chỉ số VN-Index đã chứng kiến nhịp thử sức mới trước mốc 1.300 điểm.
Ông Đinh Quang Hinh Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường Khối Phân tích của CTCK VNDirect |
Theo đánh giá của ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường Khối Phân tích của CTCK VNDirect: chỉ số VN-Index tiếp tục có một tuần bứt phá, thậm chí có thời điểm vượt mốc 1.300 điểm trong phiên cuối tuần, tuy vậy áp lực bán gia tăng đã đẩy lùi chỉ số về lại sát mức 1.290 điểm. Đây là điều không bất ngờ vì từ đầu năm tới nay vùng trên 1.300 điểm vẫn luôn là vùng mà VN-Index chịu áp lực chốt lời mạnh và khó giữ vững. Trong bối cảnh chưa có dấu hiệu nào cho thấy chỉ số VN-Index có thể dễ dàng vượt mốc 1.300 điểm thì việc nhà đầu tư điều chỉnh lại tâm lý theo hướng thận trọng hơn, tránh tâm lý Fomo “mua đuổi những cổ phiếu đã có nhịp tăng nóng” là điều cần thiết.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Chứng khoán MB (MBS): Thị trường đã lấy lại 50 điểm sau nhiều phiên tăng liên tiếp tuần qua. Khối ngoại cũng giảm bán ròng và tích cực mua ròng trở lại. Đặc biệt, thanh khoản cũng đã cải thiện.
Khả năng VN-Index vượt mốc 1.300 trong tuần mới này là có thể. Ở phiên thứ Sáu tuần trước, chỉ số đã có lúc chạm mốc 1.300 nhưng nhanh chóng rớt xuống khi áp lực bán gia tăng. Diễn biến này không bất ngờ, bởi mốc này vẫn là ngưỡng kháng cự mạnh.
Với bối cảnh hiện nay, khả năng vượt 1.300 chỉ là sớm hay muộn, nhưng xu hướng được quan tâm là vượt xong sẽ thế nào? Đi tiếp hay lại quay trở lại vùng 1.200 như bao nhiêu năm nay vẫn lặp đi lặp lại, gây uể oải, mất niềm tin với nhà đầu tư.
Còn ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, các phiên giao dịch cuối tuần vừa qua cho thấy tâm lý sợ mốc 1.300 điểm trở lại khiến thị trường xuất hiện các nhịp giật xuống. Dù tâm lý sợ vẫn có nhưng điểm khác biệt so với giai đoạn thang 3 và tháng 6 năm nay là chỉ số VN30 đã vượt đỉnh (vượt trên mức 1.340 điểm).
Kỳ vọng khối ngoại sẽ đảo ngược hoạt động bán ròng
Cùng với đà tăng tích cực, nhà đầu tư nước ngoài đã có nhiều phiên mua ròng tích cực. Nếu loại giao dịch thỏa thuận của cổ phiếu VIB, trong 2 tuần trở lại đây, khối ngoại đã mua ròng hơn 3.000 tỷ đồng qua khớp lệnh trên toàn thị trường.
Khối ngoại mua ròng qua khớp lệnh hơn 3.000 tỷ đồng trong vòng 2 tuần trở lại đây. |
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Chứng khoán MB (MBS): Với dòng vốn ngoại, họ đã rút ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối mạnh suốt cả năm vừa qua. Trong đó, có cả nhà đầu tư chiến lược, quỹ chủ động. Sau khi Fed hạ lãi suất, chưa có nhiều kỳ vọng về dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại Việt Nam mà chỉ nên hy vọng đà bán tháo giảm bớt.
Vấn đề đáng lưu tâm để giải thích việc nhà đầu tư nước ngoài chưa ưa thích thị trường Việt Nam là vì chúng ta chưa có hàng hóa mới, hấp dẫn, thu hút họ. Nhà đầu tư nước ngoài giải ngân trở lại Đài Loan quy mô cả tỷ USD còn một số thị trường khác được mua ròng như Indonesia, Thái Lan, Malaysia… Tại Việt Nam, xu hướng mua ròng đã trở lại nhưng chưa đáng kể.
Ông Nguyễn Thế Minh Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam |
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam: Sau khi FED cắt giảm lãi suất 0,5% đã tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực như tỷ giá hạ nhiệt trong khi đó giúp tạo ra định giá hấp dẫn hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đặc biệt, việc ban hành Thông tư 68 của Bộ Tài Chính sẽ giúp cải thiện tần suất mua bán của khối ngoại và sẽ là chìa khóa để giúp FTSE Russell nâng hạng thị trường Việt Nam lên nhóm Thị trường mới nổi Thứ cấp.
Hiệu lực thực thi để các quỹ ETF chính thức thêm các cổ phiếu VIệt Nam vào danh mục có thể ghi nhận trong năm 2025. Dù vậy, việc FTSE xem xét ngay trong tháng 10/2024 này hoặc tháng 3/2025 đều sẽ tạo ra kết quả tích cực lên thị trường.
Hiện nhà đầu tư kỳ vọng việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ thu hút dòng vốn từ các quỹ ETF khoảng 1,5 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động.
Chiến lược thích nghi với thị trường
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường Khối Phân tích của CTCK VNDirect: Trong bối cảnh chưa có dấu hiệu nào cho thấy chỉ số VN-Index có thể dễ dàng vượt mốc 1.300 điểm thì việc nhà đầu tư điều chỉnh lại tâm lý theo hướng thận trọng hơn, tránh tâm lý Fomo “mua đuổi những cổ phiếu đã có nhịp tăng nóng” là điều cần thiết.
Cần chủ động chốt lời một phần những mã cổ phiếu đã tăng nhanh trên 15% trong 2 tuần gần đây và giảm tỷ lệ cổ phiếu xuống ngưỡng an toàn (dưới 100%). Cần hạn chế việc giải ngân mới và sử dụng đòn bẩy tài chính, ít nhất là cho đến khi chỉ số VN-Index xác nhận rõ xu hướng vận động sau khi thử thách lại vùng kháng cự 1.300 điểm. Việc giải ngân mới nên được thực hiện khi chỉ số VN-Index vượt thành công vùng kháng cự 1.300 điểm một cách chắc chắn và tin cậy hoặc lùi lại vùng giá hỗ trợ tại 1.260-1.270 điểm.
Bà Trần Thị Khánh Hiền Giám đốc khối phân tích Chứng khoán MB (MBS) |
Bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc khối phân tích Chứng khoán MB (MBS): Một số rủi ro vĩ mô đã qua đi, thậm chí hiện nay khá thuận lợi như lạm phát, tỉ giá đều hạ nhiệt. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng.
Theo quan sát, thường quý IV cuối năm luôn là giai đoạn tích cực nhất trong chu kỳ của sản xuất kinh doanh của DN, trừ khi xuất hiện những yếu tố đột biến… Ngoài ra, câu chuyện nâng hạng thị trường vẫn đang được thúc đẩy với những bước tiến mới.
Với các yếu tố nêu trên, chúng tôi dự báo VN-Index cuối năm nay sẽ ở vùng 1.340 – 1.380 điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam: Nhà đầu tư cần thích nghi với vận động của dòng tiền đang ưa thích nhóm Ngân hàng và Chứng khoán. Nên đi theo dòng tiền và tận hưởng xu hướng thay vì tham gia khi thị trường đã tăng nóng. ĐỊnh giá của cả Ngân hàng, Chứng khoán dù đã tăng nhưng vẫn còn cách xa mức định giá cao.
Trong khi đó, với các cổ phiếu Midcap và Penny, dòng tiền sẽ lan tỏa chậm hơn và nhà đầu tư sẽ bị thử thách kiên nhẫn trước khi có những thành quả rõ ràng.