Nguyễn Ngọc Tư và những trang viết cảm thương thân phận phụ nữ
Người cầm bút chân quê
Nguyễn Ngọc Tư được trao giải Mai Vàng từ năm 2000 với truyện ngắn “Ngọn đèn không tắt”. Hồi đó, nhà văn mới vừa ngoài 20 tuổi và vừa đoạt giải nhất cuộc thi "Văn học tuổi hai mươi" trong mùa giải đầu tiên. Cái tên Nguyễn Ngọc Tư trở thành một hiện tượng. Tuổi trẻ, văn đẹp nhưng nội hàm văn hóa lại đầy đặn, ý tứ sâu xa.
Nguyễn Ngọc Tư nổi danh với "Ngọn đèn không tắt", "Cánh đồng bất tận"...
“Ngọn đèn không tắt” không phải một sáng tác phá cách về mặt sáng tạo văn chương khiến người đọc phải kinh ngạc nhưng vô cùng ấn tượng với ý nghĩa nhân văn được gửi gắm vào hình ảnh cô bé vùng biển 19 tuổi. Cô bé ấy tràn trề sức sống, hồn hậu như mảnh đất phương Nam, mạnh mẽ với phong thái của người đi khai thiên lập địa nhưng lại dịu dàng, ngọt ngào, quyến rũ, đôi mắt sáng lấp lánh ánh lửa nhân văn.
Nguyễn Ngọc Tư với “Ngọn đèn không tắt” là cái đẹp tươi trẻ của cả người viết lẫn hình tượng văn học mà cô chạm khắc vào trái tim độc giả.
Sau này, Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục khẳng định mình ở vô số truyện ngắn, truyện dài, ký, tản văn, thơ… Đặc biệt, truyện “Cánh đồng bất tận” khiến tên tuổi Ngọc Tư thăng hoa.
Hầu như tất cả các đầu sách của Nguyễn Ngọc Tư đều bán chạy, trở thành điểm nhấn ở mỗi mùa hội sách.
Nguyễn Ngọc Tư sống giản dị, mộc mạc dù thành công trên con đường văn chương
Nguyễn Ngọc Tư ít nhận lời phỏng vấn báo chí. Có trả lời ở các sự kiện văn học, chị cũng rất kiệm lời, nói năng giản dị, nhỏ nhẹ, không bao giờ đao to búa lớn. Sau nhiều năm thành công trên con đường văn chương, điều lạ là Nguyễn Ngọc Tư vẫn giữ nguyên cách nói chuyện chân chất, mộc mạc, có sao nói nấy, không màu mè, tô vẽ, không cố tình đánh bóng.
Và tất nhiên, đôi khi chị cũng lỡ lời hoặc nói năng không khéo léo. Nhưng cũng thật lạ là Nguyễn Ngọc Tư chẳng bao giờ bị độc giả phản ứng vì chuyện phát ngôn. Bởi chị luôn chân thành nhìn nhận: “Nhiệm vụ của nhà văn là viết hay chứ không phải là nói giỏi, cho nên nếu trong lúc nói, có điều gì không phải, mong độc giả thứ lỗi”.
Nguyễn Ngọc Tư cũng rất hạn chế gặp gỡ, giao lưu, chỉ thỉnh thoảng hiếm lắm mới có dịp chị đến TP. HCM dự một hoạt động giao lưu văn học, ra mắt sách mới. Và những dịp đó, chị bao giờ cũng ngồi nép trong một góc ít người thấy, lẫn vào đám đông, bình dị và khiêm tốn, kiểu như chính nhân vật của “Biển người mênh mông” xuất hiện trong đời thực vậy.
Những trang viết gai góc
Ngoài đời như thế nhưng văn chương của Nguyễn Ngọc Tư lại khác hẳn. Nói cách khác là những tinh hoa, sáng tạo và cả… nổi loạn nữa Nguyễn Ngọc Tư đều gửi gắm hết trong văn chương.
Trái ngược với tính cách Nguyễn Ngọc Tư, văn chị sáng tạo và cũng đầy nổi loạn
Ta gặp lại giọng văn mềm mại, đậm sệt chất Nam Bộ và những chi tiết éo le, thấm đẫm tình người, tình đất nơi vùng sông nước, xung quanh nhiều thân phận lênh đênh, khiến người đọc rớt nước mắt khi đọc tiểu thuyết “Sông” hoặc những truyện ngắn mới trong: “Đảo”, “Yêu người ngóng núi”, “Khói trời lộng lẫy”, “Gáy người thì lạnh”, “Nước như nước mắt”, “Trầm tích”…
Nhưng, ta cũng cảm nhận sự mạnh mẽ, kiên cường và bùng nổ như “Cánh đồng bất tận”. Điều đó luôn làm cho người đọc rùng mình vì nể, run rẩy vì cảm nhận những nét đẹp gai góc như chạm phải bụi gai xương rồng vươn lên tìm kiếm sự sống trên cát bỏng.
Chị thường cố chì chiết những người phụ nữ thụ động và cam chịu, mụ mị vì yêu
Theo thời gian, trang viết của Nguyễn Ngọc Tư thay đổi ít nhiều. Nhưng một điều không thay đổi là chị thường dành sự thương cảm cho những thân phận phụ nữ trắc trở, lầm lỡ trong tình yêu, cuộc sống. Lý giải điều này, chị nói: “Tôi không hiểu sao rõ ràng mình đã cố ý chì chiết, nhất là những người phụ nữ thụ động và cam chịu, mụ mị vì yêu, nhưng trong chữ lại thành ra thương cảm. Có một điều chắc chắn, tôi rất cố gắng không đứng về họ, cổ xúy cho thái độ sống đó, mà chỉ diễn tả đúng những phận người”.
Nhưng đọc những trang văn Nguyễn Ngọc Tư, ta thấy tấm lòng thương cảm cho số phận của người phụ nữ
“Tôi thích những người phụ nữ tự tại và tự trọng đến mức coi như đàn ông biến mất rồi. Họ làm đẹp vì chính họ chứ không vì ánh nhìn của đàn ông, để quyến rũ đàn ông. Họ làm việc vì họ muốn chứ không phải chứng tỏ mình cũng mạnh mẽ. Họ trèo thang tre xóc nóc lại mái nhà, bưng bê vô đất mấy chậu cây, đóng đinh lên tường treo mấy cái ảnh… Thích gã nào thì cứ chạy đến bảo em thích anh rồi đó, anh nghĩ sao? Trong đầu họ không có khái niệm trâu và cột”, chị khẳng định.
An Vinh