Nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh: Kết quả đánh giá tín nhiệm là công tâm
Sau đây là cuộc trao đổi của PV Thời Đại và nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh:
Chiều ngày 25/10, Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh. Tư lệnh ngành GD&ĐT và GTVT có phiếu tín nhiệm thấp nhiều. Ông có chia sẻ gì về việc ĐBQH đánh giá tín nhiệm thấp này?
Nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh: Đây là lần thứ 3 Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Nhiệm kỳ trước thì cả nhiệm kỳ lấy 2 lần phiếu tín nhiệm, nhưng bây giờ chỉ lấy một lần phiếu tín nhiệm cho cả nhiệm kỳ và lấy vào năm thứ 3. Việc lấy phiếu tín nhiệm này Quốc hội cũng đã tính toán.
Thứ nhất, các tư lệnh ngành, các Bộ trưởng hoạt động năm đầu, năm thứ hai đến năm thứ 3 thì ĐBQH sẽ đánh giá được là vị nào làm tốt, vị nào làm chưa tốt.
Nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh.
Thứ hai, người dân, các cơ quan báo chí phản ánh ngành anh phụ trách thế nào. Ví dụ như Bộ GD&ĐT, Bộ GTVT thời gian vừa rồi có nhiều vấn đề nổi cộm như: Thi cử tốt nghiệp và đại học, sách giáo khoa, cải cách giáo dục, thí điểm mô hình giáo dục….Bộ GTVT "lình xình" về các vụ tai nạn đường sắt, vụ đường sắt trên cao, đường cao tốc làm gian dối, rồi đến vấn đề BOT…Một loạt các vấn đề như liệt kê trên là những vấn đề nổi cộm ở xã hội cần quan tâm giải quyết, như vậy những ĐBQH ngoài vấn đề theo dõi ra thì thấy những công việc của ngành anh không hoàn thành thì ĐBQH đánh giá tín nhiệm và thể hiện ở kết quả như vậy là hoàn toàn chính xác.
Tuy nhiên, để cả một bộ hoạt động hiệu quả thì cần tất cả các cấp chứ không phải một mình Bộ trưởng muốn xoay chuyển là xoay chuyển được. Có nghĩa Bộ trưởng muốn ngành của mình làm tốt, ngành mình không bị mang tiếng nhưng bộ máy của ngành ấy thế nào? Và có cải tổ được không? Mình Bộ trưởng ông có làm được không? Mình cứ nói tràn lan là việc dạy thêm học thêm, nhưng trên thực tế Bộ trưởng cũng ra rất nhiều văn bản cấm thế nọ thế kia. Nhưng ở các địa phương vẫn tràn lan dạy thêm học thêm, một mình Bộ trưởng ở Hà Nội thì không quản lý hết được. Nó phải đồng bộ nhìn từ hai phía.
Theo ông, phiếu tín nhiệm thấp nhiều thì có phải là căn cứ để các tư lệnh ngành phấn đấu trong thời gian tới?
Nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh: Việc phiếu tín nhiệm thấp là một căn cứ để các tư lệnh ngành thay đổi. Thứ nhất, nếu phiếu tín nhiệm thấp quá các vị ấy cũng phải xem lại mình, có thực sự do cách lãnh đạo của mình không hay do ngoại cảnh mang đến.
Thứ hai, về phía các Bộ trưởng thấy là như thế thì mình cần phải đổi mới một cách quyết liệt trong việc tổ chức chỉ đạo thực hiện ngành của mình. Và thứ ba, ngành đó các cán bộ viên chức của ngành ấy thấy vì mình như thế mà cũng ảnh hưởng đến ông Bộ trưởng, do vậy cũng cần có nỗ lực .
Ví dụ trong ngành giáo dục, khi tư lệnh có phiếu tín nhiệm thấp nhiều thì cán bộ bên dưới cũng phải suy nghĩ về những việc làm của họ thế này, thế nọ mà ảnh hưởng đến Bộ trưởng.
Các ĐBQH lấy phiếu tín nhiệm sáng 25/10.
Ngày xưa, tại nhiệm kỳ 13, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình điều hành thì tỉ giá vàng thời kỳ đó “nhảy múa”, giá đô la không kìm được. Sau khi bỏ phiếu tín nhiệm, ông Bình đạt tỉ lệ thấp. Nhưng sau đó, ngành này tổ chức lại hoạt động của ngân hàng thì kết quả hoạt động tốt về tỉ giá đồng tiền, hoạt động ngân hàng đi vào nề nếp. Sau đó, khi lấy phiếu tín nhiệm thì ông Bình lại đạt tỉ lệ tín nhiệm cao. Việc đánh giá tín nhiệm là công tâm.
Vậy những tư lệnh ngành có tín nhiệm cao chỉ cần “kê cao gối ngủ”?
Nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh: Những tư lệnh ngành có tín nhiệm cao thì mình rất mừng cho họ. Tuy nhiên các vị này cũng không nên tự mãn, buông lỏng quản lý rồi lơ là mà càng phải tiếp tục củng cố để làm sao cho ngành của mình tốt hơn. Chứ không phải cứ như thế anh chủ quan duy ý chí và anh say sưa với thắng lợi, say sưa với tín nhiệm cao này mà anh sao nhãng rồi chủ quan và bị đánh giá thấp.
Ngành của mình khi suy sụp thì mình phải có biện pháp nâng như thế nào, luôn luôn phải nghĩ cách như thế thì mới giữ vững, ổn định và phát triển được.
Những tư lệnh, những người có tín nhiệm đang ở ranh giới anh chuẩn bị xuống tín nhiệm thấp, hai là anh chuẩn bị lên cao thì anh cần phải phấn đấu nữa vì ai cũng muốn tín nhiệm cao. Những vị này càng phải nỗ lực phấn đấu và có phương án để đẩy mạnh hoạt động ngành của mình lên để nhân dân và đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm cao.
Trân trọng cám ơn ông!
Xuân Hòa