Người Việt ở Đức đã hội nhập vào xã hội tới mức độ nào?
Trước tiên, ta phải tự hỏi: “Hội nhập là gì, hội nhập là như thế nào?”. Tại Đức, cho tới nay cũng chưa có định nghĩa nào về Integration (hội nhập) được các nhà chuyên môn và dân chúng công nhận hoàn toàn.
Phần lớn, người ta chỉ tạm thời thừa nhận với nhau rằng những người hội nhập tốt là những người biết nói tiếng Đức, được đào tạo nghề và có công ăn việc làm. Trong khoa học cũng không có sự nhất trí về khái niệm hội nhập, người ta có thể hiểu hội nhập là một quá trình hoặc một mục tiêu, ngược lại với những khái niệm như ly khai, đồng hóa hoặc xung đột.
Vấn đề hội nhập được Đức rất quan tâm, vì có tới 20 % dân số ở Đức có nguồn gốc nhập cư, cho dù nhiều người đã được sinh ra và lớn lên trên nước Đức.
Quan niệm chung của người Việt ta ở Đức là hội nhập có nghĩa phải hòa đồng vào xã hội Đức và phải hội nhập mới có thể phát triển. Nhưng người Việt ở Đức đã hội nhập ra sao?
Thế hệ thứ nhất phần lớn là những người được chứng kiến quá trình tái thống nhất nước Đức và sự đột ngột chuyển từ chế độ XHCN sang TBCN, hoặc những người từ Đông Âu sang.
Những người này không được chuẩn bị tư tưởng cho việc định cư lâu dài ở Đức, nên nhiều người tiếng Đức bập bõm, vừa làm vừa học để tìm hiểu luật pháp, phương thức hoạt động của xã hội Đức theo thể chế mới, có lẽ đa phần là “học mót”, người nọ hỏi người kia, hỏi những người tiếng Đức “dầy” hơn, có thể tìm hiểu, tra cứu qua sách vở, báo chí…
Người Đông Đức phần lớn cũng bỡ ngỡ như chúng ta, nhưng họ có tiếng Đức là tiếng mẹ đẻ nên đỡ hơn.
Những người vốn là lao động theo hiệp định, kém tiếng Đức, không có nghề chuyên môn, không thể xin làm thuê nên bất đắc dĩ phải trở thành ông chủ, bà chủ tiệm ăn, tiệm Nail, cửa hàng quần áo, cửa hàng hoa… và thuê những người Việt ít vốn liếng hơn làm cho họ.
Như vậy, có thể nói phần lớn thế hệ thứ nhất của người Việt ở Đức mới hội nhập có mức độ vào xã hội Đức. Về vật chất thì coi như tạm ổn, có người đủ ăn, có người sung túc và có một số ít người có thể coi là giàu. Nhưng về đời sống văn hóa, tinh thần thì xem chừng vẫn còn ở một thế giới riêng: Hầu hết bạn bè người thân thì sống co cụm lại với nhau. Rất ít người đi thăm viện bảo tàng, nghe hòa nhạc cổ điển, xem các chương trình sân khấu. Thậm chí rất ít người dành thời gian đi nghỉ với gia đình, đi thăm thú các địa phương, các nước xung quanh, mà chỉ lo kiếm tiền để sau vài năm có thể về Việt Nam thăm gia đình.
Điều này thì cũng có thể hiểu được, vì đi nhiều thì không đủ tiền, nhưng như vậy thì khó mà nói là đã hội nhập đầy đủ vào đời sống văn hóa, tinh thần trong xã hội Đức.
Thế hệ thứ hai thì việc hội nhập có vẻ tốt hơn: Phần lớn các bạn trẻ thế hệ thứ hai nói tốt tiếng Đức, nhiều bạn có bằng tốt nghiệp trung học, đại học và thậm chí cao hơn nữa. Nhiều người đã có được công ăn việc làm trong các công sở, doanh nghiệp Đức. Thế hệ này quan tâm hơn tới đời sống văn hóa tinh thần trong xã hội Đức, thậm chí quan tâm hơn tới văn hóa ẩm thực các nước khác ở Đức…
Như vậy, nếu coi hội nhập là một quá trình thì cộng đồng người Việt ở Đức đang ở trong quá trình hội nhập ngày càng tốt hơn, sâu rộng hơn vào xã hội Đức.
Theo VOV/Thoibao.de