Người Việt Nam có thể thanh toán QRCode xuyên biên giới với 3 nước
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng không chỉ là một xu hướng mà còn là một bước tiến quan trọng hướng tới tương lai tài chính hiện đại và linh hoạt (Ảnh minh họa: KT) |
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng không chỉ là xu hướng mà còn là bước tiến quan trọng hướng tới tương lai tài chính hiện đại và linh hoạt. Thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động để tạo điều kiện cho hoạt động hệ thống ngân hàng ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, cung ứng dịch vụ an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Đến cuối tháng 11/2023, toàn thị trường có hơn 21.000 ATM và 513.000 POS; 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác. Mạng lưới chấp nhận thanh toán (POS/QR Code) phủ đến hầu hết các điểm kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng tiện ích và đang mở rộng dần ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học.
Đặc biệt, cuối năm 2023, Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua QR Code với Thái Lan, Campuchia (đang triển khai tiếp với Lào), cho phép người dân mỗi nước quét QR Code để trả tiền hàng hóa, dịch vụ an toàn, tiện lợi tại các nước này ngay trên ứng dụng di động ngân hàng Việt Nam và ngược lại.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, Việt Nam sẽ mở rộng QR code ra nước ngoài: “Việt Nam đã hoàn thành kết nối qua thanh toán xuyên biên giới qua mã Qrcode với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực Asean. Ngoài ra, ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng chống tội phạm và đặc biệt trong triển khai nhiệm vụ tại đề án 06, trung tâm dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, định danh xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần bảo đảm hoạt động của ngân hàng”.
Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số của ngành Ngân hàng với nhiều phương thức thanh toán hiện đại, tiện lợi được kết nối liên thông, tích hợp liền mạch, xuyên suốt với các ngành, lĩnh vực khác: Các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ dân sinh như thanh toán điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, đặt nhà hàng, tour du lịch trên các nền tảng số... đều đã được đưa lên hoặc kết nối với ứng dụng di động của các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, dịch vụ Mobile - Money cho phép người dân, doanh nghiệp giao dịch mua, bán, thanh toán an toàn, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí ngay trên ứng dụng, nền tảng số quen thuộc hằng ngày. Những kết quả tích cực từ sự đổi mới này đã thay đổi cách người dân, doanh nghiệp tương tác với ngân hàng, đồng thời mở ra những cơ hội mới và tạo ra một môi trường tài chính an toàn và tiện lợi.
“Công nghệ để có thể đáp ứng ngay nhu cầu thay đổi hàng ngày của khách hàng, để làm được điều đó đầu tư vào con người rất quan trọng, chúng tôi có 10.000 kỹ sư công nghệ thông tin, đảm bảo thông suốt sửa đổi hàng ngày, hàng tuần. Thứ hai, chúng tôi thiết kế nền tảng đa dạng cho các nhóm ngành nghề khác nhau, cùng một nghiệp vụ thanh toán thì bán lẻ sẽ khác bán buôn, logistic sẽ khác nhau”, ông Vũ Thành Trung, thành viên ban Điều hành, phụ trách ngân hàng số ngân hàng MB cho biết.
Thay vì khép kín, không chia sẻ tệp khách hàng của mình, Ngân hàng mở - Open Banking đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Công ty công nghệ FPT cũng đang thúc đẩy Open Banking tại Việt Nam & kết nối kinh tế số toàn cầu, nghiên cứu và đề xuất giải pháp công nghệ giúp tháo gỡ bài toán kết nối, liền mạch quy trình giữa hệ thống của Ngân hàng.
“Bây giờ khi chuyển khoản 10 triệu không cần xác thực nhưng sau ngày 1/7 khi chuyển khoản 10 triệu thì chúng ta áp dụng sinh trắc học. Thường chúng ta cần nhớ mật khẩu nhưng bây giờ sẽ không cần nhớ, sẽ dùng khuôn mặt chính mình qua từng lần giao dịch, việc này đem lại lợi ích rất nhiều cho người dùng, cho xã hội về phòng chống lừa đảo cũng như là sẽ mang lại an ninh bảo mật”, ông Vũ Anh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Nền tảng và Định danh số, công ty hệ thống thông tin FPT thông tin.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip để tổ chức triển khai giải pháp xác thực khách hàng. Trong đó, có nhiều tổ chức tín dụng đã ký kết hợp đồng, đang triển khai thực tế: 48 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua ứng dụng điện thoại; 60 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua thiết bị tại quầy.
Về làm sạch dữ liệu: 24 tổ chức tín dụng đã ký kết với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an C06 triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng theo phương thức offline; 19 tổ chức tín dụng đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng.
Ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ về giải pháp xác thực qua thẻ căn cước công dân gắn chip: “Giải pháp triển khai xác thực qua căn cước công dân gắn chip sớm, nhanh và an toàn, đến nay, chúng tôi đã đưa vào nghiệp vụ lõi để định danh hiệu quả 1,5 triệu lượt sử dụng dịch vụ, trung bình mỗi tháng hơn 300 nghìn lượt dịch vụ trải nghiệm, chất lượng dịch vụ đã đọc và xác thực thành công với những đầu đọc chưa đến 2 giây, trên điện thoại từ 3-5 giây, chúng ta có thể tin tưởng giải pháp này từng bước thay thế cách làm truyền thống, loại bỏ yếu tố tội phạm an ninh tiền tệ”.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số quốc gia, toàn ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ trong Kế hoạch chuyển đổi số. Tính theo bình quân toàn Ngành, nhiều chỉ tiêu đã tiệm cận hoặc vượt mục tiêu đặt ra đến năm 2025.
Cụ thể, tại NHNN, 100% các thủ tục hành chính đủ yêu cầu được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; trên 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường số (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Đến cuối năm 2023, đã có 87% người trưởng thành tương ứng 182 triệu tài khoản thanh toán vượt kế hoạch đặt ra tại Quyết định 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.