Người phụ nữ kéo cờ trong ngày Độc lập đầu tiên của dân tộc
Giáo sư Lê Thi
Ngày 2/9/1945 là Ngày khai sinh của nước Việt Nam độc lập. Cũng trong ngày đó, toàn dân nước Việt Nam tiến hành buổi lễ Tuyên bố độc lập với nghi lễ chào cờ trang nghiêm, kính cẩn. Đây được coi là lễ chào cờ đầu tiên của người dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lá cờ đỏ sao vàng chính thức tung bay trong nắng thu Hà Nội.
Nghi lễ kéo cờ trong buổi lễ Tuyên bố độc lập của nước Việt Nam mới được trao cho 2 người phụ nữ thực hiện. Hai người phụ nữ đảm nhiệm việc kéo cờ trong ngày 2/9/1945 ấy là Giáo sư Lê Thi và cựu chiến binh Đàm Thị Loan, khi đó mới là những thiếu nữ 19-20 tuổi.
Đến nay, sau 70 mùa thu kể từ mùa thu năm 1945 lịch sử, bà Đàm Thị Loan đã mất, chỉ còn lại Giáo sư Lê Thi. Năm nay, Giáo sư Lê Thi tròn 90 tuổi, bà đang sống trong một căn nhà nhỏ yên tĩnh trên phố Ngô Quyền.
Giáo sư Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa, con gái của cố Giáo sư Dương Quảng Hàm. Bà cùng các anh chị em được học hành tử tế ngay từ khi còn nhỏ. Bản thân bà đã là nữ sinh của trường Đồng Khánh danh giá.
Bây giờ, khi đã 90 tuổi, bà Lê Thi vẫn còn nhớ như in không khí hào hùng, khí thế cách mạng của ngày độc lập đầu tiên và giây phút bà kéo cờ tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Bà kể lại: Vào ngày 2/9/1945, mới sáng sớm, từ mọi nẻo đường, hàng vạn người đã đổ về quảng trường Ba Đình để dự lễ.
Bà Thi lúc đó là Bí thư phụ nữ của khu Hoàn Kiếm, cùng các chị em trong Hội Phụ nữ cứu quốc tham gia dòng người về quảng trường. Đến nơi, các chị em phụ nữ xếp hàng, đoàn phụ nữ Hoàn Kiếm đứng gần lễ đài nhất, dẫn đầu đoàn phụ nữ Thủ đô. Lúc đó, đại diện một người trong Ban tổ chức xuống đề nghị các chị em phụ nữ cử một người lên kéo cờ.
Bà Thi đứng đầu hàng đã được các chị em trong đoàn khích lệ “Thi lên đi”. Kể đến đây, bà cười xòa rồi bảo, lúc đó bà ngập ngừng, e ngại và có phần lo lắng vì sự việc xảy ra quá bất ngờ.
Thực ra bà cũng đã 10 năm học trường Đồng Khánh, đã từng kéo cờ nhưng chưa lần nào lo lắng như thế bởi đây nghi lễ kéo cờ trong Ngày độc lập của toàn dân tộc, cần có sự luyện tập kĩ càng.
Lo lắng là thế, nhưng bà Lê Thi vẫn tiến về phía cột cờ. Đến đây bà mới biết cùng thực hiện kéo cờ với bà còn có một người phụ nữ khác.
Đó là một nữ du kích người Tày mặc áo chàm, quần bó cạp và đến tận nhiều năm sau đó bà Lê Thi mới biết người đó chính là bà Đàm Thị Loan, vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái.
Hai chị em gặp nhau, bà Lê Thi trao đổi với bà Đàm Thị Loan rằng: Bà Loan thấp thì nâng cờ phía dưới còn bà Thi cao hơn sẽ kéo cờ.
Hai chị em đều dặn nhau cố gắng làm sao kéo cờ khớp với bài "Tiến quân ca", để khi bài hát kết thúc là lúc cờ đã kéo lên đến đỉnh cột cờ. Và hai chị em đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ.
Bà Lê Thi xúc động nói: Lúc ngước nhìn lên thấy cờ đỏ sao vàng hiên ngang bay trong gió, hai chị em Lê Thi - Đàm Thị Loan xúc động đến trào nước mắt.
Lúc đó cả 2 bà chưa hề biết tên nhau, chưa từng gặp nhau. Phải đến hàng chục năm sau đó 2 người phụ nữ này mới lại gặp nhau, mừng mừng tủi tủi.
Sau đó, cứ vào mỗi dịp Quốc khánh là 2 bà lại gặp nhau và trở lại quảng trường Ba Đình, nhớ lại giây phút trọng đại trong ngày 2/9 đầu tiên của dân tộc.
Nay bà Đàm Thị Loan đã mất, bà Lê Thi cũng đã 90 tuổi, bà vẫn minh mẫn, đi phải chống gậy nhưng bà vẫn muốn được trở lại quảng trường Ba Đình lịch sử để sống lại những giây phút hào hùng, hòa mình vào biển người ngập tràn trong rừng cờ hoa, tươi vui, xúc động của Hà Nội 70 năm về trước...
Bài Thi kể, lúc thực hiện xong nghi lễ kéo cờ, bà lùi ra sau quan sát và lần đầu tiên nhìn thấy Bác Hồ.
Bác bước ra cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng. Bác như một vị cha hiền trong bộ quần áo kaki, đi dép cao su...
Lúc đó, bà Thi đã rất ngạc nhiên vì thấy Bác Hồ ăn vận rất giản dị và càng ngạc nhiên hơn khi Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, đã hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không" ân cần như một người Cha hỏi những đứa con của mình. Bà không thể ngờ được vị lãnh tụ của toàn dân tộc lại mộc mạc, gần gũi với nhân dân đến thế.
Sau Ngày độc lập, bà Lê Thi tiếp tục tham gia chiến đấu trong 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô, sau đó lên đường làm cách mạng ở những vùng xa xôi hơn như Vĩnh Yên, Tuyên Quang... theo sự phân công của tổ chức.
Bà đã tham gia học lớp lý luận cao cấp đầu tiên ở Trường Nguyễn Ái Quốc và bà đã làm luận văn: "Con đường lên xã hội chủ nghĩa".
Sau này, bà Lê Thi được giao đảm trách nhiều cương vị công tác khác nhau, trong đó có 25 năm làm Viện trưởng Viện Triết học; sau đó làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu gia đình và phụ nữ...
Dù rất bận rộn với công việc quản lí xong bà dành thời gian để nghiên cứu và viết sách, trong đó có cuốn “Bác Hồ và phong trào phụ nữ Việt Nam"; "Chủ tịch Hồ Chí Minh và con đường đưa phụ nữ Việt Nam tới bình đẳng, tự do"...
Riêng cuốn sách "Dương Quảng Hàm- con người và tác phẩm" là món quà bà dành kính tặng cha mình, giới thiệu những đóng góp của ông nền giáo dục nước nhà.
Bà bảo, bà có được thành công trong sự nghiệp cách mạng, đóng góp cho nhân dân là nhờ 2 người mà bà hết mực kính yêu, tôn trọng: Đó là cha bà- Giáo sư Dương Quảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác Hồ với bà Lê Thi là vị lãnh tụ gần gũi, ân cần và là người cổ vũ cho phong trào bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy khả năng, phục vụ cách mạng.
Giáo sư Dương Quảng Hàm có 8 người con, 4 con trai, 4 con gái, bà Lê Thi là con gái thứ 4.
Tuy cuộc sống gia đình khó khăn nhưng Giáo sư Dương Quảng Hàm sống hết sức tiết kiệm, chăm chỉ làm việc để tạo điều kiện tốt nhất cho các con được đi học, không phân biệt trai hay gái.
Chính nhờ được học tập từ tấm bé, bà Lê Thi đã có vốn tri thức nền tảng để phục vụ sự nghiệp cách mạng và vinh dự được chọn là người kéo cờ trong Ngày độc lập đầu tiên của đất nước.
Trong số 8 người con của Giáo sư Dương Quảng Hàm, hầu hết đều thành đạt và đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, ngoài bà Lê Thi - nguyên Viện trưởng Viện Triết học, còn có bà Dương Thị Ngân là phát thanh viên đầu tiên của Việt Nam; bác sĩ, Anh hùng Lao động Dương Trọng Bái...
Thanh Giang (TTXVN)