Người Mông Sơn La học trồng rau sạch
Anh Vàng A Sa bên sản phẩm rau sạch của mình. Ảnh: Nông nghiệp VN |
Cũng giống như nhiều người Mông khác, anh Vàng A Sa ở bản Bó Nhàng (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Sơn La) sống bằng nghề trồng rau. Canh tác bằng những kinh nghiệm truyền thống trên mảnh đất rộng 1.000 m2, Sa rất chăm chỉ chịu khó, song thu nhập từ việc trồng rau vẫn không đủ để trang trải cuộc sống cho gia đình anh.
Bước ngoặt đến với chàng thanh niên người Mông vào tháng 6/2016 khi anh được tham gia tập huấn dự án Cải thiện sinh kế thông qua phát triển các chuỗi giá trị rau do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) tổ chức.
Tham gia vào dự án, anh Sa được các cán bộ nông nghiệp hướng dẫn quy trình trồng rau sạch theo khoa học, vừa an toàn cho người sản xuất, tiêu dùng, bảo vệ môi trường, vừa cho sản phẩm chất lượng, năng suất cao. Bên cạnh đó, anh Sa còn được cán bộ trung tâm ACIAR hỗ trợ về cây giống, kết nối tiêu thụ nông sản.
Hoàn thành chương trình, anh Sa đã về nhà vận động 2 hộ nữa trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ban đầu, việc tiêu thụ sản phẩm do HTX Vân Hồ phụ trách hỗ trợ, sau đó từng bước, anh Sa đã chủ động thành lập tổ hợp tác, tự tiêu thụ rau. Hiện anh đang là trưởng tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bó Nhàng 2, đồng thời cũng là người bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Nhờ được canh tác trong môi trường phù hợp, điều kiện thời tiết, khí hậu mát mẻ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, từ chỗ một vụ mỗi năm, tới nay, tổ của anh Sa đã sản xuất được bốn vụ/năm. Từ điểm khởi đầu với 3 thành viên, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Bó Nhàng 2 đã có 12 thành viên, và con số sắp tới sẽ là 15.
Mỗi tuần, tổ hợp tác sản xuất rau sạch của Vàng A Sa trung bình có 3-4 chuyến xe tải cỡ 1,5- 2 tấn chở rau về siêu thị BigC ở thủ đô Hà Nội theo đơn đặt hàng cố định. Ngoài ra, tổ cũng cung cấp rau cho một số cửa hàng tại Vĩnh Phúc, Bắc Ninh,...
“Trước đây, nếu trồng lúa cả năm mới được 1 vụ, thu nhập chỉ được hơn 10 triệu đồng thì từ khi trồng rau, thu nhập của gia đình đã tăng nhiều lần. Mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi để dư được 60-70 triệu đồng” – anh Sa nói.
Ngoài rau củ, tới đây tổ hợp tác của anh Sa còn hướng tới gieo trồng và cung ứng sản phẩm quả đặc trưng của vùng như: đào, mận cơm, mận tam hoa...
Nói về những tác động của dự án, kỹ sư Bùi Văn Tùng - Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Tây Bắc (Cán bộ Dự án của ACIAR), người trực tiếp "cầm tay chỉ việc", hỗ trợ bà con nông dân ở Vân Hồ cho biết:
“Thời gian đầu vất vả nhất là lúc vận động người dân thay đổi tập quán canh tác. Trước nay, bà con canh tác theo kiểu cũ đơn giản, cả tháng mới ra đồng một lần, giờ trồng rau ngày nào cũng phải ra ruộng rưới nước, bón phân, rồi ghi nhật ký. Thêm vào đó còn có đoàn giám sát, nếu làm không đúng là không tiêu thụ rau được. Ban đầu rau rất xấu, hư hỏng nhiều không bán được, nhiều người mất niềm tin nên bỏ cuộc”.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, bà con đã thấy được lợi ích của mô hình này. Anh Tùng phấn khởi cho biết: không chỉ đem lại sự thay đổi về mặt kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dự án đã giúp bà con nông dân thay đổi tư duy, làm quen với lối canh tác mới khoa học, hiện đại hơn. Hiện đang có thêm nhiều hộ nông dân trên địa bàn tham gia phát triển, mở rộng quy mô sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, trên nền tảng truyền thống gắn kết của cộng đồng người Mông.
Dự án trồng rau VietGAP được Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) khởi xướng, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Khoa học kĩ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) đã giúp bà con dân tộc vùng cao ở Vân Hồ thích ứng với các phương pháp sản xuất, canh tác mới an toàn và cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Sơn La là một trong những địa phương được hưởng lợi từ dự án “Cải thiện sinh kế ở Myanmar và Việt Nam thông qua chuỗi giá trị rau” và đã chứng minh tiềm năng kinh tế khi mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân từ việc phát triển chuỗi giá trị rau an toàn. ACIAR là một phần trong chương trình hợp tác phát triển quốc tế của Australia, có nhiệm vụ xây dựng các hệ thống nông nghiệp bền vững và năng suất hơn vì lợi ích của các quốc gia đang phát triển và Australia. ACIAR đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1993. |
Tổ chức CARE khởi động dự án mới nhằm giảm bạo lực giới trong cộng đồng dân tộc thiểu số Ngày 10/9, dự án "Nâng cao nhận thức và tiếng nói của cộng đồng dân tộc miền núi phía Bắc trong ứng phó với bạo ... |
CARE hỗ trợ người dân Hoà Bình khắc phục hậu quả lũ lụt TĐO - Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đang triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân 10 xã thuộc tỉnh Hòa ... |
CARE: Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tại Bắc Kạn nâng cao tiếng nói TĐO - Ngày 24/5/2017, tại thành phố Bắc Kạn, tổ chức CARE Quốc tế; Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) ... |