CARE: Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tại Bắc Kạn nâng cao tiếng nói
Những pano/áp phích là sản phẩm nghiên cứu của chị em dân tộc thiểu số tại tỉnh Bắc Kạn
Dự án “Tăng cường sự tham gia và tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số” được triển khai tại hai xã Phúc Lộc và Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Dự án sử dụng phương pháp nghiên cứu cùng cộng đồng (còn gọi là đồng nghiên cứu hoặc nghiên cứu có sự tham gia) nhằm nâng cao năng lực và tiếng nói cho phụ nữ dân tộc Tày, Dao, H’Mông trên địa bàn. Dự án do CARE Quốc tế, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Hội Phụ nữ Bắc Kạn thực hiện dưới sự tài trợ của Liên minh Châu Âu.
Thông qua dự án, các chị em được tập huấn về đa dạng văn hóa, phương pháp kể chuyện qua hình ảnh và phương pháp nghiên cứu có sự tham gia của cộng đồng. Thông qua quá trình thực hiện nghiên cứu, các nhóm phụ nữ có thể xác định các vấn đề của địa phương, sau đó trình bày và vận động các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội để giải quyết vấn đề của họ.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn Hà Thị Liễu phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, bà Hà Thị Liễu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn cho biết: Khi đưa phương pháp đồng nghiên cứu vào 2 xã Phúc Lộc và Bành Trạch tại Ba Bể, các chị em đều rất bỡ ngỡ và nghĩ rằng nghiên cứu chỉ dành cho những chuyên gia. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, các nghiên cứu viên được nhận sự hướng dẫn trực tiếp từ tổ chức CARE, iSEE và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn, phương pháp này đã đạt được những kết quả rất tích cực. Chúng tôi hy vọng phương pháp đồng nghiên cứu sẽ được nhân rộng trong địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng như ra các tỉnh trong khu vực và tương lai là trong toàn quốc để chị em phụ nữ dân tộc thiểu số đều có cơ hội thể hiện bản thân, nói lên tiếng nói của mình.
Các nhóm nghiên cứu tự tin chia sẻ về các chủ đề, quá trình hoạt động của nhóm mình
Năm 2015, giai đoạn một của dự án được triển khai tại xã Phúc Lộc với sự tham gia của 32 nghiên cứu viên cộng đồng là các phụ nữ dân tộc Tày, Dao, H’Mông và 10 cán bộ hỗ trợ. Từ tháng 11/2015 đến tháng 6/2016, 5 nhóm nghiên cứu viên cộng đồng đã thực hiện nghiên cứu về các chủ đề: ô nhiễm nguồn nước, rác thải sinh hoạt, chăn nuôi lợn đen bản địa, trẻ em bỏ học, trang phục truyền thống của dân tộc Tày, Dao.
Sau khi các nghiên cứu được thực hiện, các phát hiện chính từ kết quả nghiên cứu đã được chia sẻ với cộng đồng, chính quyền địa phương cùng các tổ chức xã hội và phối hợp tìm cách giải quyết.
Đại biểu tham dự hội thảo đóng góp ý kiến nhằm phát triển dự án
Song song với các hoạt động giải quyết vấn đề tại xã Phúc Lộc, từ tháng 10/2016, dự án được tiếp tục triển khai tại xã Bành Trạch với sự tham gia của 34 nghiên cứu viên cộng đồng là các phụ nữ dân tộc Tày, Dao và 5 cán bộ hỗ trợ. Từ tháng 11/2016 đến tháng 5/2017, 8 nhóm nghiên cứu viên cộng đồng đã thực hiện 8 nghiên cứu: ô nhiễm môi trường, thực trạng và nhu cầu sử dụng nhà họp thôn, nghệ thuật hát then – đàn tính của người Tày, lễ hội cầu mùa của người Dao Tiền; chăn nuôi gà bản địa, chăn nuôi lợn đen bản địa, chăn nuôi bò theo phương pháp bán chăn thả, chăn nuôi trâu theo phương pháp bán chăn thả.
Các nhóm đồng nghiên cứu đã chủ động tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân và ảnh hưởng của những vấn đề đang tồn tại trong cộng đồng. Dựa trên cơ sở của các nghiên cứu, các nhóm cùng thảo luận với những người dân trong cộng đồng đề xuất các sáng kiến để giải quyết các vấn đề. Quá trình nghiên cứu bởi vậy không chỉ nhận được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng mà còn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của cán bộ chính quyền thôn, xã.
Đại diện các nhóm đồng nghiên cứu nhận bằng chứng nhận của tổ chức CARE
Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh kỷ niệm
Tính đến tháng 5/2017, mô hình phương pháp nghiên cứu cùng cộng đồng và kết quả nghiên cứu của các nhóm tại hai xã Phúc Lộc, Bành Trạch đã được chia sẻ với cộng đồng, chính quyền các cấp, các tổ chức quần chúng, xã hội từ cấp trung ương đến địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu tham gia cũng đã đưa ra những ý kiến đóng góp, gợi mở hướng đi cho dự án phát triển cũng như các hoạt động tới đối tượng là phụ nữ dân tộc thiểu số một cách thiết thực, phù hợp và hiệu quả hơn. Qua đó hướng tới sự hợp tác bền vững giữa tổ chức CARE với Hội Liên hiệp Phụ nữ Bắc Kạn trong thời gian tới.
Thùy Linh