Người Mông ở Tây Bắc đã biết cách làm du lịch homestay
Mắm và khô: đặc sản nức tiếng nơi vùng đất biên thùy An Giang |
Cờ bạc "đại náo" vùng biên: Ném tiền vào ổ bạc |
Những nghề chỉ ở vùng giáp biên mới có |
Bảo tồn nguyên vẹn phong tục người Mông
Vài năm gần đây, bản Hua Tạt trở thành điểm sáng du lịch cộng đồng của Vân Hồ - huyện “cửa ngõ” của tỉnh Sơn La. Tuy bản sát quốc lộ, nhưng người Mông nơi đây vẫn giữ được phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Mông bản địa.
Sự yên bình của Hua Tạt thể hiện ngay từ lối vào bản với những ngôi nhà làm theo kiểu truyền thống của dân tộc Mông, xung quanh là vườn cây đào, mận xanh mướt, xa xa là những vườn rau cải mèo trổ hoa vàng rực rỡ và màu đỏ quyến rũ của hoa đậu. Tại sân Nhà văn hóa của bản, một vài cô gái Mông xúng xính trong những bộ váy áo màu sắc sặc sỡ đang túm tụm vừa trò chuyện, vừa ý nhị cười đùa. Phía sân vận động, các cháu nhỏ đang đánh quay, nhảy dây vui chơi trong ánh nắng chiều.
Vào thăm bất kì gia đình người Mông nào trong bản, du khách đều được tận mắt thấy những chiếc cối xay ngô, cối xay lúa, cối giã bánh dày cũ kĩ, trên tường nhà vẫn treo những cây khèn Mông, sáo Mông... Tuy bản có điện từ lâu, máy xát, ti vi... đủ cả, nhưng nhiều nhà vẫn giữ những món đồ, công việc ấy như một nét đẹp truyền thống của dân tộc, tạo nên nét đẹp văn hóa đặc sắc riêng biệt, không phải nơi nào cũng có. Nhiều chủ nhà còn nhiệt tình hướng dẫn khách nếu có nhu cầu học xay lúa, xay ngô, thổi khèn Mông...
Điểm sáng du lịch cộng đồng ở Vân Hồ
Bản Hua Tạt có 199,52ha rừng tự nhiên, đặc biệt là 20ha rừng thông hơn 10 năm tuổi, luôn được đồng bào sống quanh khu gìn giữ. Đây cũng là nơi mang đến vẻ thơ mộng cho bản, khiến du khách thích thú trong chiến lược phát triển du lịch cộng đồng.
Một góc Homestay A Chu - nơi du khách lưu trú, nghỉ dưỡng (Ảnh: Thanh Thuận). |
Cách đây 4 năm, người tiên phong làm du lịch cộng đồng của bản là cha con ông Tráng A Súa và Tráng A Chu. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, Tráng A Chu trở về quê hương, quyết định tìm kiếm cơ hội kiếm sống, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình... Nhận thấy hướng phát triển của du lịch Mộc Châu, ngay khi huyện Vân Hồ thành lập, A Chu quyết định đầu tư làm du lịch cộng đồng.
Tráng A Súa là những người đầu tiên trong bản đã tự tay phá bỏ vườn mận, vườn đào, vay vốn cùng anh em dựng ngôi nhà sàn gỗ to nhất bản, bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Ngôi nhà sàn - Homestay A Chu đặc biệt hơn tất cả những ngôi nhà khác trong bản không chỉ to, bề thế hơn mà sàn nhà được lát gỗ dày và sạch sẽ. Mái nhà lợp lá cọ, trên những hàng cột được lắp bóng điện trang trí khéo léo. Tầng một của nhà sàn được thiết kế quầy bar, các bàn cho khách ngồi ăn uống, ngắm cảnh thiên nhiên, được trang trí bằng những vật dụng độc đáo, mang dáng dấp truyền thống của người Mông. Khu nhà vệ sinh tuy làm theo phong cách hiện đại nhưng được trang trí bằng những vật liệu từ thiên nhiên. Mái lợp bằng lá cọ. Vách bằng những ống nứa được ngâm chống mọt ghép lại. Tất cả những vật dụng nhỏ nhất của ngôi nhà đều tạo ra vẻ hài hòa với không gian của miền cao nguyên.
Đặc biệt, nhà sàn có tổ chức hoạt động văn hóa bản để du khách đến nghỉ tại đây được thưởng thức văn hóa dân tộc bản địa như: Múa hát, thổi khèn Mông... Cũng tại đây, du khách có thể cùng tham gia trải nghiệm các công việc thường ngày của người Mông như vào bếp tự tay nướng những miếng thịt thơm ngon, nướng cá, tham gia sinh hoạt cùng gia chủ... Homestay của A Chu dần thu hút đông du khách đến lưu trú. Doanh thu từ du lịch cộng đồng cũng tăng cao.
Thấy hướng đi mới của A Chu có hiệu quả và đỡ vất vả hơn làm nương, ông Tráng A Sếnh cũng bắt tay vào đầu tư chuyển đổi đất trồng ngô sang làm du lịch cộng đồng trên khu đất rộng rãi có nhiều lợi thế về cảnh quan môi trường với tên Homestay Tráng A Sếnh. Điểm nhấn của Homestay Tráng A Sếnh chính là khu rừng thông phía sau nhà, đây là nơi lý tưởng để du khách thả hồn vào thiên nhiên, đất trời, tận hưởng không gian yên tĩnh, trong lành, mát mẻ. Khu rừng thông rộng rãi cũng là nơi thích hợp tổ chức các trò chơi vận động của các đoàn khách tập thể.
Và giờ Hua Tạt đã có nhiều hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú cho khách du lịch, trong đó nổi bật là các hộ A Sếnh, A Chu, A Giàng, A Thống, A Sang. Đây là những điển hình làm du lịch cộng đồng để người dân trong bản học tập.
Những cái mới ở Homestay Sin Súi Hồ
Người Mông ở Sin Súi Hồ không nằm ngoài trào lưu đó, nhưng nếu không có Hảng A Xà “đi tiên phong” thì cũng còn “trầy trật” mãi. Hảng A Xà hăng hái “lập đề án” rồi tiến hành vay vốn đầu tư cải tạo nhà mình sao cho phù hợp với homestay. Điều này đã làm thay đổi không chỉ điều kiện sống mà nó thực sự làm thay đổi những tập tục cùng những thói quen bao đời. Từ việc sắp xếp lại nhà cửa, sắm mới giường tủ, chăn màn đủ điều kiện cho khách thuê trọ, cho đến xây mới khu vệ sinh riêng với tiện nghi tối thiểu như có bình nóng lạnh, hố xí tự hoại, nhà vệ sinh được trang trí thêm những họa tiết hay đồ vật mang nét riêng của dân tộc Mông.
Một gia đình làm Homestay tại Sin Súi Hồ (Ảnh: Trọng Văn). |
Đã nhiều năm nay, cứ đến thứ 7 là bản Sin Súi Hồ tổ chức chợ hoa. Chợ được tiến hành ở địa điểm giữa bản nên khá tập trung. Bà con trong bản, trong xã đem đến chợ không chỉ địa lan, đào cây mà còn đem đến nhiều vật dụng khác. Bắt được ý thích của du khách là muốn có và mang về nhà sau chuyến du lịch những vật dụng lao động, vật dụng sinh hoạt và vật dùng lưu niệm do tự tay bà con làm ra nên chợ bày bán khá đa dạng.
Tại nơi đây những gia đình người Mông đang cùng nhau đoàn kết quyết đưa dân bản vượt qua đói nghèo từ làm du lịch. Thành công bước đầu của các homestay này cũng góp phần giới thiệu thêm điểm đến thú vị trong hành trình du lịch khám phá các bản làng Tây Bắc.
Hiện nay, bản Hua Tạt và Sin Súi Hồ đã có nhiều gia đình người Mông tiếp tục triển khai làm du lịch cộng đồng (homestay), đưa kinh tế thôn bản phát triển theo hướng bền vững, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc và thân thiện với môi trường. |
Khám phá phong tục cưới hỏi độc đáo của người Bhnong ở Quảng Nam |
Tục vào nhà mới, cưới hỏi của người dân tộc Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn như thế nào? |
Độc đáo tục cưới hỏi của người Pa Dí ở Lào Cai |