Người làm CCHC phải nắm chắc quy trình giải quyết từng vụ việc
Vì muốn thay đổi thực trạng này, mới đây Chủ tịch UBND HN Trần Sỹ Thanh đã lập Ban chỉ đạo CCHC thành phố nhằm thể hiện quyết tâm phá bung sự bàng quan trong các khâu xử lý công việc. Hai Bà Trưng là quận nội thành với quy mô dân số lớn, khối lượng công việc nhiều, nên thu hút sự chú ý của công luận trong hoạt động này. Thời Đại đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận về việc triển khai CCHC trên địa bàn.
-Thưa ông, ban lãnh đạo TP.Hà Nội mới đây đã tỏ rõ quyết tâm thúc đẩy công tác cải cách hành chính (CCHC), cụ thể nhất là đã thành lập Ban chỉ đạo CCHC, chuyển đổi số do đích thân Chủ tịch Trần Sỹ Thanh làm Trưởng ban. Những chuyển biến này ở cấp thành phố đã tác động tích cực đến công tác CCHC tại quận Hai Bà Trưng như thế nào?
-Ngay từ những năm đầu khi trung ương, thành phố bắt đầu triển khai thực hiện công tác CCHC, quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo CCHC của quận, và hàng năm Ban chỉ đạo vẫn luôn được kiện toàn khi có sự thay đổi về nhân sự và duy trì giao ban hàng quý 1 lần.
Hai Bà Trưng là quận đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý thủ tục hành chính |
Đầu năm 2023, trên cơ sở chỉ đạo của BCĐ CCHC Thành phố, quận đã tập trung chỉ đạo quyết liệt xây dựng các văn bản để các cơ quan, đơn vị thuộc quận triển khai thực hiện, trong đó, trọng tâm là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại kết quả tích cực. Chúng tôi cũng đề cao trách nhiệm của thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc quận trong việc triển khai nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của quận.
-Cũng tại hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ quận Hai Bà Trưng năm 2023 vào tháng 1 năm nay, Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Nam cũng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh CCHC, với quyết tâm chính trị như vậy, UBND quận sau đó đã triển khai những công việc cụ thể gì, thưa ông?
- UBND quận đã xây dựng kế hoạch CCHC năm 2023 và đặt ra một số nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu như sau: Phấn đấu 100% số hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được trả kết quả giải quyết đúng hạn và trước hạn; Mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính của cơ quan nhà nước của quận (chỉ số SIPAS-thước đo sự hài lòng của người dân) đạt tối thiểu 90%; Phấn đấu Chỉ số PAR index-chỉ số cải cách hành chính) của quận tăng thứ hạng tối thiểu 02 bậc trở lên so với năm 2022; Đưa 90% các quyết định, kết luận sau thanh tra có hiệu lực pháp luật được thực hiện xong theo quy định; 100% các phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về TTHC, quy định hành chính được các cơ quan, đơn vị thuộc quận tiếp nhận, xử lý và thông báo kết quả giải quyết kịp thời.
Đồng thời, quận đang tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, chuyên đề, đề án của các chương trình số 03 của quận uỷ về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền đô thị giai đoạn 2021-2025”
-Công tác CCHC của quận Hai Bà Trưng có đặc thù gì khác biệt với những quận, huyện khác ở Hà Nội, thưa ông?
-Quận đã chỉ đạo triển khai thực hiện việc số hoá sổ hộ tịch, khai sinh, khai tử, kết hôn từ tháng 8/1956 đến năm 2021 với 501.363 trường hợp, và là 1 trong 8 quận đầu tiên của thành phố thực hiện nội dung này.
Quận cũng đã chỉ đạo UBND các phường xây dựng sáng kiến mô hình thủ tục hành chính không chờđối với một số nội dung là cấp bản sao trích lục từ sổ hộ tịch, đăng ký khai tử, cấp giấy báo tử...
Với việc thực hiện mô hình thủ tục hành chính không chờ (không giấy hẹn, thực hiện ngay), công dân sẽ được tiếp nhận và giải quyết theo quy trình mới để có thể trả kết quả ngay. Đây là một sáng kiến kịp thời để công dân được trải nghiệm ngay những lợi ích thí điểm chính quyền đô thị.
Sáng kiến trong công tác CCHC về triển khai hệ thống phần mềm điện tử chấm điểm online đánh giá Chỉ số CCHC đối với các cơ quan chuyên môn và UBND các phường. Những năm trước đây, khi triển khai chấm điểm Chỉ số CCHC đối với các cơ quan chuyên môn và UBND các phường, các đơn vị của quận chỉ thực hiện chấm trên biểu excel và gửi biểu kèm theo tài liệu kiểm chứng bản giấy về quận, quá trình này mất thời gian gần 1 tháng. Sau đó, Hội đồng thẩm định và tổ giúp việc tiến hành chấm bằng phương pháp thủ công, phải trực tiếp xem các tài liệu kiểm chứng từ các bản giấy các đơn vị gửi về. Việc tổng hợp điểm cũng bằng phương pháp chấm tay dẫn đến mất rất nhiều thời gian và công sức, có khi mất đến 2 tháng.
Do thấy có nhiều hạn chế trong việc chấm điểm Chỉ số CCHC đối với các đơn vị thuộc quận, trong năm 2022, quận đã nghiên cứu triển khai áp dụng hệ thống phần mềm chấm điểm online. Nói chung kết quả rất tích cực, rút ngắn được rất nhiều thời gian.
-Đo lường, đánh giá tác động, ảnh hưởng của CCHC sau từng giai đoạn là công việc rất đặc biệt, đòi hỏi khối lượng nhân lực tương đối lớn và chuyên nghiệp, quận Hai Bà Trưng đã chuẩn bị cho công tác này thế nào, thưa ông?
-Ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND quận đã xây dựng Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 30/6/2021 về CCHC của quận Hai Bà Trưng giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2023, quận đã triển khai xây dựng Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 03/01/2023 về triển khai thực hiện Đề án mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hiện đại với mục tiêu: Tạo môi trường làm việc thống nhất, thuận lợi, văn minh, hiện đại tại Bộ phận một cửa quận, phường, hướng đến xây dựng nền hành chính phục vụ.
Việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức được thực hiện theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại để nâng cao chất lượng phục vụ. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, từng bước nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, công khai, minh bạch tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận một cửa thông qua các dịch vụ công, nhất là dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể:
-Triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất Bộ nhận diện thương hiệu Bộ phận một cửa các đơn vị theo nội dung Đề án.
-Nâng cấp hạ tầng cơ sở vật chất, các trang thiết bị tại Bộ phận một cửa các đơn vị theo hướng hiện đại, chuẩn mô hình của Đề án.
-Rà soát, bảo dưỡng, bảo trì các trang thiết bị theo yêu cầu của Đề án hiện có tại Bộ phận Một cửa các đơn vị; Triển khai thực hiện việc mua sắm theo quy định, cung cấp các thiết bị công nghệ thông tin tại Bộ phận một cửa được đảm bảo đáp ứng yêu cầu…
-Thưa ông, tâm lý cán bộ, công chức tại các UBND Phường của quận trước sức ép CCHC thế nào?
- Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, UBND quận đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc quận tuyên truyền đến cán bộ, công chức về ý thức, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC, đồng thời nêu cao vai trò, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức - những người thực thi công vụ trong bộ máy hành chính nhà nước. Mặc dù khối lượng công việc nhiều, thời gian phải đảm bảo tiến độ, tuy nhiên cán bộ, công chức quận nỗ lực và thực hiện tốt.
-Để công tác CCHC đạt hiệu quả cao nhất, trên bình diện cơ chế, chính sách, ông có kiến nghị bổ sung nội dung gì?
-Trước hết, cần khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC hiện nay, đó là hệ thống thanh khoản trực tuyến do thành phố chưa triển khai đồng bộ nên tổ chức, người dân chưa thể thực hiện thanh toán một cách nhanh chóng, vì vậy người dân vẫn phải đến trực tiếp Bộ phận tiếp nhận hồ sơ, TTHC để thanh toán và lấy kết quả; Cổng dịch vụ công còn chưa ổn định, thường xuyên bị lỗi hệ thống hoặc hệ thống bảo trì không được báo trước khiến cho công chức tiếp nhận hồ sơ bị động, công dân dễ bức xúc do phải chờ đợi..
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác CCHC trong thời gian tới theo tôi cần thực hiện một số giải pháp sau: Người được bố trí thực hiện nhiệm vụ CCHC phải có trình độ chuyên môn, nắm chắc quy trình giải quyết từng vụ việc cụ thể, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin; Đội ngũ cán bộ, công chức cần nâng cao nhận thức, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình; không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về ý nghĩa của CCHC; Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức.
-Trân trọng cảm ơn ông!