Ngôi nhà đặc biệt của chàng trai tị nạn ở Algeria: Làm từ chai nhựa, chống nóng, chống được cả bão lại bảo vệ môi trường
Trong một trại tị nạn ở sa mạc Sahara, một người chàng trai đang xây những ngôi nhà có thể chống chọi tốt hơn với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, và vật liệu anh sử dụng để xây chúng là…rác.
Theo UN Refugee Agency (UNHCR), Taeh Lehbib Breica, một người tới từ Sahrawi sống trong trại tị nạn Awserd ở Tindouf, Algeria, đang xây nhà cho những người tị nạn khác từ những chai nhựa chứa đầy cát.
Awserd là một trong 5 trại tị nạn ở Tindouf nơi hàng nghìn người tị nạn Sahrawi sinh sống trong suốt hơn 40 năm qua. Ngày nay, khí hậu sa mạc ở Tindouf bao gồm bão, những trận mưa như trút nước và nhiệt độ có thể lên đến 45 độ C thường gây thiệt hại cho nhà cửa của những người tị nạn. Chúng thường là lều hoặc làm bằng gạch bùn sống. Một trận bão năm 2015 đã phá hủy hàng ngàn ngôi nhà ở khu vực này.
Những ngôi nhà làm từ chai nhựa của Breica tạo thành cấu trúc bền vững hơn gạch sống (gạch phơi nắng, không nung) khi phải đối phó với những trận mưa lớn. Hình dạng tròn cũng giúp chúng chống lại các cơn bão hiệu quả hơn.
Năm ngoái, sau khi Breica xây dựng ngôi nhà từ chai nhựa đầu tiên cho bà của mình, ý tưởng của anh đã được UNHCR lựa chọn để tài trợ. Từ đó, anh đã làm việc với họ để xây thêm 25 căn nhà khác trong 5 trại tị nạn ở Tindouf.
Breica đã từng học về năng lượng tái tạo ở trường đại học. Anh xây dựng mỗi ngôi nhà với khoảng 6.000 chai nhựa tìm thấy xung quanh các trại tị nạng và các bãi rác gần đó. Những các chai này được đổ đầy cát và rơm, xếp chồng lên nhau theo hình tròn, sau đó được phủ bằng xi măng và đá vôi.
Những ngôi nhà đặc biệt này không chỉ giải quyết vấn đề thời tiết đầy thách thức mà còn là giải pháp cho một vấn đề lớn khác là chất thải nhựa. Tại các trại tị nạn xung quanh Tindouf, những chai nhựa bị ném vào thùng rác và không được tái chế.
Theo National Geographic, hơn 80% chai nhựa có thể tái chế bị vứt ra các bãi chôn rác. Nhựa mất hàng trăm năm mới phân hủy được, và nhiều nhà khoa học ước tính rằng nó không bao giờ hoàn toàn phân hủy.
Theo Lehbib, nhựa mất hàng trăm năm để phân hủy và có ước tính rằng con số này là hơn 300 năm. Anh tin rằng những ngôi nhà mà mình xây dựng sẽ tồn tại trong khoảng thời gian dài như vậy, miễn là các chai nhựa không tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời.
Dự án của Breica không phải là trường hợp đầu tiên sử dụng chai nhựa để xây nhà: một tổ chức phi lợi nhuận đã xây những mái nhà bằng chai nhựa ở Ecuador vào năm 2014, và một người đàn ông đã tự xây nhà của mình từ chai bia ở Argentina vào năm 2010.
Breica cũng chia sẻ với tờ Middle East Eye: “Những ngôi nhà này cũng giúp tạo công ăn việc làm ở nơi mà gần như chẳng có việc gì để làm cả. Cần tới 4 người để đi lấy chai, 4 người khác đổ đầy chúng, và 4 người thợ xây để nhấc chúng. Cũng cần những lái xe để vận chuyển cát và chai nhựa. Chúng tôi đang tạo ra một ngành công nghiệp xung quanh những ngôi nhà làm từ nhựa.”
K Nguyễn