Nghiên cứu về nhiễm khuẩn huyết của Việt Nam nhận giải thưởng Alexandre Yersin
Lễ trao giải Alexandre Yersin sẽ được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào ngày 26/7 tới.
Hiện nay, nhiễm khuẩn huyết vẫn đang là một thách thức của ngành y học vì số ca mắc bệnh cao và vi khuẩn kháng kháng sinh gia tăng.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh internet.
Nhiễm khuẩn huyết ở bất kỳ bệnh nào cũng rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Đối với trẻ em, nhiễm khuẩn huyết do bị thủy đậu… có nguy cơ cao và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ nếu không được cứu chữa kịp thời.
Việc chẩn đoán xác định mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết được coi là chìa khoá để quyết định điều trị kháng sinh hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay việc xác định mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết cũng vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Cấy máu đang là một phương pháp được đánh giá là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết, tuy nhiên phương pháp này còn nhiều hạn chế, trong đó thời gian cho kết quả chậm, phải mất 2-3 ngày. Trong khi đó, nếu chẩn đoán và điều trị chậm 1 giờ thì tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn huyết nặng sẽ tăng lên 8%.
Thực tế trên đã đặt ra yêu cầu đối với ngành y tế là cần phải có một phương pháp khác để bổ sung chẩn đoán xác định mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết.
Mới đây, có phương pháp phát hiện vật chất di truyền của vi khuẩn (ADN, gen) đang được ứng dụng nhiều là phản ứng chuỗi trùng hợp (Polymerase chain reaction - PCR).
PCR có thể cho kết quả nhanh chỉ trong vòng 6 giờ. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của PCR là có lượng dư thừa ADN của người trong mẫu máu so với lượng ADN của vi khuẩn. Do đó, xảy ra tình trạng tranh chấp trong phản ứng PCR, dẫn đến kết quả âm tính giả.
Xuất phát từ thực tế đó, dưới sự chỉ đạo, chủ trì của PGS.TS. Lê Hữu Song, nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do TS.Ngô Tất Trung và cộng sự đã tập trung nghiên cứu để giải quyết vấn đề khó khăn này.
Qua nhiều năm nghiên cứu, nhóm tác giả đã tìm được một phương pháp loại bỏ hơn 99% ADN người mà không làm mất ADN của vi khuẩn trong mẫu máu. Từ đó, nâng tỷ lệ dương tính của PCR lên hơn 50% so với cấy máu chỉ 34%.
Đây là một giải pháp mới có giá trị trong thực tiễn giúp chẩn đoán xác định mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết. Nhờ kết quả này, đã có hơn 16% bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hiệu quả.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
Công trình này đã được đăng trên tạp chí BMC Infectious Diseases năm 2016 - một trong những tạp chí có ảnh hưởng lớn trong chuyên ngành bệnh truyền nhiễm trên toàn thế giới.
Theo đó, công trình đã vinh dự được Hội Y khoa Thụy Sĩ - Việt Nam đánh giá là một trong 4 công trình xuất sắc nhất của Việt Nam năm 2017 và được trao tặng giải thưởng Alexandre Yersin.
Được biết, Giải thưởng Alexandre Yersin dành cho công trình nghiên cứu y tế xuất sắc của Hội Y khoa Thụy Sĩ - Việt Nam, để ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam cho y văn quốc tế, đồng thời cổ vũ sự hợp tác nghiên cứu với quốc tế nhằm cải thiện việc chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Đây cũng là Giải thưởng đầu tiên được trao cho những công trình đã công bố trong 5 năm qua, những công trình có tính đổi mới sáng tạo, có tác động khoa học và tính hiệu quả cao trong thực tiễn
N.Hòa (t/h)