Nghiêm chỉnh thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài
Nghị quyết đánh giá: Trong điều kiện nguồn thu ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và yêu cầu đầu tư phát triển rất lớn, việc vay và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài (gồm vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài) trong giai đoạn 2011 - 2016 là cần thiết. Nguồn lực tài chính này là khá lớn, góp phần bù đắp thiếu hụt về ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống hạ tầng, kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông vận tải, nông nghiệp nông thôn, bảo vệ môi trường, tác động thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tiếp thu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới, tạo việc làm, khai thông các nguồn lực tiềm năng của nền kinh tế.
Để có cơ sở triển khai và tăng cường quản lý nguồn vốn vay nước ngoài, hệ thống pháp luật đã từng bước được hoàn thiện và phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu quản lý và sử dụng vốn nước ngoài. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn này đã đạt được nhiều mặt tích cực, nhìn chung các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài là có hiệu quả, việc giải ngân khá kịp thời, khắc phục dần tình trạng thiếu vốn đối ứng. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã được tăng cường, góp phần uốn nắn, chấn chỉnh các sai sót, sai phạm và tăng cường hiệu quả của một số dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hệ thống pháp luật và công tác quản lý vốn vay nước ngoài, bao gồm cả vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Rà soát hệ thống pháp luật
Trong điều kiện nguồn vốn trong nước còn khó khăn, nhu cầu đầu tư lớn, việc tiếp tục huy động nguồn vốn vay nước ngoài trong giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn tiếp theo là cần thiết. Để hoàn thiện chính sách, pháp luật, bảo đảm phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài và giữ vững kỷ luật tài chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Cụ thể, rà soát lại hệ thống pháp luật và tình hình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về nguồn vốn vay nước ngoài. Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Nghiên cứu, hoàn thiện và sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, thống nhất, đồng bộ với Luật Ngân sách nhà nước, Luật quản lý nợ công, Luật Đấu thầu và các luật có liên quan; bảo đảm tính khả thi, công khai, minh bạch, công bằng trong quá trình thực hiện, tăng cường hiệu quả huy động, quản lý, tạo sự chủ động trong sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài gắn với trách nhiệm của các bộ, địa phương, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tập trung chỉ đạo việc ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức triển khai việc thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý nợ công và các văn bản liên quan.
Kiên quyết không dùng vốn vay nước ngoài cho chi thường xuyên
Giải pháp khác là xây dựng chiến lược huy động vốn vay nước ngoài phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, điều kiện, mức độ ưu đãi của các nguồn vốn dành cho Việt Nam, cân đối với khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước và của các tổ chức sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài. Từng bước cơ cấu lại tỷ trọng vay nước ngoài trong nợ công, tập trung vay vốn nước ngoài cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Quốc hội quyết định. Tập trung cho các dự án lớn có tính lan tỏa trong một số lĩnh vực thiết yếu, quan trọng như: ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai, năng lượng sạch, giao thông, thủy lợi, đồng thời cân đối hợp lý, kết hợp với các nguồn lực tài chính khác để đảm bảo nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tránh lãng phí và kém hiệu quả.
Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây phải điều chỉnh tăng vốn 2 lần. Ảnh: ĐL.
Điều hành việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài theo hướng cân đối giữa vốn vay nước ngoài với vốn vay trong nước một cách hợp lý, hiệu quả và đảm bảo lợi ích quốc gia trong cả ngắn hạn và dài hạn, không được vượt tỷ lệ bội chi, giữ vững mức trần tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước 2.000.000 tỷ đồng giai đoạn 2016-2020 và các chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định, nhất là nợ nước ngoài của Chính phủ.
Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí tiếp nhận và sử dụng các nguồn vốn vay nước ngoài, tiêu chí đánh giá hiệu quả các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, tạo cơ sở để bảo đảm tính chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch trong ký kết hiệp định; rà soát, loại bỏ các dự án không thực sự cấp bách, không phù hợp với điều kiện, tiêu chí về hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng trả nợ; nhất là các dự án có những điều kiện gây bất lợi cho Việt Nam hoặc hiệu quả kém so với vay trong nước; kiên quyết không vay cho chi thường xuyên.
Tiêu cực chỉ nước ngoài phát hiện
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH, cho rằng báo cáo của đoàn giám sát đã nêu ra rất cụ thể những hạn chế, bất cập trong việc quản lý, sử dụng vốn ODA cũng như trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, tuy nhiên, địa chỉ chịu trách nhiệm thì chưa được nêu rõ.
“Nếu nói có đóng góp tích cực thì chắc chắn có nhiều tấm gương, điển hình tiên tiến làm tốt cần phải nêu ra. Đồng thời, những địa phương, bộ, ngành làm chưa tốt cũng cần phải mạnh dạn nêu rõ”, bà Nga kiến nghị. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH cũng cho hay, liên quan tới việc giám sát quản lý, sử dụng vốn ODA thì có một điều rất khó lý giải là các vụ tiêu cực lớn liên quan tới các vụ án chủ yếu do phía nước ngoài phát hiện chứ không phải VN. “Tại sao phía nước ngoài phát hiện ra mà không phải là VN? Điều này, báo cáo giám sát cũng nên có nghiên cứu để làm rõ vì sao lại như vậy”, bà Nga nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng QH Phan Thanh Bình thì nói rằng, đọc xong báo cáo thấy lo vì từ khâu đầu là vay vốn tới khâu cuối là sử dụng vốn, triển khai dự án đều có những hạn chế, bất cập. Những hạn chế thì báo chí, dư luận đã nêu vì có dư luận thì Ủy ban Thường vụ QH mới tiến hành giám sát. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là: Trách nhiệm thuộc về ai? “Khâu chuẩn bị cho dự án lâu là vì sao? Vì thủ tục? Vì con người? Hay vì cơ chế? Cần phải làm rõ”, ông Bình nêu câu hỏi, đồng thời kiến nghị Chính phủ cần phải xác định rõ ai là người giám sát các dự án ODA để làm rõ trách nhiệm.
Cùng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện QH Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, phần chú thích của báo cáo đã chỉ ra khá rõ các thông tin về những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài nhưng lại chưa đưa ra những địa chỉ cụ thể. Dẫn lại hàng loạt các con số được nêu ra tại báo cáo, bà Hải đặt câu hỏi: “Đã có bao nhiêu tập thể, cá nhân bị xem xét trách nhiệm trong những việc này? Đề nghị đoàn giám sát đưa cụ thể vào báo cáo”.
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh sai phạm Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát theo thẩm quyền; xây dựng cơ chế phòng, chống tham nhũng, lãng phí về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh các sai phạm và khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm làm thất thoát, sử dụng kém hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài. Thực hiện hiệu quả việc quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài theo quy định của pháp luật. |
N.H (t/h)