Nghĩa tình biên giới: cùng xóa đói, giảm nghèo, cùng bảo vệ đường biên, mốc giới
Đó là kết quả tích cực từ việc triển khai mô hình "Kết nghĩa cụm dân cư 2 bên biên giới" giữa hai bên được nêu ra tại Hội nghị sơ kết diễn ra ngày ngày 25/8 vừa qua.
Thôn Cốc Phương (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương) có hơn 50 hộ gia đình người Mông. Tổ Tam Bình Bá (thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu) cũng hầu hết là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Sự tương đồng văn hóa, đặc biệt là sự gắn bó của những người cùng dân tộc đã giúp cư dân hai bên biên giới có quan hệ thân thiết, gần gũi.
Đây chính là cơ sở quan trọng để Bộ Chỉ huy Biên phòng Lào Cai tham mưu cho cấp ủy, chính quyền hai bên tổ chức để hai cụm dân cư này kết nghĩa. Ý tưởng này đã thành hiện thực vào ngày 17/8/2013, sau khi 6 nội dung phối hợp được thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá thảo luận, thống nhất và thông qua tại lễ ký kết nghĩa. Đây cũng chính là Biên bản ghi nhớ cấp thôn bản đầu tiên được hình thành trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung.
Lãnh đạo xã Bản Lầu, Mường Khương, Lào Cai (Việt Nam) và thị trấn Nam Khê, Hà Khẩu, Vân Nam (Trung Quốc) ký biên bản ghi nhớ hợp tác kết nghĩa trong thời gian tiếp theo (Ảnh: Báo Lào Cai) |
Ông Phục Vĩ, Phó Bí thư Đảng ủy, Trấn trưởng thị trấn Nam Khê chia sẻ tổ Tam Bình Bá và thôn Cốc Phương chỉ cách một con sông. Nhân dân hai bên sống gắn bó gần gũi, thân thiết. Hai bên đã tích cực triển khai các chuyến thăm lẫn nhau, tổ chức liên hoan văn hóa, văn nghệ; tăng cường giao lưu về nông nghiệp, lao động việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; cùng phòng chống tội phạm trên biên giới.
Sau khi kết nghĩa, nhân dân hai bên thân càng thêm thân. Không chỉ hợp tác, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, họ còn cùng nhau bảo vệ đường biên, mốc giới. Cùng nhau phối hợp với lực lượng chức năng 2 nước ngăn ngừa, không tiếp tay cho các đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, mua bán người và buôn lậu hàng hóa. Cùng nhau giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc... Ý thức tôn trọng pháp luật, nhận thức về các hiệp định, hiệp nghị, quy định pháp luật của hai Nhà nước trong nhân dân cũng vì thế mà nâng lên rõ rệt.
Theo ông Giàng Chúng, thôn Cốc Phương cho biết: "Nhờ có việc kết nghĩa 2 bên mà công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục cho Nhân dân trong thôn bản đạt được kết quả tích cực, góp phần xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước và 2 địa phương. Thôn Cốc Phương đề xuất với tổ Tam Bình Bá, thôn Long Bảo kiến nghị lên cấp trên mở cửa hàng rào biên giới, tạo thuận lợi cho người dân 2 bên được giao lưu, gặp gỡ, thăm thân mỗi dịp lễ, tết".
Tại hội nghị, hai bên đã cùng thảo luận, thống nhất phương hướng, giải pháp và ký biên bản ghi nhớ hợp tác kết nghĩa trong thời gian tới. Theo đó, sẽ tiếp tục giúp đỡ nhau xây dựng đời sống văn hóa, động viên bà con thực hiện nghiêm quy ước mỗi bên và nội dung kết nghĩa; tổ chức các hoạt động giao lưu phục vụ nhân dân 2 bên trong các dịp lễ, tết; phối hợp tốt với lực lượng chức năng trong quản lý, bảo vệ biên giới...