Nghệ sĩ người Pháp gốc Việt giới thiệu quê hương bằng múa đương đại
Trong cái nắng chói chang của một chiều hè Hà Nội tháng 6, tôi gặp nghệ sĩ Xuân Lê sau chuyến lưu diễn xuyên Việt đầy cảm xúc. Mái tóc dài buộc phía sau, áo sơ mi trắng tinh khôi, Xuân Lê nở nụ cười ấm áp. Lời chào bằng tiếng Việt chưa sõi, một chút hài hước và duyên dáng, không khí gặp gỡ trở nên gần gũi lạ thường.
Khám phá mới về cội nguồn
Xuân Lê nói: "Chuyến công diễn tháng 6/2024 là lần thứ 5 tôi trở về Việt Nam. Mỗi chuyến trở về với Xuân Lê như một cuốn nhật ký sống động, ghi dấu những trải nghiệm đong đầy và những khám phá mới về cội nguồn của mình".
Lần này, điều khiến Xuân Lê bất ngờ nhất là sự phát triển vượt bậc của Việt Nam. Năm 2013, Xuân Lê về Việt Nam lần đầu tiên. Lúc đó, Việt Nam chưa phát triển mạnh. Sau gần 10 năm từng đường phố mở rộng, nhiều cao tốc hiện đại, từng tòa nhà cao tầng mọc lên san sát.
Nhưng có một điều không bao giờ thay đổi - đó là sự niềm nở, hiền hậu của người Việt Nam. Mỗi lần trở về, tôi lại được ôm ấp trong vòng tay thân thiện ấy. Và đặc biệt là thấy bản sắc dân tộc của Việt Nam vẫn được giữ gìn vững chắc, không bị hòa nhập bởi các yếu tố quốc tế.
Nghệ sĩ Xuân Lê trong vở diễn Phản chiếu. |
Xuân Lê đã đến 15 tỉnh thành, từ những con đèo sương mù Lạng Sơn, những ruộng bậc thang thơ mộng ở Hà Giang, Yên Bái. Anh cũng trải nghiệm nhịp sống sôi động của Hà Nội, đến vẻ cổ kính của Huế, sự năng động của Đà Nẵng, và cuối cùng là nhịp đập hối hả của TP.HCM.
Xuân Lê chia sẻ: "Mỗi vùng đất như một mảnh ghép độc đáo trong bức tranh Việt Nam. Có nơi mang hơi thở của núi rừng, có nơi vang vọng tiếng sóng biển, nhưng tất cả đều hòa quyện tạo nên một bản sắc chung - chất Việt Nam không thể lẫn vào đâu được", anh kể.
"Và điều tuyệt vời nhất, dù ở bất cứ đâu, từ miền núi đến đồng bằng, từ thành thị đến nông thôn, tôi đều cảm nhận được sự hiếu khách và tấm lòng thân thiện của người dân. Đó chính là sợi dây vô hình gắn kết mọi vùng miền, tạo nên một Việt Nam đầy tình người".
Khi nói về quê hương bản quán, ánh mắt Xuân Lê bỗng ánh lên niềm tự hào khó giấu. Bà ngoại là người Tây Ban Nha, ông ngoại là người Việt Nam, nên mẹ Xuân Lê mang hai dòng máu Việt Nam - Tây Ban Nha. Bố Xuân Lê là người Việt Nam. "Có thể thấy 75% dòng máu trong tôi là thuần Việt", anh chia sẻ.
"Trong mỗi vở diễn, mỗi động tác múa của mình, tôi luôn cố gắng lồng ghép những giá trị văn hóa Việt Nam. Đó không chỉ là cách để tôi gìn giữ di sản quê hương, mà còn là cầu nối đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Qua nghệ thuật, tôi muốn kể câu chuyện về một Việt Nam tươi đẹp, giàu bản sắc mà tôi luôn tự hào là một phần của nó". |
Mê ẩm thực Việt, mỗi khi đến các nước trên thế giới biểu diễn, Xuân Lê thường tìm đến những khu người Việt để ăn phở. Anh còn tự học nấu những món ăn quê nhà đơn giản như cơm rang, phở cuốn. Mỗi lần tự nấu những món này, anh cảm thấy gần gũi với Việt Nam hơn bao giờ hết.
Hơi thở Việt Nam trong từng vở diễn
Trong chuyến lưu diễn vào tháng 6/2024, Xuân Lê cho biết đã dành thời gian thực hiện buổi học chuyên sâu cùng với 30 học viên trường múa TP. Hồ Chí Minh. Giao lưu nhằm trao đổi kinh nghiệm thông qua những trích đoạn của vở diễn, cho phép các học viên có cơ hội thực hành và khám phá các chuyển động cơ thể đầy tính thẩm mỹ của nghệ thuật múa đương đại.
Khi đề cập đến tương lai của nghệ thuật múa đương đại tại Việt Nam, Xuân Lê nhận định, nghệ thuật múa đương đại đang bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Anh hy vọng có thể đóng góp vào quá trình này.
Xuân Lê cùng với 30 học viên trường múa TP. Hồ Chí Minh thực hiện buổi học chuyên sâu. |
Anh nhớ lại, năm 2019, vở diễn 'Vòng lặp' tạo nên một tiếng vang bất ngờ tại Việt Nam. Xuân Lê đã tự hỏi: Đâu là chìa khóa của thành công này? Anh chợt nhận ra, trong từng động tác, từng nhịp điệu của vở diễn, hơi thở Việt Nam hiện diện một cách tự nhiên, dù ban đầu anh không hề ý thức được điều đó.
"Và điều này tiếp tục thể hiện trong tác phẩm "Phản chiếu' được diễn tại Việt Nam vào đầu tháng 6/2024, là một minh chứng rõ ràng hơn cho sự giao thoa văn hóa này.
Đối với những người trẻ đang khao khát cống hiến cho nghệ thuật, Xuân Lê muốn nhắn nhủ rằng: "Hãy để tâm hồn mình luôn rộng mở, sẵn sàng đón nhận mọi kiến thức, trải nghiệm mới. Đồng thời, đừng ngừng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, và dám phá vỡ những khuôn mẫu cũ. Nghệ thuật là một hành trình không ngừng phát triển và tôi tin rằng với sự nỗ lực và đam mê, các nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam sẽ đạt được những thành tựu lớn. |
Hình ảnh mặt trăng không chỉ là những yếu tố thẩm mỹ đơn thuần. Chúng là biểu tượng sâu sắc của văn hóa Việt - mặt trăng gắn liền với bao câu ca dao, tục ngữ, và cây hương là sợi dây thiêng liêng nối kết con cháu với tổ tiên.
"Qua mỗi vở diễn, tôi càng nhận ra rằng, dù có đi xa đến đâu, văn hóa Việt Nam vẫn luôn chảy trong huyết quản và thấm đẫm trong từng tác phẩm của mình. Đó là cách tôi kể câu chuyện về quê hương, về cội nguồn, bằng ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại", Xuân Lê chia sẻ.
Trong thời gian tới, Xuân Lê đang lập một dự án để hợp tác với các nghệ sĩ múa ở Việt Nam.
Hy vọng rằng sự hợp tác này sẽ mang lại những tác phẩm nghệ thuật mới và góp phần vào sự phát triển của nghệ thuật múa đương đại ở Việt Nam. Bởi thay vì chỉ giảng lý thuyết, chúng ta nên kết hợp giữa giảng dạy và sáng tạo cùng nhau sẽ có hiệu quả hơn.
Sau cuộc trò chuyện, Xuân Lê lái xe máy hoà mình vào dòng xe máy tấp nập. Câu chuyện của Xuân Lê không chỉ là câu chuyện của một nghệ sĩ thành công, mà còn là câu chuyện của một người con xa xứ luôn hướng về cội nguồn, mang trong mình niềm tự hào và khát khao cống hiến cho quê hương.
Xuân Lê sinh ra tại Paris năm 1988. Từ một vận động viên trượt patin từng vô địch nước Pháp và hạng 6 ở giải Vô địch trượt patin thế giới (thể loại tự do) năm 2009, Xuân Lê bén duyên với múa, rồi sớm nhanh chóng tạo ra nét mới bằng cách kết hợp vũ đạo, xiếc, với nghệ thuật thị giác. Năm 2016, sau khi thành lập vũ đoàn Xuân Lê, anh đã cho ra đời Vòng lặp và tiếp đó là Phản chiếu, vở múa đã được biểu diễn nhiều nơi trên thế giới. |