Nghệ sĩ Ái Vân viết tự truyện để trả nợ đời
Kể câu chuyện của một thế hệ
Nghệ sĩ Ái Vân mở đầu cuốn sách viết về thăng trầm của đời mình bằng chia sẻ: "Ký ức làm tôi khó ngủ, bệnh mất ngủ bắt đầu từ đó. Rất nhiều đêm tôi thức trắng để rồi nhận ra có những điều không thể không nói ra... Và thế là tôi quyết định tự mình phục hồi lại cuốn hồi ký...".
Ái Vân từng là giọng ca rất được yêu mến
Từng được biết đến như một ngôi sao nhạc nhẹ hàng đầu Việt Nam, năm 1981, Ái Vân giành giải Grand Prix tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế Dresden (Đức) với ca khúc “Bài ca xây dựng” và bài hát tiếng Đức “Mặt trời chưa bao giờ mọc như thế”. Ái Vân sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ là nghệ sĩ tài danh Ái Liên, bố là “công tử Hà Thành” lừng lẫy một thời – Hà Quang Định, chủ hãng Vietfilm (hãng phim tư nhân đầu tiên tại Việt Nam). Cuốn tự truyện là một lời kể chân thật về những biến cố, thăng trầm xảy ra với cuộc đời, gia đình, và sự nghiệp của Ái Vân theo những diễn tiến phức tạp của thời cuộc. Hơn bao giờ hết, đối với Ái Vân, việc nói ra sự thật về những gì đã xảy ra với mình, gia đình, bạn bè và những người thân là một cách để người nghệ sĩ này trả món nợ ân tình với cuộc đời.
Trước đây, vào năm 2010, nhà báo Đinh Thu Hiền đã chấp bút cho Ái Vân cuốn hồi ký dưới cái tên “Hồi ức một đóa hồng”. Cuốn hồi ký mới đi được 1/10 chặng đường thì Ái Vân không muốn có cuốn sách đó nữa. “Hồi ký phải kể thật, nói thật mới đúng hồi kí, nếu không viết tiểu thuyết cho xong”, nữ nghệ sĩ đề cập về nguyên nhân bà quyết định chấm dứt “Hồi ức một đóa hồng”.
Bà còn ghi dấu ấn với vai chính trong phim "Chị Nhung"
Cho tới vài năm gần đây, Ái Vân đối mặt với chứng mất ngủ để rồi bà nhận ra có những điều không thể không nói ra. Cuốn tự truyện “Để gió cuốn đi” được Ái Vân viết ra với mục đích “nói thật để hiểu nhau hơn, cảm thông cho nhau hơn và quan trọng là để yêu thương nhau hơn”.
Tự truyện “Để gió cuốn đi” dày hơn 300 trang, gồm 17 chương được đặt tên như: “Ba má”, “Ông bà ngoại”, “Cuối thời vang bóng”, “Đại gia đình”, “Theo nghiệp má”, “Lên mười”, “Gánh hát tuổi thơ”, “Chiến tranh”, “Học trường nhạc”, “Khu nhà 36 – 38 phố Huế”, “Năm 1975”, “Ca hát thời bao cấp”, “Nhạc nhẹ”, “Tình duyên”, “Vượt biên”, “Quê người”, “Vĩ thanh”.
Theo First News – đơn vị liên kết xuất bản quyển sách cùng Nhà xuất bản Hội nhà văn: “Trên 300 trang viết tưởng chừng không thể gói hết tất cả những ký ức buồn vui, vinh quanh và khổ tủi của trên 60 năm trải nghiệm, hơn 40 năm mang tiếng hát cho đời và gần 30 năm xa xứ của chị... Nhưng “Để gió cuốn đi” đã thực sự khơi lại trong trái tim người đọc một không gian rộng mở của hoài niệm, kỷ niệm một thời, để riêng dành cho suy ngẫm và nhận định của mỗi người. Cuốn tự truyện còn cho chúng ta sống lại những năm tháng lịch sử rất chân thật một thời hào hùng của cuộc chiến giải phóng dân tộc. Không ai có thể quên được nghệ sĩ Ái Vân đã thể hiện rất xuất sắc vai nữ giao liên xinh đẹp, dũng cảm trong bộ phim nổi tiếng “Chị Nhung” mà bất cứ ai ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hồi đó có thể quên được. Cuốn sách như những thước phim quay chậm, tái hiện sống động những ký ức và cảm xúc Sài Gòn những ngày sau giải phóng, cuộc sống nghệ sĩ thời bao cấp...
Ái Vân viết "Để gió cuốn đi" như một cách trả nợ cuộc đời
Với ca khúc thao thức lòng người “Hãy cho tôi lên đường” mà chị đã thể hiện xuất sắc đã động viên tinh thần những người chiến sĩ lên đường bảo vệ Tổ quốc. Đọc những trang viết của chị, trong tim mỗi một chúng ta sống lại tiếng hát trong trẻo, ngọt ngào và trẻ trung của chị với những ca khúc bất hủ một thời: “Bài ca xây dựng”, “Triệu đóa hồng đỏ thắm”, “Tổ quốc yêu thương”, “Hãy cho tôi lên đường”, “Mặt trời chưa bao giờ mọc như thế”...”.
Những trang bỏ trắng gây tò mò
“Để gió cuốn đi” là cuốn tự truyện không quá nhiều chất văn nhưng vô cùng hình tượng, không nhiều mỹ từ lấp lánh mà hấp dẫn, lôi cuốn lòng người bởi những dòng viết tuôn chảy từ trái tim mộc mạc, sâu sắc, lắng đọng. Người đọc càng bất ngờ hơn khi hiểu được một người nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn, danh tiếng như Ái Vân lại có thể có những năm tháng trầm luân, khổ hạnh đến tuyệt vọng tới mức không thể tin nổi như vậy.
Những cay đắng ấy khiến người nghệ sĩ không thể thốt thành lời. Trong phần “Tập hai” ở chương số 14 “Tình duyên”, nghệ sĩ Ái Vân chỉ viết vỏn vẹn vài dòng, còn lại là những dòng kẻ trắng.
NSND Trần Hiếu chia sẻ về học trò của mình
Bà mở đầu cho 6 trang sách không có chữ bằng những trăn trở: “Tôi đã cố gắng viết cho xong mục này – 8.808 từ cả thảy. Câu chuyện tôi chưa từng kể ra này cho biết lý do vì sao tôi buộc phải rời Tổ quốc năm 1990 khi tôi đang được nhà nước có nhiều ưu ái. Nhưng vì câu chuyện quá đau đớn, khi đọc lại tôi không thể chịu nổi. Con trai tôi – nếu đọc được phần này – chắc chắn cũng sẽ không chịu nổi. Vì thế – sau nhiều đêm suy nghĩ – tôi xin lỗi bạn đọc – cho phép tôi được xóa trắng mục này!”.
Lý giải về những trang hồi ký trắng, nữ nghệ sĩ bày tỏ: “Đó là những ký ức kinh khủng, đau đớn đã được tôi viết ra. Thế nhưng, sau khi viết, tôi lại run sợ. Không phải run sợ vì sự thật, vì đạo đức giả mà vì sợ tổn thương những người liên quan và muốn giữ cho con trai một khoảng lặng bình yên sau cú sốc mẹ buộc phải bỏ ra đi năm 4 tuổi”.
Nữ nghệ sĩ ký tặng sách cho NSƯT Thành Lộc
Tự mình cầm bút kể câu chuyện đời mình, Ái Vân đã khéo léo hóa giải những câu chuyện nặng nề bằng một giọng điệu tâm tình, rủ rỉ. Bà không gọi tên những người đàn ông đi qua đời mình mà chỉ dùng chữ “chàng” một cách thương mến. “Ba lần đò” cũng được bà hóm hỉnh dùng chữ “Tập một”, “Tập hai”, “Tập ba” để kể, tránh gây ra những thương tổn cho người khác.
Nói về quyển tự truyện của Ái Vân, nhà văn Nguyễn Quang Lập nhận xét: "Đây là cuốn sách thú vị và hấp dẫn nhất trong tất các các sách tự truyện và hồi ký của các văn nghệ sĩ mà tôi đã từng đọc. Thú vị vì nhiều chuyện lạ lùng của cả gia đình nghệ thuật Ái Liên vang bóng một thời; vì những chuyện cười ra nước mắt của một thế hệ ca hát thời bao cấp... Hấp dẫn vì không ngờ ca sĩ tài năng, người đẹp lừng danh như Ái Vân lại có một cuộc sống vô cùng gian nan, vất vả, đắng cay đến như thế".