Nghề "hai sọt" ở vùng biên
Chuyện lạ ở vùng biên: Cấm đi xe máy 3 ngày Tết để đảm bảo an toàn |
Những ngôi nhà sàn đá trăm tuổi ở vùng biên cương |
Sau một chuyến hàng trở về |
Nghề đi buôn đường rừng đang là nghề thịnh hành ở vùng biên huyện Hướng Hoá (Quảng Trị). Mới 2h sáng, nhưng trên quốc lộ 9 đoạn qua xã Tân Long, huyện Hướng Hoá đã nhộn nhịp xe máy qua lại. Những người phụ nữ tự mình lập nên “công ty 2 sọt”. Thức dậy từ 2h sáng, mua tất cả các loại hàng hóa có thể bán được rồi đi vài chục tới cả trăm km từ khi trời còn chưa sáng vào các bản làng xa xôi heo hút.
Dù ánh đèn và tiếng còi xe nhấn vội của dân buôn đường rừng chưa thể xua đi bóng tối của đêm tàn vùng biên, nhưng đây là lúc họ bắt đầu công việc của mình với những chuyến xuyên rừng, vượt suối đi buôn. Đó là những “công ty hai sọt”, những chiếc xe máy chuyên cung cấp hàng cho các vùng sâu vùng xa, những vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà hàng hóa dọc vùng biên giới vô cùng khan hiếm.
Đi buôn rừng là mang hàng hoá đến những bản làng xa xôi, hẻo lánh để trao đổi với người dân bản địa. Hoặc là thu mua những nông sản, phế liệu mà người dân không có đủ điều kiện mang ra trung tâm huyện bán. Đi buôn theo kiểu gặp gì mua nấy, ai dặn mặt hàng gì thì mình mang vào cho họ. Những người đi buôn như chiếc cầu nối miền xuôi ngược.
Chị Hồ Thị Xuân (47 tuổi, ở Tân Long) nhớ lại: “Nghề đi bản (đi buôn đường rừng) ở đây đã có từ lâu lắm rồi. Tính đến giờ tui đi buôn cũng đã ngót hai chục năm. Lúc đầu nghề này chỉ đàn ông, trai tráng có sức khoẻ mới dám đi. Nhưng nay, vì đường xá có phần “dễ thở” hơn nên thu hút rất đông các chị em, phụ nữ tham gia!”.
Một chuyến hàng với đầy đủ mọi thứ được đưa vào các bản làng vùng biên bán cho người dân |
Trong hai chiếc sọt của chị chất đầy cá khô, rau quả, gia vị, những thực phẩm dùng ngay được, cả những thứ để lâu được cả tháng trời như mì tôm, gạo, nhu yếu phẩm và cả văn phòng phẩm như sách vở, bảng học sinh... Những thức dùng đó chị mang vào các xã Đak Tơ Ve, Hà Tây, Đak Sơ Mei là các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh để bán lại cho người dân nghèo.
Ở mảnh đất Hướng Hoá giáp biên này, có thể dễ dàng bắt gặp những căn nhà khang trang, những xe máy đắt tiền mua được nhờ từ nghề đi buôn. Nhưng cũng có rất nhiều gia đình lâm vào khó khăn, túng quẫn, nợ nần chồng chất. Những tai nạn thường hay xảy ra đối với dân đi buôn đường rừng là điều dễ gặp phải. Những nguy hiểm, những chuyện không thể ngờ và cả những sẻ chia với nhau của những người phụ nữ ấy được kể lại về một công việc mưu sinh đặc biệt hằng ngày.
Chị Nguyễn Thị Liên đã 15 năm nay gắn bó với chiếc xe cúp 50 gắn hai chiếc sọt phía sau này. Chừng ấy năm gắn bó với nghề này là chừng ấy đêm chị thức trắng cùng những buổi chợ như thế này. Mỗi ngày, người phụ nữ này phải đi xe máy khoảng 80 km xuống chợ lấy hàng, rồi đưa lên khu vực những bản làng giáp biênbán lẻ. Những ngày thời tiết thuận lợi còn đỡ vất vả, những đêm trời mưa, một mình đi về với 2 sọt hàng nặng trĩu, không biết bao nhiêu lần chị ngã dúi dụi.
Nhưng vì miếng cơm manh áo, từng chiếc xe đi buôn đường rừng vẫn bất chấp tất cả mọi khó khăn và gian nguy. Ngày đêm kết bạn với con đường heo hút, luồn suối, luồn khe tới những bản làng đìu hiu gió núi, với sự nghèo khó thường trực, họ miệt mài với những chuyến hàng và cái nghề đã chọn.
Chị Liên chia sẻ: “Cái nghề đi buôn này vất vả lắm, nhưng được cái vui. Mỗi khi vào đến buôn làng, bà con đổ ra bên cạnh mình tay mua hàng, miệng hỏi thăm tình hình nhà cửa, phố thị, chuyện đường sá, có khi có của ngon vật lạ họ lại mang ra đổi. Họ thương và quý vì mình thật thà, quan tâm đến họ!”. Những chuyến hàng của chị chở đến lại thêm những câu chuyện vui, hài hước, thông tin mới kịp thời cho những người dân vùng biên giới.
Họ là một bộ phận không nhỏ để hàng hóa và mối quan hệ ấm áp tình người được duy trì trong bao nhiêu năm qua |
Họ chính là những người giúp cho hàng hóa, vật dụng đến được khắp mọi nơi. Nói là hai sọt, nhưng thực chất thì mỗi chiếc xe chất đầy cơ man nào là hàng hóa, nhu yếu phẩm để phục vụ bà con buôn làng. Những nơi có dấu xe của công ty “hai sọt” như thế này thường là các con đường làng bé tí, lắm ổ voi ổ gà hay những chiếc cầu treo nhỏ hẹp… mà xe hàng lớn, ô tô không thể nào đi được.
Ở đó, mỗi ngày chiếc xe máy cà tàng chở đa dạng các mặt hàng vẫn bon bon trên muôn nẻo đường heo hút. Để có mặt ở đây lấy hàng về kịp cho buổi chợ sáng ở huyện, họ phải đi từ khi mọi người mới đi ngủ và ra về lúc trời vừa rạng. Cái lạnh buốt của đêm không làm ngại bước dù họ là phụ nữ.
Ngoài những bản làng ở đất Việt, họ còn đi sang nước bạn Lào để trao đổi hàng hoá. Nhưng chủ yếu là thu mua phế liệu chiến tranh. Đối với trường hợp này, thì họ đi ở lại đến 2, 3 ngày mới thồ hàng trở về và bán ngay tại cửa khẩu Lao Bảo.
Đối với những người phụ nữ đi buôn như thế, thì giấc ngủ ít khi được trọn vẹn, bởi họ luôn thấp thỏm sợ muộn giờ, hết những thứ hàng hóa cần thiết. Chị Liên kể: “Làm nghề này cũng vất vả, nguy hiểm lắm. Hàng hóa chở trên xe thì nhiều, nhiều lúc ngã xe hàng hóa đổ vung vãi, nhất là vào thời điểm mưa gió như hiện nay. Hay khi đi qua đoạn đường vắng lại thấp thỏm nỗi lo gặp kẻ xấu…”.
Nhưng rồi, họ cứ miệt mài, nhọc nhằn như vậy có khi đến mươi, mười lăm ngày, thậm chí cả tháng khi chuyến hàng vơi mới quay chân trở về với người thân. Giữa cái bộn bề sôi động của cuộc sống này, họ cứ thầm lặng, lam lũ với công việc của mình. Chưa chắc có ai đã thử đặt câu hỏi, đời sống người dân vùng cao sẽ như thế nào khi thiếu vắng bóng dáng cũng như những gánh hàng của họ. Câu trả lời thật khó.
Nhiều người phụ nữ phải dậy từ nửa đêm để lấy hàng |
Mỗi khi những chuyến xe chở hàng như thế này đến các buôn làng, người dân ai cũng phấn khởi vì lại có thực phẩm tươi, bởi hàng ngày dùng thực phẩm khô mãi họ cũng chán. Dẫu sức khỏe không bằng nam giới, thu nhập cũng không cao và lại ẩn chứa nhiều hiểm nguy nhưng những người làm nghề này đều chịu khó và có một nghị lực rất lớn. Chính họ là một bộ phận không nhỏ để hàng hóa và mối quan hệ ấm áp tình người được duy trì trong bao nhiêu năm qua. Với họ, đó là những thử thách tất yếu để những con người dám bươn trải để mưu sinh với nghề mua qua bán lại tồn tại được.
Chuyện lạ ở vùng biên: Cấm đi xe máy 3 ngày Tết để đảm bảo an toàn Mỗi khi Tết đến tất cả xe máy của tất cả các hộ gia đình trong thông được đưa về để dưới chân nhà Gươl ... |
Chúa Trịnh đòi lại được một vùng biên ải Trong lịch sử hào hùng của Đại Việt, vùng biên ải phía Bắc là nơi chứng kiến nhiều biến động. Khi thì là cửa ngõ ... |
Đa thê ở vùng biên Câu chuyện mỗi đàn ông có nhiều vợ bây giờ vẫn hiện hữu nơi buôn nghèo của huyện vùng biên giới. Điều lạ là cuộc ... |