Nghề "giật lùi" ở miền biển lặng
Long đong nghề "nặng mùi nhất" trong các nghề ở nơi cửa biển miền Trung |
Làng thúng chai ven biển ở Quảng Nam với ngón nghề kỳ công |
Làng nghề hơn 100 năm làm tăm hương ở Hà Nội |
Ngụp lặn đời nghê theo con nước vơi đầy |
Nghề "giật lùi", cái tên tưởng chừng nghe lạ lẫm nhưng nó phản ánh phương thức của nghề này: Cào nghêu. Vào mùa, ngày nào cũng vậy, cứ độ 5 giờ sáng là ngư dân ở xã Bình Phú (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) kéo nhau ra ngoài mép biển, nơi con nước ròng rút đi bỏ lại bãi cát màu xám xịt, để cào nghêu. Vác chiếc cào trên vai, dùng một lực mạnh ấn xuống nước và đi giật lùi để cào nghêu, chính vì thế nghề cào nghêu còn được gọi với cái tên là nghề "giật lùi".
Hai người phụ nữ sau khi cào nghêu, cùng trò chuyện trên bờ cát |
Mùa này không phải mùa cào nghêu chính, mùa chính thường bắt đầu vào tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Nhưng ở những làng biển tại xã này, khi người đàn ông đi biển, người phụ nữ và đám trẻ con ở nhà lại xách cào ra biển cào nghêu đắp đổi miếng ăn qua ngày. Một ngư dân nhìn con nước, nhìn trời rồi tấm tắc: “Hôm nay biển lặng và yên ắng thật. Trời cũng quang đãng không mưa dầm như những hôm trước. Đây là thời tiết thích hợp nhất để chúng tui cào đây!”. Nói rồi bà vác cào lội xuống nước, đi theo những con sóng lăn tăn dưới thân mình.
Không chỉ có phụ nữ, những cậu bé cũng theo mẹ ra biển mưu sinh, mặt cúi gầm xuống bọt sóng, chân tay thoăn thoắt cầm cần cào sục sạo dưới bãi cát. Ở những làng biển này, bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng, loạt thuyền đánh cá ngoài khơi trở về và các tiểu thương chờ sẵn ào ra. Họ chọn mua hải sản rồi đổ về các chợ trung tâm bán. Rồi chỉ một lúc sau, chợ cá buổi sáng sẽ vãn. Người đàn ông đi biển sẽ về nhà ngủ, hay làm bạn với vài xị rượu đế để giải bớt đi những nhọc nhằn trên biển. Còn lại phụ nữ và đám trẻ con ngâm mình trong nước, vác chiếc cào đi giật lùi để kiếm thêm chút tiền, bù vào những chuyến biển không thành của cánh đàn ông.
Những người phụ nữ còng lưng với biển |
Nghề này thu nhập không cao, nhưng an toàn và không cần đầu tư gì nhiều. Dụng cụ cào nghêu khá đơn giản, gồm thanh gỗ, tấm lưới, bên dưới gắn lưỡi sắt, có thể tự làm hoặc mua với giá từ 150.000 đến 200.000 đồng, cùng chiếc túi đựng nghêu bằng vải hoặc nilon đeo ngoặt phía sau lưng là có thể hành nghề. Thêm vào đó là sức chịu đựng dẻo dai với nắng gió.
Một người phụ nữ tên Hồng ngậm ngùi: “Khi ngừng cào, phải dùng mười đầu ngón tay bới cát tìm nghêu. Lâu ngày móng tay bị cát, vỏ ốc, mảnh sành... cứa làm cho chai sần hết, đau nhức không chịu nổi. Chân ngâm trong nước biển lâu ngày nên bị nước ăn, bong tróc ngứa ngáy vô cùng. Những người làm lâu ngày thì mắc chứng khớp, đau lưng, cột sống… đủ bệnh cả chú ơi. Mà không làm thì còn biết làm gì nữa!”.
Nghề cào nghêu là một trong những nghề mưu sinh chủ đạo của ngư dân ven biển. |
Gần 60 tuổi thì cũng ngần ấy năm bà Hồng gắn cuộc đời mình vào những con nghêu và lao xao sóng nước. Giờ đây khi đã bước về già, bà mới biết mình bị thoái hóa gần hết đốt sống lưng. Cứ làm vài phút, bà lại phải nghỉ giải lao dùng tay đấm vào lưng thùm thụp để bớt đau.
Nhưng việc cào nghêu cũng tùy vào sự may mắn, có khi cào cả buổi mà chẳng thấy nghêu đâu nhưng có ngày chỉ cào một lúc cũng được kha khá. “Muốn tìm được nghêu, phải kiên nhẫn. Ngày nào khá tui cũng kiếm được 50 đến 70 ngàn đồng, nhưng cũng có khi về không!”- chị Phan Thị Hải (33 tuổi) cho biết.
Công việc này cũng bấp bênh và không có giờ giấc cụ thể vì phải tùy thuộc vào con nước lên, xuống. Bất kể sáng sớm, trưa hay khi trời nhá nhem tối, hễ nước rút là họ lại lao xuống biển. Trên bãi cát, nhiều người phụ nữ cũng còng lưng vác chiếc cào cao quá người, chờ những con nước rút xuống lần lần để xuống cào.
Những người cào nghêu lâu năm đều mắc chứng bệnh về sống lưng |
Trong khoảng không gian mênh mông của biển, hàng chục người thoăn thoắt cùng những chiếc cần cào. Có bao nhiêu sức lực họ đều dùng hết trong quãng thời gian này, bởi nếu chậm, thủy triều lên là... hết việc.