Ngày Văn hóa Hòa bình TP.HCM: “Vì một xã hội không bạo lực”
Bạo lực gia tăng, xã hội bất ổn
Việt Nam đã trải qua một thời gian dài chiến tranh, vì vậy hòa bình có ý nghĩa và giá trị vô cùng sâu sắc. Ngày nay, hòa bình không chỉ đòi hỏi độc lập quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc phòng mà còn bao hàm môi trường bền vững, an ninh con người, xã hội công bằng, lối sống nhân văn.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Unesco tại Việt Nam.
Theo Ông Michael Croft - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam thì hòa bình không chỉ là không có chiến tranh mà còn là giải quyết xung đột theo hướng xây dựng và tôn trọng sự khác biệt về giới tính, sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ hay văn hóa,… Trong đó, “Văn hóa Hoà bình” bao gồm các giá trị thái độ và hành vi phản ánh, tạo tương tác xã hội và sự chia sẻ dựa trên nguyên tắc tự do và dân chủ, lòng khoan dung và sự đoàn kết.
Cùng với đó, chúng ta chứng kiến sự phát triển vượt bậc của kinh tế - khoa học - kỹ thuật và một điều đáng buồn thay là đi cùng với sự phát triển ấy là tình trạng bạo lực trong xã hội. Nó len lỏi và hủy hoại con người. Mỗi ngày, chúng ta phải đối mặt với bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực trên internet, phân biệt chủng tộc, bạo loạn, khủng bố,... với mức độ ngày càng gia tăng và hành vi bạo lực cũng ngày càng nghiêm trọng.
Có thể nói bạo lực là kẻ thù của hòa bình và bạo lực trong xã hội là một vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, cộng đồng hiện nay vẫn chưa nhận thức được những ảnh hưởng nghiêm trọng của vấn đề này cũng như sự nguy hiểm khi hành vi này dần lây lan và biến tướng. Điều này khiến cho cuộc sống của chúng ta bất an, chưa thực sự văn minh, nhân ái. Phải sống trong một thế giới mà nỗi sợ hãi luôn luôn xâm chiếm, chúng ta liệu có được sống một cuộc sống đúng nghĩa hay không?
Trên thực tế, các số liệu báo cáo về bạo lực gia đình ở Việt Nam luôn tăng cao qua các năm. Một khi ở ngay chính tế bào của xã hội là gia đình, bạo lực hình thành và phát triển thì tình trạng bạo lực dưới mọi hình thức trong xã hội, kể cả nhà trường gia tăng cũng là điều dễ hình dung. Không cần nhiều số liệu để dẫn chứng, chắc hẳn mọi người cũng đều có cùng cảm nhận rằng, xã hội ngày nay ngày càng bất ổn và nhiều bạo lực hơn so với thời trước.
Càng lo ngại hơn nữa khi ngày nay, bạo lực không còn chỉ giới hạn trong những hành vi tấn công, gây thương tổn về thể chất mà giờ chúng đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng ngay cả trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, gây ra những tổn thương vô hình nhưng lại có sức “giết chết” cả một con người.
Trước thực trạng bạo lực gia tăng, chương trình Ngày Văn hóa Hòa bình TP.HCM đã phần nào góp thêm tiếng nói, nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết và ý nghĩa của “hòa bình trong đời sống” và “hòa bình hằng ngày”, đề cao vai trò của giáo dục của gia đình, nhà trường, của truyền thông đối với văn hóa hòa bình.
Sôi nổi nhiều hoạt động
Lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM, Ngày Văn hóa Hòa bình vinh dự có cự tham gia của bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch HPDF; ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam; bà Leow Siu Liu, Tổng lãnh sự Singapore tại TP.HCM; đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, ca sĩ Hà Anh Tuấn, ca sĩ Kyo York,… cùng nhiều quan khách, khách mời và đông đảo người dân.
Nhiều hoạt động đặc sắc cho trẻ em trong khuôn khổ ngày hội.
Là nghệ sĩ có tài năng âm nhạc được công nhận rộng rãi, là tấm gương tốt cho giới trẻ về nhân phẩm và năng lực, ca sĩ Hà Anh Tuấn đã được chọn và trở thành Nghệ sĩ vì Hòa bình của chương trình Văn hóa Hòa bình. “ Việc trở thành Nghệ sĩ vì Hòa bình khiến tôi cảm thấy rất vinh hạnh và háo hức góp tiếng hát, tiếng nói, hành động cho một cuộc sống nhân ái hơn, nhân văn hơn, hòa bình giữa người với người và giữa người với thiên nhiên”, ca sĩ Hà Anh Tuấn bày tỏ cảm xúc trong ngày hội Văn hóa Hòa bình.
Cùng với đó, Alexander Tú Nguyễn – giám đốc Chương trình đào tạo, Học viện Âm nhạc và Trình diễn Nghệ thuật Soul đã trở thành Đại sứ Thiện chí của chương trình với cam kết truyền cảm hứng và kêu gọi giới trẻ hành động vì hòa bình trong cuộc sống.
Với chủ đề đầu tiên năm 2018 là “Vì một xã hội không bạo lực”, Ngày Văn hóa Hòa bình TP.HCM tiến tới sẽ thành một sự kiện thường niên, được tổ chức hàng năm tại TP.HCM với nhiều chủ đề khác nhau.
Trong Ngày hội Văn hóa Hòa bình, nhiều gian hàng với những hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi nổi, mang đầy ý nghĩa nhân văn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách mời, người dân.
Đến với ngày hội, nhiều gian hàng đã trưng bày sách, triển lãm tranh về đề tài hòa bình, văn hóa, nghệ thuật cổ điển và hiện đại của các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, những dự án vì cộng đồng và các chương trình phòng chống bạo lực cho mọi thành phần trong xã hội, nhất là trẻ em nhỏ được rất nhiều người quan tâm vì độ thiết thực. Thời gian gần đây, chúng ta không khỏi đau lòng khi mà mỗi ngày lại phải nghe những tin đủ gây chấn động như bé một tháng tuổi đã bị bạo hành dã man, chồng đánh vợ, học sinh đánh thầy cô giáo, rồi thì thầy cô ngược đãi học trò, thậm chí đánh chết người vì va chạm giao thông… Những hiện tượng mà ai nghe thấy cũng phải giật mình khiếp sợ và giờ thì chúng đầy rẫy trên các mặt báo hàng ngày. Những dự án phòng chống bạo lực tại ngày hội quả thực là hành động kịp thời và nhân văn.
Bên cạnh đó, những buổi tọa đàm, giao lưu với các diễn giả về từng chủ đề đời thường cũng thu hút nhiều người xem. Ở đây, người xem rất thú vị trước “hòa bình trong từng cử chỉ”. Một người khi bực tức, giận dữ, sẽ la hét, tay chân múa may quay cuồng. Và khi hết giận, họ sẽ quay về trạng thái như chưa từng có chuyện gì. Vậy nhưng những người kém may mắn hơn bạn, khi tức giận như bạn, họ sẽ làm gì? Tất nhiên họ sẽ chẳng thể nào thoải mái hét thật to như bạn, cũng không thể đập phá mọi thứ được, toàn bộ sự tức giận của họ được thu lại qua những cử chỉ.
Cử chỉ ở đây là những hành động mà khi diễn đạt, cả người nghe và người nói đều hiểu được ý nghĩa mà nó diễn đạt. Có thể bạn sẽ thấy những người bạn ấy khi tức giận trông thật buồn cười khi không thể làm được như bạn, nhưng khi tìm hiểu ngôn ngữ của những người bạn như vậy, bạn sẽ thay đổi. Và sau những buổi học ngôn ngữ, bạn sẽ thấy thú vị và ngạc nhiên khi thấy tâm mình thật tĩnh.
Đặc biệt, buổi tọa đàm “Vì một xã hội không bạo lực” đã tạo cơ hội để công chúng lắng nghe những phân tích bắt nguồn từ thực tiễn, nguyên nhân và hướng giải pháp. Những chia sẻ thân tình đó thực sự khơi gợi sự hứng thú, thu hút sự quan tâm và tương tác của công chúng.
Nguyễn Hiếu - Đỗ Quyên