Ngày đầu đi làm và tờ 100 nghìn đồng nhận từ khách khiến chàng sinh viên trăn trở
Câu chuyện đáng nhớ về ngày đầu tiên đi làm và tờ 100 nghìn có sức mạnh kì diệu
Mở đầu cho chia sẻ của mình, chủ nhân bài viết cho biết khi cậu viết những dòng tâm sự này vào lúc gần 3 giờ sáng, mệt đến nỗi không ngủ được, cộng với những cảm xúc đan xen nên quyết định lên mạng trút bầu tâm sự sau ngày đầu tiên đi làm thêm:
"Mình vừa học hết năm nhất, vẫn chưa có định nghĩa kiếm tiền trong đầu. Đợt thi cuối kì vừa rồi mất sức quá, lại thêm ốm đau nên mình sút tận 4kg trong vòng 1 tháng.
Về đến nhà, bố mẹ thấy mình xanh xao nên mỗi ngày hầm một con gà cho mình ăn. Ở nhà 10 ngày mà ngày nào mở mắt ra cũng đã thấy gà hầm, sợ phát hoảng luôn. Mình xin bố mẹ xuống Hà Nội làm thêm mà bố mẹ nhất quyết bắt ở nhà dưỡng sức đã, xin mãi mới được đi.
Chàng sinh viên năm nhất đã rút ra được nhiều bài học đáng giá sau khi tự tay làm ra được những đồng tiền đầu tiên.
Vậy là kết thúc kỳ nghỉ hè ngắn ngủi. Mình được cái có duyên xin việc, xin 3-4 chỗ đều được cả nhưng cuối cùng mình chọn chỗ lương thấp nhất chỉ vì nó gần nhà và gần trường, làm lâu dài được.
Con trai 18 tuổi, hừng hực khí thế, tưởng rằng mọi thứ thật dễ dàng, đến làm đủ giờ thì nhận tiền rồi về thôi. Đến sớm lắm. Trước giờ làm tận 1 tiếng.
Đến giờ, mình được quản lý sắp xếp đi theo một chị nhân viên nhiều kinh nghiệm để học hỏi. Leo lên leo xuống mấy tầng rồi được sắp xếp làm phục vụ, đứng trong phòng và "cân" 5 bàn ăn.
Thề là lúc nhìn thấy 5 bàn, mình sướng lắm luôn, cứ nghĩ nhàn rồi, lại còn được đứng phòng máy lạnh sướng quá. Nhưng cơn ác mộng chỉ thực sự bắt đầu khi khách đến kín bàn.
Mình đang học việc nên chủ yếu chỉ đứng xem và phụ giúp chị kia thôi. Thế mà mắt mũi cảm tưởng tối sầm lại, chạy từ bàn này sang bàn kia bở hơi tai, bàn nọ chưa phục vụ xong bàn kia đã "em ơi!..."rồi, có những lúc tưởng chân xoắn quẩy lại.
Bếp A chuẩn bị chín thì bếp B cần thay, mà nếu không thay nhanh thì bếp C sẽ cháy đen thui và thế thì khách sẽ không hài lòng. Lúc này mình mới nhận ra điều hòa không ngăn được những giọt mồ hôi ướt đẫm người và mặt mũi...
Tờ một trăm nghìn đáng giá hơn bao giờ hết mà Hoàng Anh nhận được trong ngày làm việc đầu tiên.
Nhưng ông trời có mắt, đúng lúc mình đang mệt mỏi, kiệt quệ nhất thì được một anh khách tip 100 nghìn. Số tiền ấy bình thường trước đây mình không xem là lớn nhưng trong hoàn cảnh này thấy quý quá, lớn lao quá, nó nhiều hơn cả lương 1 ngày làm.
Mình sung sướng như muốn nhảy cẫng lên, đang ở 9 tầng mây nhưng chợt nhận ra bếp này đã chín tới phải gắp ra nhanh không thì cháy nên trở lại ngay với công việc.
Tuy mới buổi đầu làm nhưng mình đã bắt chuyện được với vài người cùng làm, họ vui vẻ, thân thiện làm mình cũng thấy vui lây..."
Sau khi kể câu chuyện của mình, chủ nhân bài viết đã có hành động không như mọi ngày khiến nhiều người phải suy ngẫm:
"Giờ do về muộn, không có chìa khóa nên mình đành ra cửa hàng tiện lợi ngồi đợi trời sáng. Ngày trước vào đây, mình gọi 1 ly nước lớn không suy nghĩ, nhưng nay chỉ uống ly cà phê sữa đá loại nhỏ, đơn giản vì nó rẻ hơn, tiết kiệm được gần nửa tiếng làm.
Sau hôm nay, mình thấy thương bố mẹ lắm, cũng nhớ gà hầm của bố mà lúc ở nhà mình chê ỏng chê eo nữa. Giờ mới biết tiêu tiền dễ lắm, còn kiếm tiền thì cứ phải lao động vất vả thế nào".
Bài học về tiêu tiền có trách nhiệm cho giới trẻ
Liên hệ với chủ nhân bài viết, được biết anh chàng sinh viên này là Kiều Công Hoàng Anh, sinh năm 1998, quê ở Thái Nguyên. Hoàng Anh vừa kết thúc năm nhất, khoa Điện Tử Viễn Thông, Đại học Công Nghệ - Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Câu chuyện của chàng sinh viên khiến nhiều bạn trẻ phải suy ngẫm (Ảnh minh họa)
"Tại học phí lớp mình cao lắm, tiền lương mẹ làm hàng tháng nếu tính ra thì chỉ vừa đủ trả tiền học và sinh hoạt cho mình trong tháng. Thế thì sẽ không còn tiền chi tiêu cho bố mẹ và những việc khác ở quê. Mình thấy thương bố mẹ nên quyết định đi làm.
Hôm đó, mình đi làm về muộn, không vào được nhà trọ vì mới chuyển trọ mà về khuya quá, người ta không cho vào, chìa khóa lại chưa đánh kịp.
Khi ấy mình thấy chân tay run lẩy bẩy, chắc vì mệt mỏi và đói nữa, lại chẳng biết nói chuyện với ai lúc 2 – 3 giờ sáng vì bạn bè cũng đi ngủ hết rồi.
Mình liền chạy đến một cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 ngồi đợi đến sáng và vào diễn đàn được khá nhiều người theo dõi trên mạng, chia sẻ với mọi người cho nhẹ lòng" – Hoàng Anh tâm sự.
Ngày đầu tiên đi làm quả là một ngày dài lê thê tưởng như cả thế kỉ đối với Hoàng Anh, nhưng khi đêm về, cậu sinh viên cảm thấy khá nhẹ lòng khi chia sẻ được tâm tư với mọi người.
Hoàng Anh cho hay: "Không ngờ rằng, mặc dù chỉ là những người bạn xa lạ thôi nhưng mọi người đã đọc tâm sự của mình và quan tâm, sẻ chia rất nhiều, đây chính là động lực để mình tiếp tục cố gắng.
Gõ những dòng này mà chân tay mình vẫn còn run run vì mỏi và đói, nhưng có lẽ lâu dần sẽ quen thôi".
Thấu được giá trị của lao động, của đồng tiền chúng ta có được, khi ấy ta sẽ biết cách tiêu tiền có trách nhiệm hơn! (Ảnh minh họa)
Câu chuyện mà 9x Thái Nguyên nhận được hàng chục nghìn lượt quan tâm cùng hàng trăm bình luận của cộng đồng mạng.
Hoàng Anh cho biết, dù chỉ sau một ngày đi làm, cậu đã rút ra được nhiều bài học cần suy ngẫm và gửi gắm mong muốn sau câu chuyện của mình: "Mình mong những bạn nào không có điều kiện giống nhà mình thì hãy cứ thử dấn thân đi làm, mình hứa là các bạn sẽ biết tiêu tiền một cách có trách nhiệm hơn.
Hơn nữa, mình nhận ra một điều, khi là khách hàng, là thượng đế thì có quyền hạch sách, nhưng khi đi ăn đi uống ở bất kì đâu cũng đừng khó tính quá.
Hãy nghĩ đến những đứa sinh viên như mình mà thông cảm, nếu họ chọn nhầm, mang chậm đồ một tí mà không có gì to tát quá thì hãy bỏ qua nhé. Mình đi làm ở đấy cũng thấy một số nhân viên không cười tí nào thật, nhưng có lẽ vì họ quá mệt mỏi thôi.
Nói vậy nhưng mình sẽ cố tươi cười với khách dù thế nào đi nữa, vì bản thân cũng từng là khách, cũng hiểu khách nghĩ gì và muốn gì. Hai bên đều hài lòng, vui vẻ và ấn tượng về nhau là điều mình mong muốn nhất".
Chàng sinh viên năm nhất cũng cho biết, chuyên ngành mà cậu đang học không liên quan đến việc làm thêm nên Hoàng Anh dự định sang năm 3, năm 4, khi đã có đủ kiến thức chuyên ngành thì sẽ phải tìm việc khác phù hợp để sau này ra trường có đầy đủ kinh nghiệm.
Ngân Hà