Ngành Công nghiệp chế tạo của Việt Nam gần như nằm trong tay người nước ngoài!
Chuyên gia Kinh tế - Tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa
Theo đó, khi nói đến những thách thức trong mục tiêu công nghiệp hóa của Việt Nam, ông cho rằng, Công nghiệp chế tạo của Việt Nam hiện nay gần như nằm trong tay người nước ngoài, mà cụ thể là các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (FDI). "Chúng ta mong muốn trở thành một nước công nghiệp chỉ dựa vào họ thì rất đáng lo ngại" - Ông Nghĩa nhận định.
Tuy nhiên theo ông Nghĩa, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đây là mục tiêu không hề dễ dàng. Dẫn chứng là bốn nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á là Philipines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã thất bại trong nỗ lực công nghiệp hóa đất nước của họ. Bên cạnh đó, các chuyên gia của bốn nước trên đã khẳng định cơ hội để các nước Đông Nam Á trở thành một nước công nghiệp đã hết và không bao giờ quay lại.
Thế giới hiện nay là phẳng, các nước gần như đã mở cửa, xóa bỏ các rào cản về thuế quan, hàng hóa nên các nền kinh tế phát triển sẽ không bao giờ để chúng ta có được công nghệ của họ.
Với Việt Nam, bối cảnh hiện nay phát triển nền công nghiệp theo hướng công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin là hợp lý. Tuy nhiên, cần đi theo chuỗi giá trị gia tăng và chọn đầu tư nguồn nhân lực, tiến tới tạo ra sản phẩm, công nghệ mới tại đất nước mình.
Cũng theo ông Nghĩa, để thành công, Việt Nam cần sự đầu tư và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống doanh nghiệp lẫn chính quyền, các nhà làm chính sách.
"Có thể học hỏi kinh nghiệm của Đài Loan trong thay đổi mô hình và cách thức tạo ra tăng trưởng bởi đây là nền kinh tế thành công nhất trong lĩnh vực công nghiệp điện tử tại khu vực. Năm 1962, thu nhập đầu người của Đài Loan chỉ bằng một nửa Malaysia, nhưng hiện nay đã gấp 3 lần", ông Nghĩa nói.
Ánh Phượng
Theo Báo Thời Đại