Ngân hàng Thế giới: Mây đen phủ bóng toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn toả nắng
Việt Nam lọt top 22 thế giới về quy mô xuất khẩu |
GDP 2019 của Việt Nam có thể cao kỷ lục 7,05% |
Theo báo cáo của WB, năm 2019 có thể coi là một năm tương đối tốt đẹp cho nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã có chính sách rất đúng đắn khi chú trọng hỗ trợ khu vực tư nhân trong nước, coi đó là kênh đề bù đắp cho sức cầu bên ngoài suy giảm - báo cáo nhấn mạnh.
Báo cáo nêu rõ: "Việt Nam chắc chắn vẫn nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trên thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt trên dưới 6,8%, cao gần gấp 3 lần so với tốc độ bình quân của thế giới (2,6%), cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với bình quân ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương".
Cũng theo WB, kết quả tăng trưởng vững vàng nêu trên là thành quả đóng góp của 2 yếu tố chính: Tăng trưởng xuất khẩu và sức cầu trong nước của các doanh nghiệp, hộ gia đình.
Tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ giúp kinh tế Việt Nam ngày một khởi sắc (Ảnh minh hoạ) |
Về xuất khẩu, theo WB, trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng khoảng 8,4%, tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng cao gấp 3 lần so với mức tăng bình quân toàn cầu.
Về yếu tố sức cầu trong nước, báo cáo nhận định tầng lớp trung lưu có mức sống trên 15 USD/ngày đang lớn mạnh nhanh chóng ở Việt Nam, mỗi năm tăng trung bình 1 triệu người. Nhu cầu của nhóm đối tượng này phần lớn được đáp ứng bằng hàng nhập khẩu, với kim ngạch nhập khẩu hàng tiêu dùng đã và đang tăng khoảng 15% mỗi năm kể từ năm 2015.
Chính sách tài khoá và tiền tệ của Việt Nam được WB đánh giá là thận trọng với hàng loạt dấu hiệu đáng mừng: Tiếp tục giảm bội chi ngân sách (ở mức 0,1% GDP); Tỷ lệ nợ công trên GDP dự kiến giảm từ 58,4% xuống 56,1% từ năm 2018 đến 2019; Giảm vay nợ công ở mức gần 8% GDP từ năm 2016...
Báo cáo của WB nêu bật nhiều thành công của kinh tế Việt Nam trong năm 2019 (Ảnh chụp màn hình) |
Đồng thời, thặng dư cán cân thanh toán dự kiến vẫn được duy trì và dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, lên tương đương 3,2 tháng nhập khẩu vào cuối tháng 6/2019. Thặng dư tài khoản vãng lai ước giảm nhẹ từ 2,3% xuống 1,9%, trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) duy trì ở mức cao tương đương 2 năm trước, bình quân 3 tỷ USD/tháng.
Từ những kết quả trên, WB dự báo trong thời gian tới kinh tế Việt Nam vẫn giữ vững tăng trưởng ở mức khoảng 6,5% trong 3 năm tiếp theo. Kịch bản của WB là Việt Nam sẽ bù xuất khẩu giảm bằng sức cầu trong nước tăng, lạm phát và cán cân kinh tế đối ngoại vẫn trong kiểm soát.
Bên cạnh đó, WB cũng cho rằng vẫn có những rủi ro trong nước và bên ngoài. Do đó, cần phát triển khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm thông qua cải thiện môi trường kinh doanh và các phương án huy động tài chính dài hạn.
Đánh giá chung về tình hình kinh tế Việt Nam, báo cáo tháng 12/2019 của Ngân hàng Thế giới (WB) ví von: Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu, tuy nhiên mặt trời vẫn toả nắng ở nền kinh tế Việt Nam với dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2019.