Ngân hàng Nhà nước chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng
Hơn 100 vụ khiếu nại công ty tài chính cho vay mua… mỹ phẩm
Theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, qua thực tế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng trong quý 3, 4 năm 2017 và quý 1 năm 2018, số lượng vụ khiếu kiện liên quan đến Công ty FE Credit hơn 100 vụ. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các giao dịch vay tiền để mua bộ mỹ phẩm Deaura và hành vi liên hệ để thu hồi nợ.
Trong Công văn số 286/CT-NTD gửi tới Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã nêu lên 4 hành vi phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của FE Credit.
Ảnh minh họa. Nguồn ANTĐ
Cụ thể: Quy trình tư vấn, ký hợp đồng cho vay tiêu dùng có nhiều dấu hiệu không rõ ràng, đầy đủ. Ví dụ, thông tin của người tiêu dùng được điền tự động, không thông báo cho người tiêu dùng, thời gian phê duyệt nhanh, nhân viên tư vấn không thông báo nhưng đề nghị, ép buộc người tiêu dùng ký vào các tài liệu vay tiền. Bộ hợp đồng ký vay tiền không có con dấu xác nhận, có dấu hiệu không đảm bảo giá trị pháp lý; FE Credit không cung cấp hợp đồng để người tiêu dùng lưu giữ. Bên cạnh đó, công ty này không cho phép người tiêu dùng điều chỉnh thông tin khi phát hiện có sai sót; hành vi thu hồi nợ có dấu hiệu quấy rối, đe dọa người tiêu dùng.
“Những vụ việc nêu trên hiện đang ảnh hưởng tới tình hình tài chính của một số đông người tiêu dùng, tạo tâm lý bức xúc và e ngại trong quá trình tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính từ phía người tiêu dùng” - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận định.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng lưu ý các đơn vị liên quan như Thanh tra, giám sát ngân hàng có những biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường giám sát và ngăn chặn các tranh chấp phát sinh…
Công ty tài chính tiêu dùng phải có khung lãi suất cho vay áp dụng thống nhất
Ngày 15/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có Văn bản số 3436/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống tại các TCTD.
Văn bản nêu rõ, để ngăn ngừa hành vi gian lận, vi phạm các quy định của pháp luật về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các khách hàng, bảo đảm an toàn trong hoạt động cho vay… của các TCTD, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt các quy định nội bộ về cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, quản lý tiền vay…
Theo đó, các TCTD phải thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất, phí liên quan đến hoạt động cho vay theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN; nghiêm túc thực hiện các quy định về nguyên tắc, phương pháp tính lãi và phí, minh bạch lãi suất cấp tín dụng theo Thông tư số 14/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng.
Thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch hóa hoạt động cho vay như: Quy định về niêm yết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, cung cấp thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng; cung cấp đầy đủ cho khách hàng trước khi xác lập thỏa thuận cho vay các thông tin về lãi suất cho vay, nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất trong trường hợp áp dụng lãi suất có điều chỉnh, lãi suất quá hạn, loại phí và mức phí theo đúng quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
Riêng đối với các công ty tài chính tiêu dùng, NHNN yêu cầu phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng và báo cáo NHNN về khung lãi suất cho vay theo quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN.
Thực hiện nghiêm các quy định về đôn đốc, thu hồi nợ theo đúng quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN và quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, rà soát, quản lý chặt chẽ các điểm giới thiệu dịch vụ, nhân viên giới thiệu dịch vụ, đối tác của TCTD để bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định nội bộ của TCTD.
Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các TCTD tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của NHNN và pháp luật về hoạt động cấp tín dụng nói chung, cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng nói riêng ở tất cả các chi nhánh, đơn vị kinh doanh trong mạng lưới; đảm bảo cán bộ, nhân viên thực hiện đúng quy trình, quy định nội bộ và quy định của pháp luật (trong đó bao gồm minh bạch thông tin hợp đồng, bảo mật thông tin khách hàng, sử dụng biện pháp thu hồi nợ phù hợp...); kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
M.Phương