Nga tính 'đường mới' khi quan hệ với EU đang trên bờ vực sụp đổ
Giữa lúc mối quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) tiến gần đến bờ vực sụp đổ hoàn toàn, Moscow đang tăng cường chiến lược thúc đẩy các mối quan hệ thay thế với từng nước thành viên trong khối.
Dòng chảy phương Bắc 2, một dự án đường ống dẫn khí giữa tập đoàn năng lượng Nga Gazprom và một số công ty Tây Âu đang trở thành minh chứng rõ nhất cho hướng tiếp cận này. Ngoài những tính toán về kinh tế, khía cạnh ngoại giao rõ ràng cũng được tính tới trong chính sách trên.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Reuters |
Trên thực tế, thậm chí cả khi Nga đã tìm ra cách để cứu vãn phần nào quan hệ với châu Âu thì nước này vẫn quyết tâm theo đuổi kế hoạch tăng cường quan hệ đối tác với Trung Quốc. Ngoại trưởng Lavrov đã trực tiếp liên hệ 2 vấn đề này trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
"Nếu châu Âu cắt đứt mối quan hệ này, phá hủy tất cả cơ chế được kiến tạo trong nhiều năm qua và chúng tôi chỉ còn mối quan hệ với một số nước châu Âu muốn duy trì lợi ích quốc gia của họ, thì có lẽ, theo một cách khách quan, điều này sẽ dẫn tới việc quan hệ giữa chúng tôi với Trung Quốc sẽ phát triển nhanh hơn so những gì còn lại trong quan hệ với châu Âu", người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
Ở diễn biến ngược lại, Trung Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm tới cái gọi là "quan hệ đối tác chiến lược" với Nga sau khi trải qua Hội nghị Anchorage đầy thù địch với Mỹ và mới đây là lệnh trừng phạt của hàng loạt nước EU về vấn đề Tân Cương.
Cùng với kế hoạch hợp tác với từng nước thành viên EU, các động thái của Nga với Trung Quốc là một phần trong nỗ lực rộng khắp của nước này nhằm làm giảm nhẹ và đối phó với sức ép kinh tế từ phương Tây.
Ông Lavrov trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với truyền thông Trung Quốc đã nhận định, Moscow quan tâm đến việc hình thành "một liên minh" các quốc gia thống nhất nhằm chống lại "các biện pháp trừng phạt đơn phương", chẳng hạn như những lệnh trừng phạt gần đây mà phương Tây áp lên Nga và Trung Quốc.