Nga - Nhật Bản nỗ lực đạt hiệp định hoà bình
Theo Reuters, thông tin trên được đưa ra khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có mặt tại thành phố Vlapostok, Nga, và làm việc cùng Tổng thống Putin hôm 10/9. Ông Abe cũng cho biết người đứng đầu lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera, sẽ thăm Nga trong tháng 10.
"Tôi chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ Nhật - Nga theo hướng giải quyết vấn đề lãnh thổ và ký kết một hiệp định hòa bình", Thủ tướng Abe nói với tờ Mainichi.
Cũng trong khuôn khổ cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc bởi điệp viên Triều Tiên. Ông Abe cho biết đây là vấn đề cần được giải quyết tận gốc và tuyên bố quan điểm của Nhật Bản được Tổng thống Putin ủng hộ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp nhằm đi đến một hiệp định hòa bình với Nhật Bản mà cả hai bên đều có thể chấp nhận.
Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin gặp nhau tại Vlapostok hôm 10/9. Ảnh: AFP.
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin diễn ra bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông, tổ chức tại thành phố Vlapostok.
Thông qua các hoạt động hợp tác kinh tế, Nhật Bản muốn tiến tới giải quyết xung đột về lãnh thổ kéo dài hàng chục năm và tiến tới ký kết hiệp định hòa bình với Nga. Trong khi đó, Nga muốn thu hút vốn đầu tư của Nhật Bản vào vùng Viễn Đông giàu tài nguyên nhưng hiện vẫn kém phát triển.
Nga và Nhật Bản chưa ký Hiệp định hòa bình kể từ khi kết thúc Thế chiến II do tranh chấp quần đảo ở Thái Bình Dương mà Nga gọi là Kuril và Nhật gọi là Lãnh thổ Phương Bắc.
Tổng thống Putin cũng cho biết, Nga sẵn sàng duy trì liên lạc với Nhật Bản nhằm ủng hộ đối thoại liên Triều.
Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản ngày 9/8/1945 trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới 2 sắp đi tới hồi kết. Khi Chiến tranh Thế giới 2 kết thúc, Liên Xô chiếm đóng quần đảo Kurils mà Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phía Bắc. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Nga kế thừa tiếp quản quần đảo này.
Năm 1956, Nhật Bản và Liên Xô đã ký tuyên bố chung, chấm dứt chiến tranh và tái lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, vấn đề quần đảo Kurils không được đề cập trong tuyên bố chung này. Từ đó tới nay, Nhật Bản và Liên Xô, sau này là Nga, chưa ký hiệp định hòa bình chính thức.
N.H