Nga chưa thể tìm được "người thay thế", ông Putin phải làm gì để thực hiện lời hứa 20 năm?
Thông điệp của ông Putin không vấp phản ứng mạnh từ truyền thông quốc tế, lúc này đang tập trung vào cuộc cải tổ chính sách thuế của tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng việc ông Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Ngoài ra, phản ứng "bình lặng" trên báo chí cho thấy dư luận không ngạc nhiên trước diễn biến này. Hãng Tân Hoa Xã (Trung Quốc) nhận định, bất chấp số lượng ứng cử viên đã tăng lên, ông Putin nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho rằng điều đáng quan tâm là những gì tổng thống Nga phải làm trong nhiệm kỳ tiếp theo, và việc quyền lực ở Nga sẽ chuyển dịch ra sao sau 6 năm nữa.
Kể từ khi lên nắm quyền lần đầu vào năm 2000, ông Putin đã xoay chuyển hoàn toàn tình hình kinh tế suy thoái của nước Nga, cũng như vị thế quốc tế bị suy giảm của Nga. Việc Moskva duy trì được tầm ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương, khu vực Á-Âu và Trung Đông có sự cống hiến chính trị rõ rệt của ông.
Sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra năm 2014, các lệnh cấm vận của phương Tây đã làm kinh tế Nga đình đốn, nhưng nước này vẫn xử lý được để điều chỉnh các chiến lược phát triển quốc gia - một trong số đó là cải tổ cơ cấu kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào ngành năng lượng. Năm nay, tăng trưởng GDP của Nga đạt 1.8%.
Kremlin cũng có đột phá trong lĩnh vực đối ngoại bằng cuộc can thiệp quân sự vào xung đột ở Syria. Theo Hoàn Cầu, ông Putin luôn đóng vai trò "người giải cứu quốc gia" vào những thời khắc quan trọng và người dân Nga cũng cần một nhân vật như thế.
Tổng thống Nga Boris N. Yeltsin (phải) bắt tay ông Putin tại Điện Kremlin, ngày 31/12/1999 (Ảnh: TASS)
Những khó khăn đón chờ ông Putin
"Các thực tế chứng minh không ai có thể thay thế ông Putin ở nước Nga hiện nay," tờ báo Trung Quốc viết, nhưng theo tờ này, thế hệ trẻ sinh sau năm 1990 ở Nga ngày nay thiếu nhận thức về giai đoạn lịch sử của Liên bang Xô Viết, do đó họ khó thấy được những nỗ lực của Putin trong việc vực dậy đất nước.
Thế hệ công dân mới, với sự bao phủ của thông tin và mạng Internet, nhìn thấy một kịch bản hoàn toàn khác với phụ huynh của mình. Trong đó, nền kinh tế Nga chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc kể từ đợt suy thoái 2014 mà chỉ hưởng lợi nhờ giá năng lượng quốc tế.
Ngoài ra, tình trạng tham nhũng vẫn còn nhức nhối. Tổng thống Putin đã phải sa thải cựu bộ trưởng quốc phòng Anatoliy Serdyukov khi bộ này dính líu vào bê bối tham nhũng. Cựu bộ trưởng kinh tế Alexey Ulyukaev cũng bị bắt giữ vì nhận hối lộ.
Chia rẽ trong xã hội Nga cũng tăng lên bởi căng thẳng do khác biệt giữa các tầng lớp, các nhóm sắc tộc và cả cộng đồng văn hóa. Sự bất mãn với ông Putin trở thành nền tảng hoạt động của phe đối lập tại Nga. Lực lượng này không thể cản trở tổng thống tái cử, nhưng sẽ tổ chức nhiều hoạt động trước và sau bầu cử nhằm gây sức ép lên Điện Kremlin.
Phe đối lập không đủ khả năng thách thức trực diện ông Putin, nhưng họ vẫn có cơ sở ủng hộ lớn. Các báo cáo nói rằng phe này đã bắt đầu trù tính các sắp xếp về chính trị cho thời kỳ "hậu Putin" vào năm 2024.
Tổng thống Putin nói chuyện với các công nhân tại nhà máy GAZ ở Nizny Novgorod, Nga, ngày 6/12/2017. Tại đây ông đã công khai việc tái tranh cử tổng thống Nga vào năm 2018 (Ảnh: Mikhail Klimentyev, Sputnik, Kremlin Pool Photo)
Những điều cần làm
Hoàn Cầu nhận xét, mục tiêu lớn sắp tới mà ông Putin cần đặt ra là tạo dựng nền tảng vững chắc để nước Nga phát triển ổn định và lành mạnh.
Đầu tiên, tổng thống cần bồi dưỡng thế hệ tinh hoa chính trị tiếp theo để hướng tới chuyển giao quyền lực suôn sẻ. Đến năm 2024, ông Putin đã cầm quyền hơn 20 năm và khi đó khả năng tái tranh cử thực sự là một câu hỏi, nhưng hiện nay Moskva vẫn chưa nhận thấy nhân vật có thể thay thế ông.
Trong những năm gần đây, Putin trên thực tế đã bắt đầu đào tạo thế hệ chính khách sinh ra trong thập niên 1970 và 1980.
Bên cạnh đó, ông cũng cần vạch rõ con đường phát triển của nước Nga trong tương lai. Những tín hiệu phục hồi kinh tế đã xuất hiện trong năm 2017 và do đó chính phủ Nga có thêm thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng về tương lai.
Theo Hoàn Cầu, tổng thống Putin còn cần tạo dựng một môi trường bên ngoài linh hoạt cho sự phát triển của Nga. Dù Moskva không e ngại đối đầu phương Tây, nhưng quan hệ đi xuống với các nước châu  từ năm 2014 rõ ràng đã tác động tiêu cực lên tình hình xã hội Nga. Các mối quan hệ song phương không thể đi xuống thêm, nhưng cũng rất khó cải thiện.
Thêm vào đó, ông Putin nên dành nhiều nỗ lực hơn nữa để xử lý các vấn đề tồn đọng trong xã hội, đặc biệt là tình trạng chia rẽ.
Tổng thống Vladimir Putin còn một chặng đường dài và chông gai - nếu ông tái đắc cử - để thúc đẩy phục hưng quốc gia, và để hoàn thành lời hứa của mình: "Hãy cho tôi 20 năm và mọi người sẽ không còn nhận ra nước Nga nữa".
Ông Putin tuyên bố tranh cử tổng thống Nga 2018
Hải Võ