Nếu EVN không thanh toán kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến chúng tôi
-Xin ông cho biết khái quát về tình hình chuẩn bị sản xuất điện năm 2023 của các nhà máy nguồn do EVNGENCO1 quản lý?
-Bước sang năm 2023, tình hình vận hành hệ thống điện và thị trường điện vẫn hết sức khó lường (phụ tải 03 tháng đầu năm tăng trưởng âm 1,5%, năng lượng tái tạo tiếp tục ảnh hưởng đến các nhà máy điện truyền thống, chỉ số giá nhiên liệu cao,…). Ngoài ra, EVNGENCO1 còn gặp các khó khan như: thiếu hụt mực nước đầu năm của một số hồ thủy điện của EVNGENCO1 dẫn tới thiếu hụt sản lượng điện tương ứng, các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong nước phải ngừng máy, suy giảm công suất một số thời điểm do đơn vị cấp than cung cấp thiếu than, NMNĐ Duyên Hải 3 tiếp tục không được hệ thống huy động do có giá biến đổi cao,…
Đối diện với những khó khăn thách thức nêu trên, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất điện được Bộ Công Thương/EVN giao, EVNGENCO1 đã thực hiện các giải pháp: (i) lập kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng các tổ máy phù hợp, đáp ứng tiến độ để nâng cao độ tin cậy và hiệu suất vận hành, đảm bảo độ khả dụng và đáp ứng tổ máy khi hệ thống huy động; (ii) ký kết các hợp đồng mua bán than và thường xuyên làm việc với các nhà cung cấp đảm bảo giao đủ than cho phát điện, có giá bán điện cạnh tranh trên thị trường; (iii) bám sát tình hình vận hành hệ thống điện, diễn biến giá thị trường điện để chào giá đảm bảo các nhà máy nhiệt điện thu hồi đủ chi phí biến đổi, các nhà máy thủy điện cấp đủ nước phục vụ nhu cầu hạ du, tuân thủ Quy trình vận hành liên hồ chứa.
Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Tổng giám đốc EVNGENCO1 |
Đối với công tác bảo dưỡng sửa chữa: Từ cuối năm 2022, Tổng công ty đã chủ động phê duyệt và giao kế hoạch chi phí sửa chữa bảo dưỡng (SCBD) năm 2023 cho các đơn vị triển khai thực hiện nhằm đảm bảo kế hoạch SCBD đã được phê duyệt. Kết quả, trong 3 tháng đầu năm, các tổ máy đã hoàn thành SCBD theo kế hoạch được duyệt, chuẩn bị sẵn sàng các tổ máy cho vận hành các tháng cao điểm mùa khô 2023.
Với công tác đảm bảo cung cấp nhiên liệu (than) cho sản xuất điện: Theo kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023 được Bộ Công Thương phê duyệt, các nhà máy điện sử dụng than nội địa của EVNGENCO1 dự kiến vận hành với công suất tối đa, trong đó NMNĐ Uông Bí có thời gian vận hành vượt so với thiết kế. Ngay từ Quý IV/2022, TCT đã thực hiện ký kết các hợp đồng than cung cấp than và đã cơ bản đảm bảo đủ than cho vận hành các nhà máy trong năm 2023 theo phương án cao của Bộ Công Thương. Căn cứ vào tình hình vận hành thực tế của các tổ máy trong năm 2023, trong trường hợp nhu cầu phụ tải tiếp tục tăng cao, Tổng công ty sẽ chủ động thực hiện các giải pháp nhằm bổ sung nguồn than hợp pháp cho sản xuất điện, đảm bảo phù hợp với Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 02/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Với công tác tài chính, thu xếp vốn: trong bối cảnh khó khăn chung của ngành điện năm 2022, dự kiến tiếp tục trong cả năm 2023, EVNGENCO1 cũng phải triển khai đồng bộ các giải pháp về tài chính để đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động SXKD, cụ thể: (i) làm việc với EVN/EPTC và các bên có liên quan để đảm bảo tiền điện được thanh toán kịp thời; (ii) làm việc với các nhà cung cấp nguyên nhiên vật liệu gia hạn thời gian thanh toán, hỗ trợ EVNGENCO1 trong giai đoạn khó khăn, giúp giảm áp lực dòng tiền; (iii) làm việc với các tổ chức tín dụng để thu xếp hạn mức vay vốn lưu động, giải quyết một phần nhu cầu vốn thiếu; (iv) tăng cường lập kế hoạch dòng tiền ngắn hạn để nâng cao hiệu quả quản lý, thực hiện rà soát và có biện pháp kịp thời trong giai đoạn khó khăn, thiếu vốn của Tổng công ty.
-Năm 2023, so với kế hoạch được EVN giao và khả năng thực tế, EVNGENCO1 có phát sinh những vướng mắc nào cần lưu ý trước không, thưa ông?
-Hoạt động SXKD năm 2023 của Tổng công ty dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thách thức:
-Giá than nhập khẩu đã giảm nhiều so với trung bình năm 2022 nhưng vẫn duy trì ở mức cao, khó tiệm cận mức giá trung bình 5 năm 2016-2020, tiếp tục gây khó khăn lớn cho việc cạnh tranh trên thị trường điện của các nhà máy sử dụng 100% than nhập khẩu của Tổng công ty trong bối cảnh tăng trưởng phụ tải dự báo thấp.
-Các hồ thủy điện của Tổng công ty không đạt được mực nước dâng bình thường cuối năm 2022, dẫn tới thiếu hụt sản lượng điện tương ứng trong năm 2023.
-Theo Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 31/12/2022 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện Quốc gia năm 2023, NMNĐ Duyên Hải 3 dự kiến gần như không được hệ thống huy động. Với kế hoạch sản lượng trên sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của Tổng công ty, đặc biệt là việc không thu hồi đủ chi phí cố định theo phương án giá điện của NMNĐ Duyên Hải 3, dẫn đến không đảm bảo cân đối nguồn để trả nợ cho các khoản vay đầu tư dự án; đồng thời ảnh hưởng lớn đến kết quả SXKD điện của Tổng công ty năm 2023 và mục tiêu phát triển ổn định, bền vững của Tổng công ty. Mặt khác, số giờ vận hành thấp sẽ làm tăng suất hao nhiệt và ảnh hưởng đến tuổi thọ, độ bền của các thiết bị.
Giá than nhập khẩu cao đang gây khó khăn cho hoạt động của EVNGENCO1 |
-Với khối lượng than nhập khẩu đã ký kết với các nhà cung cấp nhưng chưa được tiếp nhận, trong khi các tổ máy Duyên Hải 3 & Duyên Hải 3MR gần như không được huy động đã và đang tạo ra các rủi ro về tranh chấp pháp lý cho Tổng công ty.
- Thưa ông, mùa nắng nóng năm 2023 này được dự báo có thể xảy ra thiếu điện ở miền Bắc, EVNGENCO1 có kịch bản hỗ trợ nào để tránh tình trạng khu vực này bị cắt điện luân phiên không?
-EVNGENCO1 đã chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc của Tổng công ty (Uông Bí, Nghi Sơn 1, Quảng Ninh) thực hiện các biện pháp sau: (i) chủ động kiểm soát, tăng cường kỷ luật vận hành, tuyệt đối không để xảy ra sự cố chủ quan và ngăn chặn sự cố khách quan trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2023; (ii) tích cực làm việc với TKV & TCT Đông Bắc để được cấp đủ và kịp thời khối lượng than đảm bảo vận hành các tổ máy an toàn trong mùa khô; (iii) chuẩn bị tốt công tác lựa chọn nhà thầu, đảm bảo tiến độ và chất lượng công tác sửa chữa theo kế hoạch được phê duyệt, trong trường hợp cần thiết có thể dời lịch sửa chữa các tổ máy để đảm bảo an ninh cung cấp điện mùa khô khi được hệ thống yêu cầu.
- EVN năm nay ở trong hoàn cảnh rất nan giải về tài chính, điều này sẽ tác động trực tiếp đến các đơn vị thành viên như EVNGENCO1, xin ông cho biết những khó khăn mà EVNGENCO1 sẽ gặp phải từ nguyên nhân này?
-Việc EVN gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thanh toán tiền điện cho các nhà máy phát điện, trong đó có EVNGENCO1.
Trong trường hợp không được EVN thanh toán tiền điện kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn tới dòng tiền của EVNGENCO1, do nguồn thu tiền điện từ EVN là nguồn thu chủ yếu của chúng tôi. Khi đó, EVNGENCO1 không có dòng tiền để đảm bảo thanh toán các khoản chi phí duy trì hoạt động SXKD, ĐTXD như lương, thuế, gốc lãi vay, nguyên vật liệu...Cụ thể, EVNGENCO1 sẽ rất khó khăn trong việc cân đối nguồn tiền thanh toán các khoản phải nộp ngân sách nhà nước và các khoản gốc lãi, đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và quy định của các Hợp đồng tín dụng.
Đối với chi phí nguyên vật liệu, trong trường hợp không đảm bảo thanh toán tiền than, dầu và các nguyên liệu đầu vào khác có thể sẽ dẫn tới việc nhà cung cấp dừng cấp nguyên nhiên liệu, ảnh hưởng tới vận hành phát điện và cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Ngoài ra, việc thiếu hụt dòng tiền còn có thể kéo theo những rủi ro phát sinh như phạt chậm thanh toán, tranh chấp từ phía nhà cung cấp, uy tín của EVNGENCO1 với các đối tác trên thị trường trong và ngoài nước sẽ bị ảnh hưởng, gây khó khăn cho việc triển khai các hợp đồng trong quá trình vận hành sau này.
Thêm nữa, từ tháng 07/2022 đến nay, NMNĐ Duyên Hải 3 của EVNGENCO1 không được huy động phát điện do giá than nhập khẩu tăng cao, dẫn đến giá bán điện của NMNĐ Duyên Hải 3 cao hơn so với các nhà máy khác trong cùng khu vực. Điều này dẫn đến nguy cơ cao nhà máy không đủ thu hồi chi phí cố định qua tiền điện, do đó áp lực thanh khoản đối với EVNGENCO1 sẽ càng lớn hơn nữa do mất cân đối dòng tiền trả nợ gốc vay. Đồng thời, nhà máy không được phát điện sẽ dẫn đến hư hỏng thiết bị điện, ăn mòn trong đường ống…làm suy giảm chất lượng của tổ máy, làm phát sinh thêm chi phí phòng mòn cho tổ máy.
- Là người đứng đầu Ban điều hành, theo ông, để công tác sản xuất điện được ổn định và giúp doanh nghiệp không rơi vào trạng thái bị động, những vấn đề nào trong cơ chế quản lý hiện hành cần được thay đổi, bổ sung?
- Tình hình cung ứng than cho các nhà máy sử dụng than nội địa trong năm 2023 và các năm tiếp theo hết sức khó khăn do TKV, TCT Đông Bắc công bố khả năng cung ứng đã đến mức tới hạn. Vì vậy để đảm bảo đủ than cho vận hành theo yêu cầu của hệ thống, cần phải có cơ chế để điều chỉnh nguyên tắc, điều kiện mua than nhập khẩu trực tiếp từ TCT Đông Bắc, TKV và/hoặc mua than pha trộn, than nhập khẩu trực tiếp từ các nhà cung ứng than khác ngoài TKV, TCT Đông Bắc cho phù hợp, đảm bảo tính chủ động của chủ đầu tư các nhà máy điện theo tinh thần Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 02/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó là cần tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, bảo dưỡng và sửa chữa các tổ máy, nâng cao hiệu suất và độ tin cậy vận hành. Đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bổ sung quy định chạy máy kỹ thuật không tải định kỳ đối với các tổ máy trong trường hợp không được hệ thống huy động dài ngày, tương tự như quy định đối với lưới điện hiện nay.
Một nội dung nữa cũng cần được lưu ý là sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để tạo điều kiện cho các nhà máy thủy điện có thể thực hiện hài hòa nhiệm vụ phát điện đảm bảo an ninh cung cấp điện và cấp nước phục vụ nhu cầu hạ du.
-Trân trọng cảm ơn ông!