NASA sử dụng máy in 3D để sản xuất áo giáp bảo vệ cho phi hành gia và tàu vũ trụ
“Chain mail” là loại áo giáp thiết yếu đối với một chiến binh thời trung cổ, nó xuất hiện trong rất nhiều phim, truyện và trò chơi. Nhưng hiện nay, các kỹ sư của NASA đang hi vọng có thể sử dụng loại áo giáp này cho các nhiệm vụ ngoài không gian. Đương nhiên loại áo giáp này sẽ được NASA “nâng cấp” để nó trở nên hữu ích trong việc giúp các phi hành gia và tàu vũ trụ chống chịu với môi trường khắc nghiệt của vũ trụ.
Được phát triển bởi một nhóm nghiên cứu của Raul Polit Casillas từ Phòng thí nghiệm Phản lực ở Pasadena, California. Các nhà khoa học NASA đã tạo ra phiên bản “chain mail” của thế kỷ 21. Thay vì một thợ rèn thời trung cổ dành hàng tuần lễ để nối từng vòng kim loại nhỏ lại với nhau thành hình chiếc áo, các nhà khoa học đã sử dụng máy in 3D để tạo ra chiếc áo. Điều đó có nghĩa là, những chiếc “áo giáp” có thể được sản xuất khi cần thiết ở trạm không gian, hoặc các môi trường sống khác trên Trái Đất, tùy thuộc vào nơi mà chúng ta sẽ đặt chân đến trong những thập kỷ tới.
Nhưng sự dễ dàng trong sản xuất không phải là lý do duy nhất để loại vật liệu này có thể trở thành một trong những phương tiện thiết yếu đối với nhiệm vụ khám phá không gian. Hai mặt của tấm vải kim loại này được thiết kế khác nhau, phục vụ cho những mục tiêu cụ thể khác nhau. Phía trên, trông giống như được khảm kim loại sáng bóng, có khả năng phản chiếu ánh sáng và làm việc như một thiết bị quản lý nhiệt thụ động. Phía dưới, trông giống như những tấm “chain mail” truyền thống, có thể hấp thụ nhiệt và cách điện.
Mặc dù vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng loại vật liệu này sẽ sớm được sử dụng trong các bộ đồ du hành vũ trụ, trong các môi trường, bao quanh các phương tiện và tàu vũ trụ giúp bảo vệ chúng khỏi những nguy hiểm không lường trước được, hoặc thậm chí có thể trải lên các địa hình ngoài Trái Đất để tạo thành một địa điểm an toàn cho việc hạ cánh. Không giống như những tấm vật liệu ceramic được sử dụng để bảo vệ tàu con thoi, loại vật liệu 3D linh hoạt nhưng cứng chắc này có vô số ứng dụng, vì vậy nó càng trở nên đáng quý đối với nhiệm vụ khám phá những hành tinh khác trong tương lai.
Trong điều kiện ngoài không gian và phải nằm cách xa Trái Đất, thì khả năng sản xuất ngay tại chỗ là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là sản xuất những thứ có thể phục vụ cho càng nhiều mục đích và có khả năng tái sử dụng càng tốt. “Chain mail” có thể là một lựa chọn kỳ lạ trong tương lai, nhưng những ý tưởng từ quá khứ sẽ luôn là giải pháp đơn giản và cực kỳ hữu ích cho bất cứ vấn đề nào.
Tham khảo Gizmodo
Nguyễn Tuấn Tài