Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Cộng hòa Belarus Aleksandr Lukashenko, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tiến hành thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Azerbaijan, thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Belarus từ ngày 5 đến 12/5. |
Chuyến thăm là một sự kiện đối ngoại có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam và các nước bạn bè truyền thống; khẳng định sự coi trọng, tình cảm chân thành, thủy chung của Việt Nam với các nước bạn bè thuộc Liên Xô (trước đây) đã từng giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo dù tình hình thế giới trải qua những biến động nhanh chóng, mang tính bước ngoặt. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Dộ Dương ngày càng có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Nga, Kazakhstan, Azerbaijan và Belarus. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đến Kazakhstan đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm, là chuyến thăm cấp cao nhất của lãnh đạo chủ chốt ta trong 13 năm qua và là lần đầu tiên ở cấp Tổng Bí thư nước ta đi Kazakhstan. Với Azerbaijan, đây là lần đầu tiên Azerbaijan đón lãnh đạo nước ta thăm ở cấp Tổng Bí thư kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 và là trao đổi đoàn ở cấp cao nhất trong 10 năm qua. Với Belarus, đây là chuyến thăm Belarus đầu tiên của đồng chí Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư, cũng là chuyến thăm Belarus của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sau 11 năm. Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân. (Ảnh: TTXVN) Đây là chuyến thăm chính thức Liên bang Nga đầu tiên từ khi đồng chí Tô Lâm giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, là chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Đảng ta sau 7 năm, nhằm khẳng định quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện với Nga có tầm quan trọng chiến lược, là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam; thể hiện sự trân trọng của ta với những đóng góp, hy sinh của Liên Xô (trước đây) trong Chiến thắng vĩ đại chống chủ nghĩa phát-xít, kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, bảo vệ vững chắc hòa bình thế giới. Xung lực mới cho quan hệ Việt Nam-KazakhstanViệt Nam và Kazakhstan có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa, đều đã trải qua nhiều gian khổ trong quá trình đấu tranh bảo vệ đất nước. Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng tình cảm, sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu mà nhân dân Kazakhstan dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay. Hai nước đang nỗ lực cùng nhau vun đắp cho tình hữu nghị bền chặt ngày càng phát triển, bền vững, vì sự giàu mạnh của mỗi quốc gia, vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân hai nước. Sau hơn 30 năm kể từ khi Việt Nam và Kazakhstan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển tích cực. Về chính trị - ngoại giao, hai bên duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc. Lãnh đạo cấp cao Kazakhstan khẳng định coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại Đông Nam Á, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống và mở rộng sang các lĩnh vực tiềm năng khác. Đảng ta có quan hệ với Đảng Amanat cầm quyền và Đảng Nhân dân Kazakhstan. Hai bên đang tiến tới nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác toàn diện. Hợp tác về kinh tế - thương mại - đầu tư duy trì đà phát triển tích cực. Trao đổi thương mại song phương năm 2024 đạt 800 triệu USD, tăng 99% so với năm trước đó. Kazakhstan có 6 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 500 nghìn USD. Ta có hai doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền do người Việt Nam làm chủ tại Kazakhstan. Hai bên duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật. Chủ tịch nước Tô Lâm (bên phải) và Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh, ngày 16/7/2024. (Ảnh: TTXVN) Hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục - đào tạo, giao thông vận tải, năng lượng, hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân được duy trì, củng cố. Hai bên đã khai thác tuyến bay thẳng chính thức đầu tiên vào tháng 11/2022 và ngày càng mở nhiều chuyến bay thẳng kết nối các thành phố du lịch nổi tiếng của hai nước. Lượng khách du lịch của Kazakhstan tới Việt Nam tăng mạnh trong thời gian gần đây. Cộng đồng người Việt tại Kazakhstan có khoảng 50 người, chủ yếu tập trung tại thủ đô cũ Almaty. Thông qua Kazakhstan, Việt Nam có thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Liên minh Kinh tế Á-Âu, khai mở hợp tác kinh tế, giao thông vận tải khu vực Trung Á, qua đó tiếp cận thị trường châu Âu. |
![]() |
Tại buổi tham vấn chính trị vào tháng 3/2025 do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Ngoại giao Kazakhstan A. Bakayev chủ trì, hai bên khẳng định cần tiếp tục thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn, gặp gỡ, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước theo các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và ở tất cả các cấp, nhất là cấp cao. Ghi nhận trao đổi hàng hóa giữa hai nước đang trên đà phát triển tích cực trong những năm qua, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng A. Bakayev cho rằng, kim ngạch hiện nay vẫn hết sức khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của hai bên, nhất là khi hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước không cạnh tranh trực tiếp với nhau, mà ngược lại, có thể bổ sung và làm phong phú thị trường của nhau. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp, thúc đẩy các bộ, ngành hữu quan hai nước tận dụng tốt nhất các ưu đãi và lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, mà Kazakhstan là thành viên, đồng thời sử dụng các hành lang, tuyến vận tải đa phương thức để tăng kim ngạch song phương trong thời gian tới. |
![]() |
Việt Nam - Azerbaijan: Tuy xa mà gầnViệt Nam và Azerbaijan có tình hữu nghị truyền thống gắn bó bất kể khoảng cách địa lý xa xôi. Truyền thống hữu nghị giữa hai nước được vun đắp từ thời Liên Xô (trước đây), đánh dấu bởi chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Azerbaijan năm 1959 và chuyến thăm của lãnh đạo Azerbaijan Heydar Aliyev tới Việt Nam năm 1983. Từ những tháng năm Việt Nam đang trải qua chiến tranh cho tới khi thống nhất đất nước, cũng như bắt đầu kiến thiết Tổ quốc sau chiến tranh, Azerbaijan đã là người bạn, người anh em giúp đỡ Việt Nam hết mình. Azerbaijan có những sự trợ giúp quan trọng với ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam; giúp đào tạo ra nhiều nhân tài, cán bộ ưu tú cho Việt Nam. Mối quan hệ giữa hai nước bước sang trang mới sau khi Azerbaijan tách khỏi Liên Xô (trước đây) vào đầu thập niên 90. Năm 1992, Việt Nam và Cộng hòa Azerbaijan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, hai nước duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết. Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với Đảng cầm quyền Azerbaijan mới. Chủ tịch nước Tô Lâm (bên phải) và Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Shovgi Kamal Oglu Mehdizade, ngày 16/7/2024. (Ảnh: TTXVN) Sau 30 năm xây dựng và phát triển, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đang mở ra nhiều cơ hội to lớn về hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt gần 52 triệu USD. Hai nước có cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật. Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa-du lịch còn khiêm tốn song có nhiều tiềm năng và dư địa để thúc đẩy. Hai nước có truyền thống và kinh nghiệm hợp tác trong lĩnh vực đào tạo chuyên ngành dầu khí. Hiện hai bên đang xem xét mở các chuyến bay giữa các thành phố du lịch nổi tiếng của nhau và đường bay vận tải trực tiếp giữa hai nước. Hợp tác địa phương giữa Hà Giang và vùng Kalbajar đang được thúc đẩy. Dư địa hợp tác giữa hai nước còn rất dồi dào. Việt Nam và Azerbaijan có thể mở rộng thị trường thương mại, tạo đột phá trong hợp tác dầu khí và đào tạo nguồn nhân lực về dầu khí. |
![]() |
Gìn giữ quan hệ Việt-Nga, tài sản chung quý báu của hai quốc giaNhìn lại lịch sử quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô (trước đây) cũng như Liên bang Nga (ngày nay) trên chặng đường hơn 70 năm qua, có thể thấy, quan hệ Việt - Nga luôn vững bền theo năm tháng và ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực như chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ... Trải qua thử thách của thời gian, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước luôn nồng ấm. Nhân dân Việt Nam luôn biết ơn sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của nhân dân Nga trong thành phần Liên Xô dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Về chính trị - ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện được thúc đẩy mạnh mẽ với hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước diễn ra hết sức sôi động, nhất là ở cấp cao nhất. Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ tốt với các chính đảng lớn, có vị thế quan trọng trên chính trường Nga như Đảng Nước Nga Thống nhất, Đảng Cộng sản Liên bang Nga, Đảng Nước Nga Công bằng - Những người yêu nước - Vì sự thật. Hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên trường quốc tế với quan điểm tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực. Năm 2025, hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều sự kiện, hoạt động có ý nghĩa. |
Chủ tịch nước Tô Lâm (bên phải) và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin dự buổi gặp gỡ lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt-Nga và các thế hệ cựu sinh viên Việt Nam học tại Nga, ngày 20/6/2024. (Ảnh: TTXVN)
Hợp tác an ninh - quốc phòng được thúc đẩy với nhiều phương diện hợp tác đa dạng, là trụ cột quan trọng của quan hệ song phương. Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam-Nga đang thu được những kết quả tích cực. Trao đổi thương mại năm 2024 đạt 4,58 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023. Dầu khí - năng lượng là một trụ cột quan trọng của hợp tác giữa hai nước. Hai bên đang đàm phán, thúc đẩy ký kết các nghị định thư và hiệp định liên chính phủ Việt Nam-Nga trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí; quan tâm khôi phục và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Hợp tác giáo dục-đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục được duy trì trong khuôn khổ Ủy ban hợp tác về giáo dục, khoa học và công nghệ; là một hướng hợp tác mới khi cả hai nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch được triển khai tích cực với việc tổ chức thường niên và luân phiên Những Ngày văn hóa tại mỗi nước; đường bay thẳng giữa hai nước được nối lại năm 2023, hợp tác du lịch có bước chuyển tích cực nhưng đà phục hồi còn chậm. Hai bên có khoảng 20 cặp quan hệ cấp tỉnh, thành được thiết lập. Cộng đồng người Việt Nam ở Nga có khoảng 60.000 đến 80.000 người, đóng góp tích cực cho đất nước, sở tại và quan hệ hữu nghị Việt-Nga. Chủ tịch nước Tô Lâm (bên phải) và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin chụp ảnh chung tại Phủ Chủ tịch, ngày 20/6/2024. (Ảnh: TTXVN) Giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát đã cho thấy sức mạnh của sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái giữa Việt Nam và Nga. Hai nước phối hợp chặt chẽ trong cung ứng và chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine phòng Covid-19. Trong giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát, Chính phủ Việt Nam, Quốc hội, các bộ, ngành của Việt Nam đã tặng Nga khẩu trang và một số vật tư y tế. Phía Nga viện trợ cho nước ta các liều vaccine Sputnik V và thuốc điều trị, vật tư y tế. Tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga diễn ra ở thủ đô Moskva ngày 23/1/2025, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á 3 thuộc Bộ Ngoại giao Nga Vadym Bublikov chỉ ra rằng, có lẽ trên thế giới hiếm có hai đất nước nào, hai dân tộc nào dẫu xa nhau về địa lý, khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo... song lại gần gũi như Việt Nam và Nga. Truyền thống tốt đẹp của mối quan hệ đó bắt đầu trong những năm vô cùng khó khăn, chiến tranh, trong những giúp đỡ to lớn và quý báu mà nhân dân Việt Nam đã nhận được từ người anh em Xô-viết và nhờ đó mà đi đến thắng lợi cuối cùng. Theo ông Vadym Bublikov, trong giai đoạn hiện đại, hai nước phát triển quan hệ trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, dẫu còn nhiều khó khăn song hai bên luôn nỗ lực tìm kiếm biện pháp để củng cố quan hệ, nâng cao kim ngạch hàng hóa từng năm; hợp tác dầu khí rất thành công; mỗi năm hàng trăm học sinh, sinh viên Việt Nam được nhận học bổng sang học tại các trường đại học của Liên bang Nga. |
Thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam - BelarusViệt Nam và Belarus kế thừa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp đã có giữa Việt Nam và Liên Xô (trước đây). Trong những năm tháng Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, rất nhiều cán bộ, chuyên gia Belarus đã sang giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn với Việt Nam. Trong quá trình xây dựng đất nước, Belarus cũng giúp Việt Nam đào tạo hàng nghìn sinh viên, nghiên cứu sinh, công nhân. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ và nhân dân Belarus hỗ trợ Việt Nam nhiều thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch. Ngày 24/1/1992, Việt Nam và Belarus thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó, quan hệ hai nước ngày càng được củng cố thông qua các chuyến thăm lẫn nhau, các hoạt động trao đổi kinh tế, văn hóa, thương mại ngày càng tăng. Về chính trị-ngoại giao, hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp diễn ra thường xuyên, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Lãnh đạo cấp cao Belarus nhiều lần khẳng định coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, mong muốn đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống và mở rộng sang các lĩnh vực tiềm năng. Hai nước phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc. Chủ tịch nước Tô Lâm (bên phải) tiếp Đại sứ Belarus tại Việt Nam Uladzimir Baravikou, ngày 3/7/2024. (Ảnh: TTXVN) Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ truyền thống với Đảng Cộng sản Belarus; gặp gỡ, tiếp xúc với Đảng “Bạch Nga” của Belarus. Hợp tác quốc phòng-an ninh, kỹ thuật quân sự được thúc đẩy với việc Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Belarus về hợp tác kỹ thuật quân sự họp thường niên theo cơ chế luân phiên; duy trì trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác về đào tạo, huấn luyện, chuyển giao công nghệ. Về kinh tế - thương mại, đầu tư, hai bên duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ. Kim ngạch thương mại song phương duy trì khoảng 100 triệu USD/năm. Hợp tác song phương đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa-thể thao-du lịch, giao thông-vận tải, địa phương và có nhiều dư địa để phát triển trên cơ sở triển khai các thỏa thuận, văn bản được ký kết. Cộng đồng người Việt Nam tại Belarus có khoảng 500 đến 600 người, được chính quyền Belarus tạo điều kiện thuận lợi. |
![]() |
|
Theo Báo Nhân dân
https://special.nhandan.vn/tong-bi-thu-to-lam-tham-kazakhstan-azerbaijan-nga-belarus/index.html