Năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước
Ngày 28/3 sẽ công bố Chỉ số PCI cấp tỉnh năm 2018 PCI 2017: Quảng Ninh vượt Đà Nẵng, vươn lên vị trí dẫn đầu Đà Nẵng liên tiếp lần thứ 4 đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh |
Chỉ số PCI của Quảng Ninh năm 2018 đạt 70,36 điểm, cao nhất cả nước. Ảnh minh hoạ. |
Báo cáo thường niên về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy, không có nhiều thay đổi trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI so với năm 2017. Trong đó, Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với 70,36 điểm.
Sức nóng cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục được Quảng Ninh duy trì qua nhiều nỗ lực, chẳng hạn như thực hiện phương thức “4 tại chỗ” gồm tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả, khi giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện.
Theo VCCI, có tới 80% doanh nghiệp trả lời điều tra PCI tại Quảng Ninh cho biết thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn quy định và 74% doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản, con số cao nhất so với các tỉnh khác trên cả nước.
Xếp ngay sau Quảng Ninh trong bảng xếp hạng PCI 2018 là Đồng Tháp với chỉ số PCI đạt 70,19 điểm. Đây là năm thứ 11 Đồng Tháp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước.
Lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là Long An (68,09 điểm) và Bến Tre (67,67 điểm). Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu bao gồm Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội và TP.HCM. Các tỉnh xếp cuối danh sách gồm Bắc Cạn, Bình Phước, Lai Châu, Đắk Nông.
Trong năm 2018, nhiều yếu tố tích cực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh đã được VCCI chỉ ra. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức chỉ còn 55% (so với 66% của năm 2015); tỷ lệ doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức giảm còn 7% (so với 11% của năm 2015); tỷ lệ tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp chỉ còn 32% (so với 39% của năm 2015); tỷ lệ tỉnh ưu tiên thu hút FDI hơn phát triển kinh tế tư nhân giảm xuống 37% (so với 49% của năm 2015).
Bên cạnh đó, tỷ lệ cán bộ công chức giải quyết công việc hiệu quả tăng lên 75%, tỷ lệ cán bộ nhà nước thân thiện tăng lên 68%, thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn tăng lên 69%, nội dung làm việc của các đoàn thanh tra bị trùng lặp giảm xuống còn 11%.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số vấn đề đáng quan ngại, như tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ giấy tờ cần thiết hoặc đi vào hoạt động tăng lên 16%; tỷ lệ doanh nghiệp cho biết “thỏa thuận các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh” tăng lên 53%, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tăng lên 29%, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho ngành nghề kinh doanh có điều kiện tăng lên 34%,...
Ngoài ra, các tỷ lệ về khó tiếp cận tài liệu quy hoạch, thông tin dữ liệu đất đai; tỷ lệ về thiếu quỹ đất sạch… đều tăng lên đáng kể.
Báo cáo PCI 2018 cho thấy mức độ lạc quan của doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh thời gian tới vẫn tiếp tục ở mức cao, ở mức 49% doanh nghiệp dân doanh và 56% doanh nghiệp FDI cho hay sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới.
Đáng chú ý, báo cáo PCI năm nay dành một chương riêng đánh giá khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Theo đó, khả năng hội nhập của doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế. Một trong những yếu tố đang cản trở tiến trình này chính là sự thiếu vắng cơ chế hiệu quả đảm bảo thực thi hợp đồng. Đây là lĩnh vực Việt Nam cần có những cải cách đột phá.
Tiếp tục thực hiện Báo cáo PCI trong ít nhất 3 năm tới Với sự hợp tác của VCCI và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) năm thứ 14 liên tiếp, báo cáo PCI 2018 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ hơn 12.000 doanh nghiệp. Trong đó, có gần 11.000 DN dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá, chỉ số PCI chính là sự cổ vũ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp cho sự chuyển đổi mạnh mẽ từ cấp địa phương tại Việt Nam. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho biết USAID sẽ tiếp tục gia hạn dự án PCI thêm 3 năm nữa. |