Năm 2015: 2.000 trường hợp tử vong vì HIV/AIDS
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong 11 tháng đầu năm 2015, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 9.215 trường hợp, 5.380 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.999 trường hợp tử vong. Theo ước tính, cả nước hiện có khoảng 254.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng, và mỗi năm có khoảng 12.000 – 14.000 trường hợp nhiễm mới HIV.
Mỗi tháng Việt Nam có từ 12.000 – 14.000 trường hợp nhiễm mới HIV
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết, năm 2015 có khoảng 10 triệu lượt người thuộc đối tượng đích của chương trình được truyền thông phòng, chống HIV/AIDS (tăng gần 3 triệu lượt người so với cùng kỳ năm trước). Chương trình phân phát bơm kim tiêm triển khai tại 53 tỉnh/thành phố, tiếp cận gần 100.000 người nghiện chích ma túy.
Hoạt động phân phát bao cao su được triển khai tại 50 tỉnh thành phố cho các nhóm nguy cơ cao, chương trình đã phân phát bao cao su cho gần 35.000 người nghiện chích ma túy, 43.600 phụ nữ bán dâm, 13.000 nam quan hệ tình dục đồng giới và 24.000 vợ, bạn tình của người nhiễm HIV hoặc nguy cơ cao.
Công tác điều trị methadone được triển khai mạnh mẽ. Đến nay đã có 57 tỉnh, 239 cơ sở điều trị Methadone, 43.720 người được điều trị methadone; thuốc methadone đã được cấp phát đến tuyến xã, phường. Có hơn 1.000 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV, 100 phòng xét nghiệm khẳng định tại 61/63 tỉnh/TP (trừ Đắk Nông và Bắc Kạn), 86 phòng xét nghiệm CD4 tại 51 tỉnh/TP, 6 cơ sở xét nghiệm tải lượng Virus, Công tác xét nghiệm HIV đến tận xã/phường, thôn/bản.
Điều trị ARV được triển khai ở tất cả 63 tỉnh, thành, với 325 cơ sở điều trị, 562 trạm y tế triển khai cấp phát thuốc ARV, triển khai điều trị trong trại giam, cho đến tháng 11/2015 đã điều trị cho hơn 105.000 bệnh nhân. Công tác giám sát dịch, theo dõi và đánh giá vẫn duy trì và phát triển trong năm 2015.
Tuy nhiên, Cục trưởng khẳng định, HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Số tích lũy HIV dương tính tiếp tục tăng cao với trên 200.000 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Ngành y tế tiếp tục phải đối mặt với khó khăn do nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm mạnh, trong khi nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính. Đồng thời, thời gian vừa qua, các tổ chức quốc tế cắt giảm hoặc không chi trả lương và trợ cấp cho người thực hiện cung cấp các dịch vụ, dẫn đến thiếu hụt nhân lực, trong khi nhân lực thay thế chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ...
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị
Để đối phó với những thách thức lớn trong công tác phòng chống HIV/AIDS, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị trong năm 2016 Cục Phòng, chống HIV/AIDS tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS, đảm bảo mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm bệnh trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, hướng đến mục tiêu 90 – 90 – 90 của Liên Hợp Quốc vào năm 2020; Tăng cường sự tham gia của ban, ngành, đoàn thể, toàn xã hội đối với phòng chống HIV/AIDS; Đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn; Củng cố, mở rộng mạng lưới y tế các tuyến theo hướng lồng ghép và phân cấp, đổi mới tài chính dựa vào nguồn trong nước, đảm bảo cung ứng thuốc, sinh phẩm cho phòng chống HIV/AIDS.
Hà Linh