Mỹ - Mexico bắt tay ngăn chặn loại ma túy chết người fentanyl
Đại sứ Mỹ tại Mexico Roberta Jacobson (áo trắng) tại hội nghị. (Ảnh: Reuters)
Hồi tháng 3, một cơ quan của Liên Hợp Quốc đã bổ sung 2 loại hóa chất - dùng để điều chế fentanyl - vào danh mục các chất bị kiểm soát trên toàn thế giới. Theo giới chức Mỹ, động thái này sẽ giúp giảm bớt tình trạng tử vong do sử dụng fentanyl quá liều.
Phát biểu tại Thủ đô Mexico City (Mexico) ngày 16/5, Đại sứ Mỹ tại Mexico Roberta Jacobson cho hay: nhà chức trách đang hoàn thiện việc sửa đổi luật để bổ sung 2 tiền chất nói trên vào danh mục chất bị kiểm soát ở Mexico và Washington đánh giá cao việc này.
Theo bà Jacobson, tính riêng năm 2015, hơn 33.000 người chết ở Mỹ sau các vụ sử dụng quá liều thuốc giảm đau nhóm opioid, bao gồm cả heroin hay fentanyl. Số ca tử vong đã tăng thêm 72% so với năm 2014. Trong số các nạn nhân của năm ngoái, có siêu sao ca nhạc Prince Rogers Nelson.
"Xu hướng hiện nay cho thấy những con số trên sẽ tiếp tục tăng vào năm 2016 và 2017, nhấn mạnh rằng việc ngăn chặn buôn bán thuốc giảm đau nhóm opioid và các chất gây nghiện khác là ưu tiên số 1 đối với chính phủ Mỹ" - bà Jacobson nhấn mạnh tại hội nghị chung của 2 nước về fentanyl.
Furanyl fentanyl được sản xuất ở dạng bột
Cũng tại hội nghị, cơ quan thực thi pháp luật Mỹ và Mexico sẽ chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn hiệu quả nhất giúp phát hiện, nhận dạng, phân tích và quản lý fentanyl cùng với các nhà khoa học pháp y Mexico.
Ngoài ra, các nhà khoa học của 2 nước còn đang được đào tạo về quy trình xử lý và lưu trữ fentanyl, bởi vì chỉ cần ăn phải hoặc hấp thụ một lượng nhỏ chất này qua da cũng có thể dẫn tới tử vong.
Ông Alberto Elias Beltran, Phó Tổng chưởng lý Mexico chịu trách nhiệm về các vấn đề quốc tế, cho biết: để giải quyết vấn nạn fentanyl, đòi hỏi phải có kiến thức đầy đủ hơn về thói quen sử dụng, phương thức che giấu, sản xuất và phân phối.
Trong khi đó, người đứng đầu bộ phận chống ma túy của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông William Brownfield, nói rằng hơn 90% lượng heroin và phần lớn fentanyl - đang tiêu thụ ở Mỹ - đều tới từ Mexico. Tuy vậy, theo ông này, hầu hết lượng fentanyl nói trên đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Hồng Anh