Mỹ chính thức thông báo rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris hồi tháng 6/2017
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng nước này sẽ tiếp tục tham gia các cuộc họp về biến đổi khí hậu của LHQ trong thời gian chờ hoàn toàn rút khỏi thỏa thuận. "Mỹ ủng hộ cách tiếp cận bình đẳng với chính sách khí hậu mà theo đó giảm khí thải song song với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng" - thông cáo nêu rõ.
Cũng trong thông cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: Washington sẵn sàng tham gia Thỏa thuận khí hậu Paris trở lại nếu có thể xác định được các điều khoản có lợi hơn cho nước này cũng như doanh nghiệp, người lao động, người dân và người nộp thuế ở Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris hồi tháng 6, nói rằng thỏa thuận sẽ làm tổn hại tới việc làm của người dân Mỹ, gây cản trở cho các ngành dầu khí, than đá và sản xuất của nước này. Tuy vậy, khi đó, ông Trump cũng khẳng định sẽ xem xét tham gia nếu có điều chỉnh.
Trong chuyến thăm Thủ đô Paris (Pháp) hồi tháng trước, tại cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Trump cũng đã thảo luận với ông Macron về thỏa thuận. "Nếu xảy ra điều gì liên quan tới Thỏa thuận Paris, chúng ta hãy cùng chờ xem" - nhà lãnh đạo Mỹ trả lời báo giới sau cuộc gặp.
Đại diện LHQ và các nước tại lễ ký kết Thỏa thuận khí hậu Paris
Nhiều nghị sĩ Mỹ ủng hộ quyết định rút khỏi thỏa thuận của ông Trump. Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell đánh giá đây là "một cú đánh mạnh mẽ khác trong cuộc tấn công nhằm vào chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama về chính sách sản xuất và việc làm trong nước".
Tuy nhiên, một số lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ đã kêu gọi đẩy mạnh các nỗ lực quốc tế để chống lại biến đổi khí hậu, nắm lấy cơ hội để thúc đẩy ngành năng lượng sạch còn đang mới mẻ.
Dưới thời cựu Tổng thống Obama, Mỹ đã cam kết là một phần của Thỏa thuận khí hậu Paris. Theo đó, vào năm 2025, nước này sẽ cắt giảm lượng khí thải nhà kính 28% so với năm 2005 để làm chậm lại sự nóng lên toàn cầu.
Thỏa thuận khí hậu Paris được gần 200 quốc gia ký kết vào cuối năm 2015. Ngày sớm nhất để Mỹ có thể hoàn toàn rút khỏi thỏa thuận là 4/11/2020, gần với cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ tới.
Hồng Anh