Múa trị liệu với trẻ tự kỷ
Người tự kỷ thường được mô tả là người sống đơn độc trong thế giới riêng của mình vì họ thường tránh những giao tiếp xã hội. Việc phân định tự kỷ là dạng bệnh hay đơn giản chỉ là cách sống khác vẫn còn là câu hỏi lớn. Theo Hiệp hội chuẩn đoán tâm lý học về rối loạn tâm thần của Mỹ, người tự kỷ có hai dấu hiệu chính nhận biết cơ bản. Đó là sự hạn chế trong khả năng giao tiếp xã hội và khả năng biểu đạt ước muốn, sở thích, hành vi, ngôn ngữ lời nói, trí tuệ cảm xúc, vân động cơ thể…
Buổi hội thảo mang tính trải nghiệm “Múa/chuyển động trị liệu với người tự kỷ” nhằm mục đích giới thiệu tính khả thi của việc thực hành kiến thức Hệ thống chuyển động Kestenberg (KMP) trong quá trình thực tập trị liệu múa/chuyển động với trẻ tự kỷ tại tổ chức Heartsong, White Plain, New York, Mỹ.
Trong buổi trải nghiệm, người tham gia sẽ có cơ hội hiểu thêm kiến thức về tự kỷ qua nhà nghiên cứu và phụ huynh người tự kỷ; nghe chia sẻ nghiên cứu thực hành từ chuyên gia cũng như trải nghiệm buổi thực hành múa trị liệu cùng người tự kỷ.
Múa/chuyển động trị liệu để kết nối, phát triển toàn diện về thể chất, cảm xúc, suy nghĩ và tâm linh cho con người
Chuyên gia điều phối của hội thảo là nghệ sĩ Bùi Tuyết Minh. Chị tốt nghiệp chuyên ngành Múa/Chuyển động trị liệu tại Đại học Sarah Lawrence, New York (Học bổng Fulbright của Chính phủ Hoa Kỳ). Bùi Tuyết Minh là thành viên chính thức của Hiệp hội Múa trị liệu Mỹ (ADTA). Chị là người tiên phong trong việc ứng dụng múa/chuyển động trị liệu trong giáo dục tại Việt Nam.
Là chuyên gia sử dụng nghệ thuật trong phát triển, chị Minh đến với múa/chuyển động trị liệu để kết nối, phát triển toàn diện về thể chất, cảm xúc, suy nghĩ và tâm linh cho bản thân cũng như mọi đối tượng chị hướng tới. Đặc biệt, Tuyết Minh chú trọng đến đối tượng dễ bị tổn tương như: trẻ em và phụ nữ bị bạo hành, người khuyết tật, trẻ tự kỷ, thanh thiếu niên trong trại giáo dưỡng, người cao tuổi…
Mạnh Phúc