Mua bán hoá đơn: Giải pháp nào để triệt tiêu triệt để?
Bản tin đơn giản là cơ quan công an khởi tố bắt tạm giam một số cá nhân liên quan đến vụ việc mua bán hoá đơn nhằm trục lợi ngân sách nhà nước. Bình thường thì những tin tức như vậy cứ lướt qua, nhưng lần này sở dĩ nó đọng lại trong tâm trí Thuận vì trong số này có 1 người quen của cô. Là giám đốc một công ty ma, được lập ra chuyên để bán hoá đơn, người quen của Thuận bị tạm giam để lại hai đứa nhỏ cho ông bà nuôi vì bố mẹ đã ly hôn.
Biết cả 2 đứa trẻ nên Thuận có phần sốc vì biết hoàn cảnh của ông bà ngoại tụi nhỏ rất khó khăn, từ đấy cô đâm ra ám ảnh và bắt đầu biết sợ pháp luật, rồi động cơ kiếm tiền dễ dàng bằng thủ đoạn chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT không còn vẩn vơ trong đầu óc Thuận nữa.
Tôi không rõ sau này Thuận vượt qua khó khăn bằng cách nào, thế nhưng, câu chuyện của một người thay đổi hành vi trong quá trình nhận thức pháp luật, không để áp lực của hoàn cảnh thúc đẩy mình phạm pháp thực sự đã gợi mở rất nhiều điều.
Cơ quan công an thu thập tài liệu trong 1 vụ án mua bán hoá đơn. |
Theo đánh giá của cơ quan bảo vệ pháp luật, động cơ chính của các vụ mua bán hoá đơn đều xuất phát từ sự chủ động mưu toan kiếm lời bất chính, và dù liên tục được cảnh báo về hậu quả phải gánh chịu nhưng tần suất xuất hiện những vụ việc như vậy vẫn không hề thuyên giảm.
Vừa rồi, vào tháng 5/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03) đã khởi tố vụ án và 8 bị can trong vụ án mua bán hoá đơn gây thiệt hại cho nhà nước khoảng 400 tỷ đồng tại công ty Thành An Hà Nội. Hay như mới đây cơ quan cảnh sát điều tra TP.HCM đã hoàn tất điều tra, đề nghị truy tố bà Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang cùng hơn 20 bị can khác liên quan đến đường dây mua bán hoá đơn giá trị gia tăng với tổng giá trị lên đến 4.300 tỷ đồng.
Những con số thế này có thể gây ngạc nhiên, gây tò mò, nhưng có gây lo sợ, và đủ sức răn đe chưa thì không ai dám chắc. Không chỉ ở các thành phố lớn, căn bệnh này giờ di căn đến tận những nơi hang cùng ngõ hẻm. Ví dụ mới đây, công an huyện Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án mua bán hoá đơn trục lợi 1,3 tỷ đồng. Nhưng con số này nếu so sánh với vụ án ở Phú Thọ thì đúng chỉ là “trẻ sơ sinh”. Tháng 11 năm ngoái, công an tỉnh Phú Thọ triệt phá đường dây mua bán hoá đơn điện tử với doanh số trên 25.000 tỷ đồng, gây thiệt hại 2.500 tỷ đồng. Riêng 2 đối tượng cầm đầu đã thu lợi 252 tỷ đồng.
Thấy việc kiếm tiền dễ dàng nên giờ đây thủ đoạn ngày 1 tinh vi, thái độ ngày càng liều lĩnh, bất chấp hậu quả. Mặc dù Tổng cục Thuế đã tiên liệu trước các thủ đoạn, cách thức, phương pháp…hưởng lợi bất chính thông qua gian lận thuế để xây dựng rào cản ngăn ngừa, nhưng dẫu vậy thì tất cả vẫn không thể chặn hết các nẻo đường mua bán hoá đơn.
Được đánh giá là sự thay đổi mang tính bước ngoặt, từ 1/7/2022, việc áp dụng hoá đơn điện tử trên toàn quốc đã đưa lại nhiều kỳ vọng trên mọi bình diện, từ tiết kiệm chi phí cho đến nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và quản lý nhà nước. Những lợi ích này chắc chắn tác động tích cực đến kinh tế - xã hội nói chung. Tuy nhiên, để trục lợi thì những đối tượng này cũng không kém phần chủ động khi nhanh nhạy thích ứng với hoá đơn điện tử. Thực tế đây là những nhức nhối không dễ gì giải toả.
Vậy đâu là những giải pháp có thể trông đợi được? Những việc có thể làm được thì ngành thuế cũng làm rồi, từ việc ứng dụng công năng của hệ thống hoá đơn điện tử để rà soát các yếu tố bất thường cho đến tăng cường công tác quản lý địa bàn, công khai kịp thời danh sách doanh nghiệp có yếu tố rủi ro…cùng với đó cơ quan công an cũng tích cực triệt phá các vụ án mua bán hoá đơn, và cơ quan tố tụng cũng đưa ra những bản án rất nghiêm khắc với các đối tượng phạm pháp. Nhưng (cuối cùng vẫn lại nhưng), dù làm gắt đến như vậy thì sao tình hình vẫn phức tạp? Vậy lý do nằm ở đâu, do chính sách còn kẽ hở, do công tác quản lý chưa theo kịp yêu cầu thực tế, do hình phạt chưa đủ sức răn đe khiến tội phạm chùn tay, hay do nhận thức của một nhóm nhỏ công dân còn coi nhẹ (hoặc là bất chấp) những hậu quả của việc làm này dù đã được tuyên truyền rộng rãi?
Nói chung, tất cả những nguyên do này có lẽ được người trong ngành thuế hiểu hơn ai hết. Nhưng hiểu là một chuyện, còn đi từ nhận diện vấn đề đến thiết kế giải pháp xử lý luôn là 1 quãng đường xa, và đôi khi không đi được đến đích!
Thực tế cuộc sống rất giản đơn, cứ có cầu là ắt có cung, dù là phạm pháp. Không thể và cũng không nên hy vọng vào một thực tại tuyệt đối lý tưởng, còn làm thế nào để có một môi trường được gần lý tưởng thì chắc phải vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm.
Lần gần đây nhất tôi gặp Thuận là khi cô vừa khai trương cửa hàng bán hoa lụa ở quận Đống Đa, Hà Nội. Nhìn sắc diện, thái độ và sự tự tin thì chắc hẳn người phụ nữ này đã tìm ra cách xử lý những trở ngại. Hy vọng chuyện kinh doanh của cô tới đây sẽ phát đạt và suôn sẻ!
*Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.