Một triệu người Nam Sudan phải tới Uganda tị nạn vì nội chiến
Người dân Nam Sudan lên đường sang tị nạn ở Uganda
Xung đột tại Nam Sudan đã tạo nên cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất ở châu Phi kể từ khi xuất hiện nạn diệt chủng ở Rwanda năm 1994. Cho đến nay, các cơ quan nhân đạo LHQ đã nhận được một phần số tiền mà họ cần dể cung cấp thực phẩm và chỗ trú ẩn cho người tị nạn.
Tuy nhiên, nhiều người tị nạn vẫn tiếp tục di chuyển qua những cây cầu gỗ gần thành phố Busia ở biên giới phía Đông Uganda - hãng tin Reuters cho hay. Phụ nữ và trẻ em chiếm tới hơn 85% số người tị nạn từ Nam Sudan chạy qua Uganda.
"Hai tuần trước chú chồng tôi đã bị giết chết. Kể từ đó, chúng tôi phải trốn trong rừng. Chúng tôi chẳng có gì cả" - chị Stella Taji kể lại khi đang lê bước qua một cây cầu, tay nắm chặt một đứa trẻ mới chỉ chập chững biết đi.
Năm 2011, Nam Sudan với nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú đã trở thành quốc gia trẻ nhất thế giới sau khi tách khỏi Sudan và tuyên bố độc lập. Tuy vậy, tâm trạng phấn khởi của người dân nhanh chóng biến mất trong bối cảnh tham nhũng trầm trọng và xung đột sắc tộc bùng phát.
Hiện số người tị nạn tại Uganda đã lên tới con số 1 triệu người
Quân đội trung thành với Tổng thống Salva Kiir (dân tộc Dinka) và các lực lượng dưới quyền cựu Phó Tổng thống Riek Machar (dân tộc Nuer) đã bắt đầu giao tranh từ cuối năm 2013. Hàng chục nghìn người đã bị giết chết, cùng với đó là gần 1/3 dân số 12 triệu người Nam Sudan phải rời bỏ nhà cửa.
Hồi năm ngoái, thỏa thuận hòa bình mong manh giữa 2 phe sụp đổ chỉ sau vài tháng bắt đầu có hiệu lực. Tiếp đó, nạn đói trong năm nay đã đẩy người tị nạn Nam Sudan chạy sang nước láng giềng Uganda để tìm kiếm sự bình yên.
Không rõ có bao nhiêu người dân đã thiệt mạng, nhưng báo cáo trong tháng 8 của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Nam Sudan - trụ sở tại Nam Phi - nói rằng có 987 thường dân bị giết chết trong những vụ bạo lực ở nước này từ tháng 5 tới tháng 7/2017.
Các nhân viên LHQ kể rằng nhiều gia đình bị khóa trái cửa trong nhà rồi bị thiêu sống, những vụ cưỡng hiếp diễn ra như cơm bữa và các bé trai rất hay bị bắt cóc để huấn luyện thành những chiến binh. Nhiều tay súng, bao gồm cả phiến quân, còn cướp bóc những người đang cố trốn chạy ra nước ngoài.
Người tị nạn Nam Sudan được cung cấp thực phẩm tại những trại tạm trú
Đến với nước láng giềng Uganda, người tị nạn Nam Sudan có thể tự do đi lại, được hỗ trợ nơi ở mới, tiêm chủng và lương thực, thực phẩm. Theo Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC), phản ứng của chính phủ Uganda trước làn sóng người tị nạn Nam Sudan là "tích cực, tiến bộ và đáng hoan nghênh".
Dù vậy, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho rằng Uganda đang phải vật lộn để cung cấp thức ăn và chỗ ở cho người tị nạn. Người phát ngôn UNHCR nói rằng quốc gia này không được tài trợ đầy đủ, trong khi LHQ cũng mới chỉ nhận được khoảng 21% trong số 674 triệu USD cần thiết của năm 2017.
Tại trại tị nạn Amugo, những người mới đến phải ngủ tạm dưới những tấm bạt rời màu trắng vì không đủ công cụ, vật liệu dựng nơi trú ẩn. Các nhà vệ sinh cũng chưa được hoàn tất, buộc người tị nạn phải sử dụng khu rừng gần đó làm chỗ giải quyết nhu cầu cá nhân.
Hồi tháng 5, một cuộc khủng hoảng tiền mặt đã khiến LHQ phải cắt giảm lượng thực phẩm viện trợ xuống còn 6kg/người. Trong khi đó, tương lai của Nam Sudan vẫn còn là dấu hỏi. "Đã 2 năm kể từ tiến trình chính trị cuối cùng. Vẫn chẳng có gì mới mẻ" - chuyên gia Alan Boswell nhận định.
Hồng Anh