Một bằng dược sĩ "mở" được nhiều nhà thuốc: Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì?
Dược sĩ vô tư cho thuê bằng cấp ở nhiều nơi
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ đã ban hành Luật Dược, các nghị định, thông tư về việc mở, kinh doanh thuốc. Theo đó, những cửa hàng, quầy thuốc khi được cấp phép phải đáp ứng được các điều kiện đưa ra, phải có giấy phép hoạt động.
Mỗi người có bằng cấp về dược sĩ chỉ được sử dụng một nơi và phải chịu trách nhiệm ở nơi bán thuốc đó.
“Trong thực tiễn có tình trạng nhiều dược sĩ cho thuê bằng để mở nhà thuốc, cá nhân dược sĩ không có mặt, không đứng ở nhà thuốc đó. Thậm chí, có dược sĩ cho thuê bằng để mở nhà thuốc ở nhiều nơi khác nhau trong một tỉnh", Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận thực trạng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn.
Trước bất cập trên, chúng ta đã đưa ra các giải pháp xử lý như: Nghị định 176 xử phạt hành chính, thậm chí tước giấy phép hoạt động.
Ngoài ra, các địa phương cũng có những hoạt động thanh tra đột xuất. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đoàn thanh tra liên ngành và xử phạt khá nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay thì ngành Y tế vẫn thực hiện hậu kiểm nhiều hơn.
Quyết liệt thực hiện bán thuốc theo đơn
Về vấn đề bán thuốc (đặc biệt là thuốc kháng sinh) không theo đơn, Bộ Y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt cũng như ra đề án bán thuốc phải theo kê đơn bằng hình thức nối mạng Internet, liên thông thống nhất giữa các cơ sở bán thuốc với cơ quan quản lý và khách hàng, nhằm công khai minh bạch nguồn gốc thuốc, giá thuốc. Việc làm này đã được triển khai thí điểm tại 4 tỉnh và hiện đang được nhân lên thành 16 tỉnh, sắp tới sẽ nhân rộng ra toàn quốc.
“Bộ Y tế đang quyết liệt thực hiện bán thuốc theo đơn và kèm theo những thông tư quy định về kê đơn. Việc kiểm soát điều này sẽ được thực hiện bằng hệ thống công nghệ thông tin”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Theo Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế có hiệu lực đối với từng trường hợp cụ thể như sau: Hành vi giả mạo, thuê, mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác thuê, mượn chứng chỉ hành nghề: Mức phạt từ 5 – 10 triệu đồng đối với nhà thuốc tư nhânvà từ10 – 20 triệu đồng đối với cơ sở bán buôn. Hình phạt bổ sung: tước chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 6 tháng đến 12 tháng. Nhà thuốc vắng mặt các Dược sĩ đứng tên nhưng không thực hiện việc ủy quyền hoặc cử người thay thế theo đúng quy định của pháp luật: Mức phạt sẽ từ 5 – 8 triệu đồng. Ngoài ra còn bị phạt bổ sung: tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 3 tháng Theo Sở Y tế Hà Nội, đối với một nhà thuốc (cơ sở bán lẻ), hay cơ sở bán buôn nếu trong 3 lần kiểm tra liên tiếp mà dược sĩ đều vắng mặt, thì sẽ rút giấy phép hành nghề của cơ sở đó. |
V.H (t/h)