Monsanto phải đền bù 289 triệu USD vì sản xuất thuốc diệt cỏ gây ung thư
Cụ thể, Tòa San Francisco yêu cầu công ty hóa chất Mỹ bồi thường cho nguyên đơn Dewayne Johnson, 46 tuổi, chuyên viên vệ sinh tại một ngôi trường tại California, tổng số tiền 289 triệu USD.
Monsanto cũng là công ty liên quan tới sản xuất chất độc da cam được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gây ảnh hưởng tới hàng triệu người Việt. Các nạn nhân Việt Nam từng kiện công ty này ra tòa án Mỹ hồi những năm 2005-2009 nhưng không thành công.
Dewayne Johnson được chuẩn đoán chỉ sống thềm được 2 năm. Ảnh: Reuters.
Nạn nhân đã khởi kiện vào năm 2016. Trước khi được phát hiện ung thư hạch bạch huyết, ông Johnson từng xử dụng 2 loại thuốc diệt cỏ của Monsanto là Roundup và Ranger Pro trung bình 30 lần/năm. Vụ kiện được đẩy nhanh tiến độ xét xử vì bệnh tình của ông ngày một nghiêm trọng. Các bác sĩ chuẩn đoán ông không thể sống qua năm 2020.
Đây là vụ kiện đầu tiên có liên quan đến cáo buộc thuốc diệt cỏ mang hợp chất glyposate gây ung thư được tòa án Mỹ đưa ra xét xử. Monsanto còn hơn 5.000 vụ kiện tương tự phải xử lý.
Trước phán quyết ngày 10/8, công ty hóa chất vừa gia nhập "đại gia đình" Bayern AG của Đức cho rằng hợp chất glyphosate là chất diệt cỏ được sử dụng phổ biến nhất thế giới và đã được chứng minh về mức độ an toàn.
"Phán quyết ngày hôm nay không thể thay đổi sự thật là có hơn 800 nghiên cứu và bình luận khoa học chứng minh glyphosate không gây ung thư. Căn bệnh của ông Johnson không do hợp chất này gây ra", thông cáo của Monsanto cho biết.
Nhãn hàng thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, theo luật sự bên nguyên Brent Wisner, bồi thẩm đoàn đã được cung cấp các văn bản nội bộ của Monsanto cho thấy công ty này "trong nhiều thập niên đã biết rõ glyphosate, đặc biệt là thuốc trừ sâu Roundup, có thể gây ung thư". Ông kêu gọi công ty hóa chất Mỹ cần đặt quyền lợi của người tiêu dung lên hàng đầu.
Vào năm 2017, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ kết luận hợp chất diệt cỏ nói trên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trong khi đó, cơ quan chống ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2015 lại xếp glyphosate vào nhóm các chất hóa học "có khả năng dẫn đến ung thư".
Monsanto vi phạm nhân quyền, phá hoại môi trường Việt Nam
Trong quá khứ, ngày 18/4/2017, Tòa án Quốc tế về Monsanto đã công bố kiến nghị tham vấn về các cáo buộc tập đoàn Monsanto (trụ sở tại St. Louis, Missouri, Mỹ) vi phạm nhân quyền và hủy hoại sinh thái.
Trong số 6 điều khoản xem xét, Tòa án Tham vấn tại The Hague (Hà Lan) kết luận các hoạt động của Monsanto đã ảnh hưởng tiêu cực đến quyền của con người trong 4 lĩnh vực: quyền được có môi trường khỏe mạnh, quyền tiếp cận với thực phẩm, quyền sống khỏe mạnh và quyền tự do trong nghiên cứu khoa học.
Cụ thể, Tòa cho rằng Monsanto làm ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm của các cá nhân và cộng đồng, hủy hoại nguồn đất, nước và môi trường nói chung, từ đó làm sụt giảm khả năng sản xuất thực phẩm của các cộng đồng.
"Việt Nam hoan nghênh phán quyết của tòa án quốc tế về Monsanto ngày 18/4 kết luận Monsanto đã hủy hoại môi trường Việt Nam", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết tại cuộc họp thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngay sau đó.
Bà Hằng đánh giá đây là một thực tế khách quan về hậu quả chiến tranh vô cùng nặng nề ở Việt Nam, nhất là do tác động từ chất độc da cam của Mỹ, dù chiến tranh đã đi qua 40 năm. Người phát ngôn cho biết Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Quốc hội và chính phủ Mỹ gần đây khi có những bước đi hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, đồng thời đề nghị "Monsanto tôn trọng kiến nghị tham vấn của tòa án và sớm có hành động thiết thực góp phần giải quyết những hậu quả do chất độc da cam dioxin để lại".
"Các công ty của Mỹ cũng như Monsanto cũng cần có trách nhiệm trong việc góp phần khắc phục hậu quả với các nạn nhân chất độc màu da cam của Việt Nam", bà Hằng nói trong cuộc họp báo.
N.H