Mô hình hỗ trợ sinh kế giúp Tuần Giáo giảm nghèo bền vững
Ông Vũ Văn Đức – Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Là huyện thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, do vậy Tuần Giáo xác định để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả phải bắt đầu từ nông nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp phải tập trung thay đổi tập quán canh tác, cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây con có giá trị kinh tế vào sản xuất. Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính Phủ là cơ hội huyện Tuần Giáo thực hiện thay đổi trong sản xuất nông nghiệp.
Ngoài hợp về hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất các chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo còn có hợp phần hỗ trợ phát triển sinh kế. Theo đó, sẽ tiến hành hỗ trợ một lần cho các hộ dân về giống cây trồng, vật nuôi, phần bón, hướng dẫn kỹ thuật mới trong canh tác.v.v. Từ hợp phần hỗ trợ phát triển sinh kế huyện Tuần Giáo đã ưu tiên và chú trọng lựa chọn những con, cây giống chất lượng và có giá trị kinh tế để hỗ trợ cho người dân. Đối với những cây trồng mang tính chất địa phương mà có giá trị kinh tế cao như: Cây sa nhân, cây Táo mèo huyện tiến hanh quy hoạch thành vùng sản xuất và tìm nguồn đầu ra cho sản phẩm mang tính ổn định và lâu dài. Bên cạnh, việc hỗ trợ cây, con giống huyện tiến hành tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức trồng trọt và chăn nuôi cho người dân, dần dần áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất.
“Riêng trong năm 2018, huyện Tuần Giáo đã thực hiện 18 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn tại 18 xã với 410 hộ thuộc 25 thôn, bản được thụ hưởng chính sách. Trong đó, có 410 hộ được hỗ trợ 256 con giống gia súc với tổng kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng. Cùng với đó huyện đã hỗ trợ thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi…; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện ban đầu để phát triển, tăng đàn, tăng thu nhập”. Ông Vũ Văn Đức nói.
Nhiều hộ gia đình ở Tuần Giáo đã thoát nghèo từ việc hỗ trợ hợp phần phát triển sinh kế |
Để kiểm soát chặt chẽ quy trình thực hiện hỗ trợ, huyện Tuần Giáo đã cử cán bộ trực tiếp xuống họp với dân, bình xét đảm bảo đúng đối tượng hỗ trợ và phát huy hiệu quả sau hỗ trợ. Hầu hết người dân sau khi được hỗ trợ sản xuất đã chú trọng làm ăn, phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thông qua, việc hỗ trợ đã là thay đổi tập quán canh tác, người dân đã biết áp dụng các biện pháp khoa học vào sản xuất nông nghiệp; nhiều giống cây con mới có giá trị được đưa vào trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cũng thông qua hợp phần hỗ trợ sinh kế Tuần Giáo ngày cang xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình theo hướng trang trại vừa và nhỏ, hàng năm cho thu hoạch từ 50 đến 100 triệu đồng.
Mặc dù vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, song công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, mỗi năm tỉ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 3 đến 5%. Năm 2020 huyện Tuần Giáo phẩn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn xuống còn 41%.
Diện mạo nông thôn huyện Tuần Giáo đang thay đổi từng ngày |
Bà Phạm Thị Tuyên – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thực hiện chương trình giảm nghèo chúng tôi sẽ tiếp tục bám vào các quy định của Thủ Tướng Chính Phủ xây dựng các tiểu dự án; hiện nay trên lĩnh vực nông nghiệp cơ bản chúng tôi chuyển dịch cây trồng vật nuôi; đưa dần cây ngô, cây lúa ra khỏi diện tích lớn để thay vào đó các loại cây trồng có giá trị cao như sa nhân, thảo quả, cây mía, cây dứa.
Ngoài việc phát triển các loại cây là thế mạnh của địa phương, năm 2019 huyện Tuần Giáo đang triển khai hỗ trợ người dân trồng 22ha cây chanh leo. Bên cạnh đó huyện đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc cử cán bộ xuống hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc, thu hoạch; đồng thời cam kết thu mua 100% sản phẩm hàng hóa.
Cây chanh leo đang hứa hẹn cơ hội thoát nghèo cho người dân huyện Tuần Giáo |
“Hiện cây chanh leo đang phát triển khá tốt. Theo dự tính 1ha cây chanh leo cho năng suất khoảng 20 - 25 tấn. Với giá bán chanh leo đầu mùa loại 1 có thời điểm cao nhất được 40 nghìn đồng/kg, sau đó xuống 30 nghìn đồng/kg và hiện nay là 20 nghìn đồng/kg; quả loại 2, 3 là 12 nghìn đồng/kg. Cùng với cam kết thu mua 100% sản phẩm hàng hóa của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc thì trồng cây chanh leo sẽ là cơ hội để huyện Tuần Giáo đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo”. Bà Phạm Thị Tuyên nói.