Mít non mà thiếu cá chuồn
Gỏi mít non. Ảnh TL
Mới đây được người bạn cho trái mít tố nữ non còn tươi xanh, chưa bị luộc như mít non bán ngoài chợ. Đúng là dịp để ăn mít non như ý.
Hôm tôi đến ngôi nhà của người bạn tên Lan Hương, một nhà buôn tranh người Mỹ gốc Việt, thấy cây mít trước nhà cô đặc gật trái từ cao xuống thấp. Cô nói: chắc được hai chục trái. Tôi mới nhắn: hôm nào, có trái nào vừa tới độ non hái nấu ăn được thì hú một tiếng đặng tìm tới. Không ngờ, sau đó vài hôm cô gặp quả mít non ngon lành ngoài chợ đã mua cho.
Mít non các quán Sài Gòn quá tệ
Nhiều lần vào tiệm, nhất là tiệm bán món Huế, đọc thực đơn thấy có món mít bóp gỏi, là tôi gọi. Nhưng không lần nào cảm thấy ngon như cái thèm khi nhìn thấy món ăn ghi nơi thực đơn. Hầu hết đều là mít luộc bấy bá. Có dĩa mít ít mà ba cái thứ bổi khác thiệt là nhiều.
Thường, để chuẩn bị món mít non luộc, người ta chọn trái mít non gai chưa nở. Sau đó đem mít chặt ra từng miếng nhỏ ngâm nước lạnh cho sạch bớt mủ. Rồi cho vào luộc cho chín vừa tới – luộc mít miếng lớn là để giữ lại độ ngọt và thơm của mít. Vớt ra để nguội, sau đó vạt gai, cắt bỏ cùi, xắt miếng dày độ một phân. Chỉ như vậy với một chén mắm nêm nhà làm, là đã thấy thấp thoáng bóng thiên đường của một thời. Cái ngon đơn sơ của miếng mít luộc còn âm ấm chấm ngập mắm nêm đâm nhiều ớt. Bùi, thơm, mặn, cay, ngọt.
Hôm sau nữa, hỏi bà bán cá ở chợ Bàn Cờ, thì cá chuồn tết hay sau tết mới có. Thôi đành vậy.
Ở quê, nhiều cây mít ra trái quanh năm. Nên lúc nào cũng có mít để ăn chín, ăn sống, ăn hột. Xơ có khi đem kho cá. Trả cá xơ mít thơm hấp dẫn ngày xưa tới giờ còn đú đởn trong tim óc.
Nhưng thời tuổi nhỏ, trái mít non ngon nhất bao giờ cũng là trái mít bẻ trộm ở nhà bà Bốn Bê, sát bên sông Cái. Mít bẻ trộm chỉ được ăn với muối ớt thôi. Vì quy trình ăn ấy phải diễn ra kín đáo, và muối và ớt thì dễ kiếm, không bốc mùi.
Ảnh TL
Mít non kho tương
Hôm đó, nhận mít từ sáng, phải tới chiều mới mang về nhà rửa lại, cắt ra, ướp vội với xì dầu Nhật. Sau đó xào sơ, rồi kho. Thời gian nấu quá ngắn nên mít chưa thấm. Nhưng ăn miếng mít chưa bị nhão thấy đã ngon cách gì. Bỏ lại sau lưng những lần ăn mít hàng quán bấy bá do luộc quá lửa. Hoặc mua ở chợ, người bán luộc quá hớp mất rồi.
Hôm sau, đọc sách Christine Hà, thấy cô hay cho kem hoặc sữa vào món ăn tạo béo. Tính bắt chước. Nhưng mấy bà lại cằn nhằn: kiểu Mỹ đó không ngon đâu. Kỳ lắm. Và một hai thay thế bằng nước cốt dừa. Miếng mít kho béo và thơm hơn, nhưng màu sắc không đẹp như kho tương. Sẵn còn mấy miếng chả cá Vạn Giã cho vào. Ngon cả hai. Mít ngon. Chả ngon. Hẹn lần sau tinh chỉnh màu sắc.
Mít BBQ ăn với bánh mì kẹp
Giới “thọ trai” cả Tây lẫn ta thường lấy mít non để thay thế thịt. Mít được cái hơn thịt ở chỗ nó sẽ hút hết tất cả những vị gì ta cho vào trộn chung với nó. Người ta chỉ việc chẻ mít ra sau khi rửa sạch mủ. Vắt cho hơi ráo, rồi trộn với gia vị BBQ. Bỏ vô chảo xào lên. Cho thêm xốt BBQ. Xào nhỏ lửa cho thấm đều gia vị. Để phong phú hơn người ta còn dùng trái bơ xắt mỏng làm rau trộn với món “thịt heo xé phay” này. Và việc gì không thêm một mớ hạt điều, để tạo độ béo bùi thêm. Kẹp thứ mít BBQ này với bánh mì là món ăn được Tây không tiếc lời ca ngợi.
Mít BBQ ăn với bánh mì kẹp. Ảnh: TL
Các nước Nam Á và Đông Nam Á đều đưa mít vào thực đơn của mình. Món hay làm với mít non là món càri, hầu như xứ nào cũng có. Khác chăng là gia vị kèm theo. Dọc theo lịch sử, trái cây thân thuộc này cũng đi vào đời sống ngôn ngữ, như dùng từ mít ướt để chỉ kẻ hay khóc. Dùng từ mít đặc để chỉ kẻ dốt nát. Chẳng hiểu cơn cớ gì mít đặc là dốt nát. Nhưng chẳng thấy ai nói mít rỗng là hiểu biết.
Thế nhưng thứ món ngon này lại bị từ chối ở nơi cội nguồn của chính nó. Đúng như lời Kinh thánh nghiệm: “Không tiên tri nào được trọng vọng ở quê nhà”. Dân Ấn Độ – nhất là giới trung lưu – không bao giờ ăn mít. Vì họ cho đó là thứ lương thực của bọn cùng đinh, bọn nhà nghèo, tiện dân. Ở Ấn, sự phân biệt giai cấp còn rất dữ. Nhưng dẫu sao mít vẫn là nguồn lương thực cho xứ đông dân lại nhiều tiện dân này. Ngược với Ấn Độ, xứ nghèo Bangladesh coi nó là “quốc quả”.
Theo Khởi Thức/Thế Giới Tiếp Thị