Maika Elan: Thế hệ Hikikomori mắc kẹt trong những căn phòng, nước Nhật Bản cần những người như vậy
"Hikikomori" là một thuật ngữ phổ biến tại Nhật Bản, được bộ Phúc lợi, Lao động và Y tế Nhật Bản gọi những người tự giam mình trong phòng, không chịu ra ngoài và tham gia các hoạt động đời sống xã hội và gia đình trong thời gian ít nhất là 6 tháng.
Đây là một hội chứng mang tính tâm lý nhiều hơn là bệnh lý, thường xảy ra ở nam giới, độ tuổi dao động từ 14-50. Đa phần họ đều là các thành viên đến từ gia đình trung lưu. Có những người tự nhốt mình trong nhà từ vài năm đến hàng chục năm.
Tại Nhật Bản, con số Hikikomori ước tính có khoảng hơn 1 triệu người. (~1% dân số Nhật Bản).
Có người từng nói, một tác phẩm nhiếp ảnh đỉnh cao không chỉ khai thác lớp ngoài của chủ thể, những lớp được điểm thật kỹ lưỡng và che dấu bên dưới đó nhiều tầng sâu ý nghĩa. Nó phải thực sự bóc trần được thế giới nội tâm, một thế giới mà ít người có thể chạm tới được. Với Maika Elan, có lẽ đó cũng là động lực cầm máy của chị từ những ngày đầu.
Từng nổi tiếng với bộ ảnh the Pink Choice (bộ ảnh với cuộc sống của cộng đồng LGBT tại Việt Nam), nhiếp ảnh gia Maika Elan lại vừa gây ấn tượng với những người hâm mộ khi quyết định thực hiện một bộ ảnh tài liệu tại Nhật Bản nhằm tái hiện cuộc sống của những Hikikomori - một bộ phận người trẻ tự nhốt mình trong căn phòng và hạn chế tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Chúng tôi đã có một buổi chiều trò chuyện với nhiếp ảnh gia Maika Elan để cùng hiểu hơn về những trải nghiệm của chị trên đất nước Nhật Bản cũng như thế giới của các Hikikomori - những góc khuất còn khá xa lạ với mọi người.
Câu chuyện Hikikomori - câu chuyện của hơn 1 triệu người Nhật Bản.
Chào chị Maika Elan. Trước hết xin chúc mừng chị vì đã hoàn thành chuyến đi tới Nhật với nhiều trải nghiệm. Chị đã ở Nhật Bản bao lâu và động lực gì khiến chị muốn tái hiện lại cuộc sống của các Hikikomori?
Tôi sang Nhật từ tháng 3-9/2016 và làm dự án này khoảng 4 tháng. Trước đây tôi từng có một dự án làm về những người cô đơn sống với động vật ở bên Thái Lan. Những người đó có cái đặc biệt là vì họ sống với động vật nên họ cô đơn chứ không phải vì cô đơn nên mới sống với động vật.
Từ trước tới nay, tôi luôn thích các bộ ảnh với đề tài các mối liên hệ xung quanh con người như Pink Choice hay tôi từng chụp bố mình. Lúc đầu sang Nhật, tôi cũng định làm bộ ảnh những người Nhật cô đơn sống với động vật. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, chủ đề này có vẻ không đặc sắc như ở Thái Lan.
Rika, một Hikikomori 30 tuổi Maika Elan có cơ hội tiếp xúc khi tới Nhật Bản.
Sau 2 tháng đầu ở Nhật, tôi thấy ở Nhật Bản luôn tồn tại những mặt đối lập, như sự cô đơn đặt gần kề với cuộc sống phồn hoa đô thị. Có nhiều quán café có quá nhiều bàn ghế dành cho người đi một mình, rồi những nhân viên văn phòng mệt mỏi trên những chuyến tàu về nhà sau mỗi giờ làm. Ở đó luôn có sự cô đơn ngập tràn.
Trước đó, tôi có biết một chút về Hikikomori nên sau khi sang Nhật, tôi đã tìm hiểu thêm và thấy hứng thú với đề tài này nên đã quyết định thực hiện bộ ảnh về họ.
Để nói về các Hikikomori, chị sẽ dùng một câu hay cụm từ gì?
Đấy, tôi đã dùng từ mắc kẹt rồi đấy. Thực ra thì tôi thấy họ chẳng mất đi đâu cả, họ vẫn ở đấy. Những Hikikomori họ hoàn toàn hiểu được cuộc sống của họ là một điều gì đó không nên. Họ biết là họ nên sống có ích hơn, nhưng họ hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Sống như vậy, họ cảm thấy thoải mái và an toàn hơn.
Chị có nghĩ đó là bi kịch của cuộc đời họ?
Đa phần các Hikikomori đều khá trẻ, một nửa số họ là trong độ tuổi từ 20-29. Ban đầu thực ra tôi cũng nghĩ họ thực sự lười biếng và ích kỷ nhưng đến lúc tiếp cận, tôi mới thấy rằng nước Nhật họ cần những người như thế.
Trong khi ngoài kia có quá nhiều người sống chết vì công việc và coi làm việc là điều duy nhất để tồn tại thì những Hikikomori như một cách để kéo nước Nhật về sự cân bằng. Khi tôi hỏi rằng nếu được quay ngược thời gian và có muốn trở thành Hikikomori, họ có muốn sống như vậy nữa không?
Các bạn bảo rằng vẫn muốn sống như vậy bởi vì đấy là điều cần thiết để họ cân bằng cuộc sống.
Họ hoàn toàn thích và thoải mái với lựa chọn của mình, sao có thể coi là bi kịch được chứ?
Có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với các Hikikomori, chị có thấy cuộc sống của họ giống như những gì người ta thường miêu tả hay không?
Đôi khi mọi người hay phóng đại và tiêu cực quá. Họ luôn coi đó là một vấn đề lớn của Nhật Bản trong khi tôi thấy nước Nhật họ chấp nhận cái đấy như một điều tự nhiên. Tôi nghĩ là người Nhật họ sẽ coi trọng việc sống sao cho hạnh phúc chứ không phải sống sao cho hài lòng người khác.
Việc trở thành một Hikikomori cũng là cách để người ta sống hạnh phúc và xã hội chấp nhận điều đó. Nó cũng là một trạng thái tâm lý chứ không phải bệnh lý, họ không thích nói rằng mình bị bệnh hay sao cả.
Lý do gì để họ có cuộc sống như vậy?
Nhiều lý do lắm, mỗi một người lại có lý do khác nhau. Nhưng về cơ bản nhất, tôi vẫn nghĩ đó là do sự mất kết nối với gia đình. Khi họ không chia sẻ được các vấn đề với gia đình, mọi việc trở nên trầm trọng.
Ở Nhật, mọi người rất tự lập và ít khi chia sẻ thông tin với người khác vì sợ làm phiền. Nếu có việc gì ở trường, họ cũng không chia sẻ với bố mẹ. Bố mẹ cũng tôn trọng con cái nên cũng không mấy khi đi quá sâu vào cuộc sống của các con. Đa phần các Hikikomori đến từ những gia đình trung lưu nên bố mẹ có lẽ cũng không có thời gian để dành cho con cái.
Với cuộc sống quẩn quanh như vậy, họ có bao giờ nghĩ tới cái chết không?
Có chứ, có những anh chị từng ở 7 năm hay 10 năm, họ thường cảm thấy mình ích kỷ và tạo thành gánh nặng cho gia đình. Họ đã từng nghĩ tới cái chết nhưng cuối cùng cũng đâu vào đấy.
Đã bao giờ người ta tự hỏi, nếu bố mẹ không cung cấp thức ăn, họ sẽ phải ra ngoài và hòa nhập với cuộc sống?
Có một anh Hikikomori trong buổi tọa đàm của tôi đã chia sẻ rằng, ăn không phải vấn đề quan trọng của anh ấy nữa, anh ấy không có quá nhiều nhu cầu ăn. Có thì ăn còn không thì thôi, anh ta sẽ sẵn sàng ở trong phòng cho tới khi chết.
Lúc đó, anh ấy nói là mình không có lý tưởng sống nên việc ăn nó cũng không còn quá quan trọng nữa.
Cuộc sống của họ luôn gói gọn trong 4 bức tường phòng.
Ngoài những khó khăn trong việc tiếp xúc với các Hikikomori, còn điều gì là trở ngại cho chị khi thực hiện bộ ảnh này?
Thực ra lúc đầu tôi còn không biết họ ở đâu để mà tiếp cận nên phải thông qua những người trung gian. Thời gian đầu rất khó khăn vì thực ra những người trung gian đấy làm việc với Hikikomori như là khách hàng còn mình đi sẽ hơi riêng tư. Tôi phải gửi CV cho các gia đình để bố mẹ các Hikikomori xem.
Sau đó đi theo, một hai buổi đầu thì cũng không được vào nhà đâu. Tôi phải đứng ngoài cửa và nói chuyện vài câu với bố mẹ, rồi lại đợi 2,3 tiếng. Rồi vài buổi sau thì được vào phòng khách còn họ vào phòng làm việc. Sau nữa thì được vào phòng họ. Tuy nhiên tôi thì không biết tiếng Nhật nên lúc đầu cũng khá là khó, cứ ngồi đấy thôi mà không biết phải làm gì cả.
Cũng phải mất một thời gian sau thì mới có thể nói chuyện, hỏi han các Hikikomori qua bạn phiên dịch. Dần dần thì họ cũng cho mình được chụp ảnh. Tôi gặp cũng tương đối người nhưng trong thời gian 6 tháng đấy chỉ có khoảng 6,7 người đồng ý cho mình chụp.
Có nhân vật nào mà chị ấn tượng nhất không?
Mỗi người mỗi vẻ, tôi thấy họ đều có những câu chuyện thú vị. Tuy nhiên có một bác Hikikomori 47 tuổi mà tôi rất ấn tượng. Bác ý thì cứ thỉnh thoảng lại sống như Hikikomori thôi chứ không phải liên tục. Hồi trước bác ấy học rất giỏi và thông minh với trí nhớ phi thường.
Rồi bác ấy đi làm và rất là giỏi. Tuy nhiên, vì bất mãn với công việc, bác ấy đã trở thành Hikikomori. Bác từng chia sẻ với tôi rằng, ở chỗ bác làm, người ta đánh giá một nhân viên bằng số giờ làm của họ chứ không phải hiệu quả công việc.
Một ngày kéo dài trong những trò chơi điện tử, truyện tranh và giấc ngủ triền miên.
Ở tuổi cao như vậy, theo chị việc trở thành Hikikomori có gặp khó khăn gì không?
Tôi nghĩ là như bác trai trong câu chuyện trên thì cũng có những tích lũy riêng nên không khó khăn gì. Tuy nhiên, nhiều người cũng gặp khó khăn về tài chính.
Chị có nghĩ Hikikomori chỉ là một trào lưu tại Nhật Bản không khi tại nhiều nước khác, những câu chuyện như vậy gần như không có? Phải chăng những người trẻ họ đang theo nhau để thành như vậy?
Tôi nghĩ để có những biểu hiện như một Hikikomori thì có thể ở bất cứ đâu, các nước phát triển đều có áp lực từ công việc cho tới học tập, nhưng chỉ có Nhật Bản, những Hikikomori mới có thể tồn tại. Từ văn hóa gia đình, văn hóa xã hội... tất cả đã tạo điều kiện cho họ như vậy.
Chị đã thấy nhen nhóm những Hikikomori tại Việt Nam chưa? hoặc ở nơi nào đó trên thế giới?
Ở Philippines hay Ý cũng có những người như vậy. Còn tại Việt Nam thì vấn đề này cũng chưa thực sự xuất hiện hoặc không quá nặng nề.
Có nhiều người hỏi rằng tại sao sau Pink Choice, chị không thực hiện một bộ ảnh nào nữa về Việt Nam khi còn nhiều vấn đề trong nước mà lại chọn ngay tới Nhật Bản?
Thứ nhất, thực ra thì nó cũng phải là cái tôi tò mò và quan tâm. Trước giờ tôi vẫn thích nước Nhật và cơ hội đã tới khi tôi đã xin được quỹ từ tổ chức Japan Foundation. Với tôi, Hikikomori là một điều đặc biệt mà chỉ ở Nhật Bản mới có nên tôi hoàn toàn hứng thú với chủ đề này.
Mình phải thích và đam mê mới có thể làm được, không nhất thiết là ở Việt Nam hay nước ngoài. Nếu không phải cái mình quan tâm thì rất khó có thể thực hiện được.
Dự định tiếp theo của chị là gì?
Tôi cũng muốn quay lại Nhật Bản để thực hiện bộ ảnh về các Hikikomori cũng như thực hiện những đề tài khác xoay quanh các vấn đề mà tôi yêu thích.
Xin cảm ơn chị rất nhiều vì buổi phỏng vấn ngày hôm nay.
Skye - Ảnh: Minh Đức