Lún sâu trong nợ nần, dân trung lưu Trung Quốc càng tuyệt vọng trước chiến tranh thương mại
Lún sâu vào nợ nần
Giới chức Trung Quốc cho rằng, tầng lớp trung lưu - với hơn 400 triệu người tiêu dùng - sẽ tăng chi tiêu vào các sản phẩm và dịch vụ, giúp ổn định nền kinh tế trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ đang leo thang.
Nhưng một cuộc khảo sát được tiến hành trong tháng 7 cho thấy các hộ gia đình Trung Quốc đang trở nên thận trọng hơn về nền kinh tế và thu nhập.
-
Phải dùng đòn "tự sát", Trung Quốc đang chống trả tuyệt vọng trong cuộc chiến thương mại?
Cô Deng, một nhân viên tài chính trẻ là một ví dụ. Deng thỉnh thoảng phải vay tiền từ một dịch vụ cho vay tiêu dùng - không phải để mua mỹ phẩm hay quần áo mà chỉ để trả tiền thuê nhà.
Là nhân viên một công ty điện ảnh, Deng kiếm được 5.400 Nhân dân tệ (780 USD)/tháng sau thuế, cao hơn mức thu nhập bình quân hàng tháng ở thủ đô Bắc Kinh là 5.180 Nhân dân tệ.
Nhưng một nửa thu nhập của cô được sử dụng để chi trả tiền thuê nhà. Cô thường xuyên túng thiếu nên ngày càng phải vay nhiều hơn. Hàng tháng, tài khoản của cô đều trống rỗng.
"Tôi sẽ có của ăn của để nếu tôi không phải trả tiền thuê nhà", cô Deng, khoảng 20 tuổi nói.
Giống như Deng, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đang đi sâu hơn vào nợ nần. Vào cuối tháng 8, các khoản cho vay tiêu dùng của các hộ gia đình đã tăng 29,1% so với năm ngoái.
Phần lớn số tiền vay tiêu dùng không chảy vào hàng hóa và dịch vụ. Nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu của Trung Quốc sử dụng các khoản vay tiêu dùng để trả tiền thuê nhà hoặc các khoản thế chấp.
Chi phí tăng cao khiến người Trung Quốc buộc phải "thắt lưng buộc bụng". Ảnh: SCMP.
Tại Bắc Kinh, anh Wei, một lập trình viên máy tính kiếm được 15.000 Nhân dân tệ một tháng sau thuế, nhưng anh phải trả 8.000 Nhân dân tệ mỗi tháng cho khoản vay thế chấp mua nhà và gửi 2.000 Nhân dân tệ về cho bố mẹ.
5000 Nhân dân tệ còn lại, anh chi hết cho sinh hoạt hàng ngày. Đã 5 năm anh chưa thay máy tính và nói rằng anh sẽ không mua quần áo mới cho đến khi đồ cũ bị rách.
Vợ anh kiếm được 20.000 Nhân dân tệ mỗi tháng, nhưng số tiền này dùng để tiết kiệm thay vì chi tiêu. "Chúng tôi dự định có con, vì vậy chúng tôi phải đảm bảo rằng chúng tôi tiết kiệm đủ tiền", Wei nói.
Ở thành phố Hạ Môn, cô Fang cũng phải thay đổi thói quen chi tiêu. Số tiền cô kiếm được hầu hết để chi trả học phí cho gửi con trai đang theo học ở một trường mẫu giáo song ngữ và một lớp học tiếng Anh. Tổng cộng khoản tiền là 13.267 Nhân dân tệ một năm - gần 3 lần thu nhập trung bình hàng tháng của một cư dân đô thị ở Hạ Môn.
"Tôi đã sử dụng hết tiền của mình cho học phí của con, cũng như trong sách giáo khoa - một vấn đề khác là giá sách giáo khoa vẫn đang tăng lên," cô nói. "Mỗi tháng tôi chỉ có thể tiết kiệm được một chút."
Nhiều thành viên của một nhóm WeChat cho các bà nội trợ mà Fang tham gia có cùng ý kiến rằng, với việc giá cả tiếp tục "phi mã", việc tiết kiệm tiền còn trở nên khó khăn, chứ chưa nói đến việc chi tiêu nhiều hơn.
Ngày càng bi quan vì chiến tranh thương mại
Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc hiện đạt gần 10.000 USD, sức chi tiêu của tầng lớp trung lưu Trung Quốc bị hạn chế bởi tăng chi phí nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và chăm sóc trẻ em.
-
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Ép quá, Mỹ sẽ nhận đòn "hồi mã thương"
Ngoài ra, gánh nặng chi phí lương hưu ngày một gia tăng khi dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng càng khiến người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn cho tương lai.
Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại leo thang giữa Bắc Kinh và Washington càng làm tăng thêm sự lo lắng của người tiêu dùng.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Trung Quốc, do công ty phân tích dữ liệu Nielsen cung cấp, đã giảm 2 điểm trong quý II so với 3 tháng đầu năm, phản ánh ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại.
Tại Thâm Quyến, một nhân viên công ty thương mại nước ngoài cho biết, nơi cô làm việc đã cảm nhận được tác động thuế quan do Mỹ áp đặt.
"Tôi lo sợ một làn sóng thất nghiệp hoặc một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra. Tôi rất bi quan về thu nhập trong tương lai của mình", cô nói.
Minh Khôi