Lớn lên cùng một quá khứ bí ẩn, cho đến ngày bố mẹ nuôi đưa cô một bức thư viết tay
Nhận con nuôi là một trong những hành động cao đẹp, chứa đựng vô vàn tình yêu và sự hy sinh cao quý của những ông bố bà mẹ, quyết định dành trọn cả đời mình để nuôi nấng, bảo vệ những sinh linh bé bỏng không cùng huyết thống. Tình yêu thương vô điều kiện dành cho đứa trẻ dù chẳng có một chút máu mủ nào thật sự là một điều kỳ diệu nhất trong cuộc sống này.
Kati Pohler lớn lên với một bí mật to lớn về quá khứ của mình, cho đến ngày cô được bố mẹ nuôi cho xem một bức thư viết tay...
Và thật thần kỳ làm sao, hơn 20 năm sau khi lớn lên, cơ duyên đưa đẩy khiến cho đứa trẻ vô tình gặp lại được bố mẹ ruột của mình ở nơi cách xa nửa vòng trái đất nhờ vào một bức thư viết tay được để lại khi cô bé bị bỏ lại bên về đường…
Câu chuyện hội ngộ bất ngờ, kỳ lạ và thấm đẫm nước mắt của cô gái trẻ Kati Pohler đã mang lại một chút ấm áp cho những ngày cuối năm và cũng khiến cho ta càng tin tưởng rằng, cội nguồn quê hương là điều mà mỗi người đều sẽ luôn mang theo trong tim, cho dù là họ có đang ở nơi nào đi chăng nữa.
Cô gái Mỹ gốc Trung Quốc đã có một cuộc hội ngộ vô cùng cảm động cùng bố mẹ ruột sau 22 năm xa cách.
Kati Pohler hiện đang là sinh viên cao đẳng, lớn lên ở Hudsonville, Michigan, Mỹ. Tuy nhiên, Kati là người gốc Trung Quốc và từ nhỏ cô đã được bố mẹ Ken và Ruth Pohler nhận nuôi. Gia đình Pohler còn có 2 đứa con trai lớn là Steven và Jeff.
Bố mẹ ruột của Kati là Tiền Phấn Hương và Từ Lễ Đạt, đều sinh sống ở Trung Quốc. Hơn 20 năm trước, Phấn Hương bụng đã vượt mặt và cũng sắp cận kề ngày lâm bồn đã lén lút ôm đứa con gái 3 tuổi trốn trên một chiếc nhà thuyền neo ở một con kênh hẻo lánh cách quê nhà Hàng Châu của cô khoảng 120 cây số.
Chị Hương và anh Đạt vì quá nghèo khổ và sợ hãi trước luật lệ một con khắt khe nên đã buộc phải bỏ rơi con gái.
6 tuần sau, chị Hương hạ sinh đứa con gái thứ hai ngay trên thuyền với sự giúp đỡ của chồng. Dưới luật lệ chỉ được sinh một con khắc nghiệt vào thời bấy giờ ở Trung Quốc, chị Hương chưa kịp hết đau đớn đã bắt đầu lo sợ cồn cào khi nghĩ đến tương lai mờ mịt phía trước của gia đình và của đứa con vừa chào đời.
Trong một buổi chiều muộn tại khu chợ rau ở Tô Châu, anh Đạt đã mang đứa con gái 5 ngày tuổi còn đỏ hỏn đặt bên vệ đường với một tờ giấy nhắn nhủ, hy vọng bằng một sự may mắn đứa bé có thể được người tốt bụng nhận về nuôi, có lẽ cuộc sống của con sẽ hạnh phúc, sung sướng hơn rất nhiều.
Bức thư tay được tìm thấy trong người bé gái sơ sinh bị bỏ rơi ngoài chợ.
"Con gái Tịnh Nghệ của chúng tôi sinh vào 10 giờ sáng ngày 24 tháng 7 âm lịch năm 1995. Bởi vì cuộc sống quá nghèo khổ và pháp luật nghiêm khắc nên chúng tôi buộc phải bỏ rơi con bé. Cầu xin lòng thương xót của những ông bố bà mẹ trên thế gian này!
Cám ơn vì đã cứu lấy con gái chúng tôi. Nếu như thiên đường nghe thấu, nếu như chúng tôi được mang đến với nhau bằng định mệnh, hãy cho chúng tôi gặp lại nhau một lần nữa trên cây cầu Đoạn ở Hàng Châu, vào buổi sáng lễ Thất tịch trong 10 hay 20 năm nữa".
10 năm trôi qua, chị Hương và anh Đạt chưa bao giờ thôi nghĩ về đứa con mà mình đã từng dứt bỏ với một nỗi nhớ nhung, đau đớn, xót xa không kể xiết. Lễ Thất tịch năm 2005, vợ chồng anh chị đã đứng đợi trên cầu Đoạn từ sáng sớm như đã hẹn. Họ cầm một tấm bảng lớn với tên của con gái và nội dung bức thư ngày xưa. Họ chạy đôn chạy đáo khắp cây cầu, cố gắng kiềm chế để không chặn từng bé gái trên cầu để hỏi xem có phải con của mình không.
Cô bé Kati có một cuộc sống hạnh phúc dưới sự chăm sóc, bảo bọc của bố Ken và mẹ Ruth.
Ngày hôm ấy vợ chồng anh chị trở về trong tâm trạng buồn bã thất thểu. Tuy nhiên, một đài truyền hình địa phương sau khi chứng kiến cảnh tượng tìm con cảm động của hai người đã ngay lập tức tìm hiểu và phát sóng câu chuyện này rộng rãi khắp cả nước.
Thực chất cũng vào ngày lễ Thất tịch đó, vợ chồng Pohler đã nhờ một người bạn Trung Quốc đến cầu Đoạn để tìm thử bố mẹ ruột của Kati. Nhưng vì đến muộn một chút, người này đã không thể gặp được chị Hương và anh Đạt. Tuy là vậy, vợ chồng Pohler không có ý định nói gì với con gái nuôi về điều này cho đến khi cô bé ít nhất 18 tuổi, và trong trường hợp con thật sự muốn tìm hiểu về gốc rễ của mình.
"Chúng tôi không muốn Kati liên quan đến một sự việc quá mơ hồ như thế này. Nhưng điều quan trọng là chúng tôi muốn bố mẹ ruột của Kati biết con gái của họ đã được nhận nuôi bởi một gia đình tràn ngập tình yêu thương và có thể cho con bé một ngôi nhà ấm áp".
Anh Đạt và bài báo nói về câu chuyện tìm con của mình vào năm 2005.
Cũng nhờ đoạn tin tức trên truyền hình, vợ chồng Pohler đã nhờ bạn gửi một lá thư thông báo ẩn danh và vài tấm ảnh của Kati để giúp chị Hương và anh Đạt cập nhật được tình hình hiện tại của con gái. Đoạn đường hội ngộ với con gái ruột của hai vợ chồng anh chị phải kéo dài mãi đến hơn 12 năm sau nữa.
"Chúng tôi thấy không cần tiếp xúc thêm nữa", Ruth nói. "Chúng tôi cho rằng nên đợi khi Kati lớn lên và xem ý con thế nào. Kati là con gái của chúng tôi. Đúng là Kati có bố mẹ ruột, nhưng mối quan hệ sâu sắc hơn với họ sẽ làm cho mọi vấn đề trở thành phức tạp hơn".
Gia đình Pohler rất thương yêu Kati.
Nhiều năm trôi qua, vợ chồng chị Hương, anh Đạt tưởng chừng chẳng còn cơ hội nào để gặp lại con gái nữa, cho đến một ngày nhà làm phim tài liệu nổi tiếng Changfu Chang tìm đến họ.
"Tôi từng làm một bộ phim về trẻ con Trung Quốc được nhận làm con nuôi khắp thế giới. Vô tình tôi biết được có cặp vợ chồng tìm con gái trên cầu Đoạn. Đó là một câu chuyện vô cùng hấp dẫn", Chang nói.
Trải qua một khoảng thời gian dài lục tung khắp các hang cùng ngõ ngách trên mạng để tìm thông tin của các cặp vợ chồng Mỹ nhận con nuôi từ Tô Châu, cuối cùng Chang đã tìm thấy tung tích của nhà Pohler. Mọi chuyện cũng không hề đơn giản, Chang sau đó dành vài năm để cố thuyết phục Ken và Ruth cho phép bố mẹ ruột và Kati liên lạc với nhau. Tuy nhiên, nhà Pohler vẫn luôn kiên định rằng phải đợi khi Kati tròn 20 tuổi.
Hồi năm ngoái, Kati 21 tuổi và đang trong quá trình chuẩn bị cho một học kỳ trong chương trình trao đổi sinh viên ở Tây Ban Nha. Cô nói: "Tôi nghĩ mọi người ở đó chắc sẽ hỏi mình về Trung Quốc và Mỹ. Vì vậy tôi đã hỏi mẹ về quá khứ của mình và bà ấy trả lời: Có lẽ bố mẹ nên nói với con là thật ra bố mẹ biết bố mẹ ruột của con là ai". Kati đã sốc đến không nói nên lời.
Cuộc hẹn Thất tịch 22 năm trước đã có kết cục đoàn viên.
Cuối cùng cô đã nói chuyện với bố mẹ Pohler trước khi quyết định tham gia vào bộ phim tài liệu của Chang. Cùng với sự giúp đỡ sắp xếp của đoàn làm phim, ngày lễ Thất tịch vừa qua, trên cây cầu Đoạn của Hàng Châu, cuối cùng chị Hương và anh Đạt đã có cơ hội gặp lại con gái ruột của mình bằng xương bằng thịt sau 22 năm mong nhớ. Phút giây gặp gỡ đó, chị Hương không giữ nổi bình tĩnh nên đã khóc rất nhiều. Con gái của họ đã về nhà!
Chị Hương và anh Đạt sau đó chia sẻ rằng họ có một chút thất vọng vì Kati đã không gọi họ bằng bố mẹ mà chỉ gọi tên theo cách của người Mỹ. Họ cũng không nói chuyện với nhau được nhiều vì một bên thì không biết tiếng Anh, một bên lại không nói được tiếng Trung Quốc. Dù vậy, bằng trái tim của mình, vợ chồng anh chị cảm nhận được rằng con gái mình đã lớn lên trở thành một cô gái rất tuyệt vời.
Chị Hương không giấu nổi nước mắt khi nhìn thấy con gái.
Kati ở lại nhà bố mẹ ruột hai ngày và ở chung phòng với người chị gái vốn chỉ biết nói tiếng Anh khá hạn chế. Nói về cảm nhận của mình, Kati cho biết: "Thật là tuyệt vời khi có thể gặp lại họ. Tôi rất ngạc nhiên khi người mẹ Trung Quốc của mình có cảm xúc vỡ òa đến như vậy".
Kati cũng khá lúng túng bởi sự quan tâm đặc biệt từ bố mẹ ruột. "Điều đầu tiên họ nói là tôi gầy quá, phải ăn nhiều hơn, ‘nếu không chịu ăn, mẹ sẽ đút con ăn’. Tôi nghĩ họ rất phấn khích và muốn được chăm sóc cho tôi để khuây khỏa phần nào nỗi mong nhớ trong suốt bao nhiêu năm qua!"
Gia đình 4 người cuối cùng đã đoàn tụ trên cây cầu Đoạn, Hàng Châu trong ngày lễ Thất tịch.
Cô cũng có không ít trăn trở: "Tôi muốn gặp lại họ, tôi muốn có một mối quan hệ nào đó. Câu hỏi lớn ở đây là, họ là gì của tôi? Tôi còn chẳng biết phải gọi họ như thế nào nữa. Dù là thế nào, tôi thật sự cảm thấy rất vui vì có thể kết nối trở lại với nơi tôi đã được sinh ra".
(Nguồn: scmp)
Đinh Hương