Lênh đênh phận chèo đò trên cảng cá
Tỉnh nào mệnh danh là “xứ sở của trầm hương”? Tôm hùm đất về Việt Nam giá nhập khẩu chỉ ...90 ngàn đồng/kg Dân đảo Lý Sơn ồ ạt bán đất ven biển |
Bà Nguyễn Thị Phương chèo đò đưa khách vào bờ |
Ở cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) này bao nhiêu năm qua, giữa sóng gió có những con đò bé tí teo vẫn lặng lẽ chòng chành đưa người lên tàu, hay vào bờ chuyên chở hàng hóa, thực phẩm, nước ngọt lên tàu và chở cá về bến cảng.
Nơi hải cảng này, mấy chục con đò tập trung lại với nhau tạo nên một xóm đò, một bến đò nhỏ giữa cảng cá tấp nập, sầm uất và yên ắng những phận người. Thấp thoáng trong gió biển, trong nắng đại dương, trong màu xanh của nước và tiếng ồn ã của máy tàu là hàng chục người phụ nữ chèo đò vất vả giữa ngược xuôi con sóng.
Giấu đi vẻ mềm yếu, các bà, các mẹ, các cô lái đò khoác lên mình lớp quần áo dày cộp, phơi người trong nắng gió để có được khoản thu nhập, chăm lo cho gia đình.
Lênh đênh phận đò trên cảng cá |
Ở đây, những người làm nghề chèo đò có sự phân chia công việc và thu nhập rõ ràng, đò của ai đến trước tại bến thì sẽ được đón khách trước. Cứ theo thứ tự lượt về bến mà xoay vòng. Một lượt chèo, người lái đò được trả 5.000 đồng/người. Người nào đến lượt chèo đò mà có nhiều khách thì khoản thu có phần kha khá hơn. Trung bình mỗi người chèo đò kiếm được từ 70 đến 100 ngàn đồng/ngày. Những ngày mở biển, số người ra vào nhiều, người chèo đò kiếm được khoản thu nhập cao hơn đôi chút.
Những lúc thời tiết bình thường là thế, nhưng khi bão lớn, ghe thuyền đều phải chạy vào vịnh để tránh bão, sức đàn bà cũng phải chèo đò chạy đi và nằm giữ đò luôn trong đó. Những lúc chân vịt vướng rác, đàn bà cũng phải nhảy xuống nước gỡ ra, đò hư hỏng gì cũng phải biết sửa.
Có những người phụ nữ gắn mình với nghề chèo đò hơn chục năm |
Bà Phượng, một nữ chèo đò lâu năm ở bến cảng này cho biết: “Có những lần, đang chèo chưa được nửa đoạn đường thì trời mưa tầm tã, sóng gió ù ù, người lạnh buốt, tê cóng nhưng cũng phải cố gắng mà chèo. Chưa hết, những lúc trời mưa gió, đò lại dở chứng hư hỏng, chị em chúng tôi cũng phải đội mưa để sửa chữa. Vì hoàn cảnh, vì công việc nên nhiều lúc một, hai giờ sáng mới về đến nhà. Có khi tàu cá về nhiều, chị em chúng tôi thường làm xuyên đêm. Mệt nhưng có thu nhập nên ai cũng vui”.
Hơn 20 năm đưa đò, bà Nguyễn Thị Trịnh (SN 1973) nhà có 4 đứa con nên công việc của bà cũng nhiều hơn so với những người cùng chèo đò. Bà bảo mình bà quán xuyến hết gia đình, lo bữa cơm hàng ngày, thuốc thang khi chồng và con đau ốm, tiền lễ nghĩa, rồi dựng vợ gả chồng cho con đều nhờ cái bến đò này mà ra. "Nhiều lúc, chị em tôi tặc lưỡi: Khổ thì kệ! Xấu cũng kệ! Miễn sao lo cho gia đình được no cái bụng, con cái được học hành đến nơi đến chốn”.
Những “thân cò” chèo đò gồng mình giữa biển để mưu sinh |
Cứ thế, mỗi ngày, họ giong đò vượt con nước để về với cảng Thọ Quang bằng chính sức của đôi tay. Rồi cũng bằng đôi tay ấy, lái đò tiếp tục hành trình đưa khách ra, vào bờ, đưa hàng vào bến. Đến tối mịt, những “thân cò” này lại dốc hết sức cho những nhịp chèo cuối ngày, trở về nhà. Rồi đêm về, họ rệu rã, đau nhức.
Tất cả những dấu hiệu ấy lặp đi lặp lại mỗi ngày, mỗi tháng. Để rồi bây giờ, đơn vị đo đếm hành trình của họ đã là năm. Có người lái đò ít tuổi nghề nhất ở cảng cá là 10 năm. Người dày dặn gió sương hơn đã lên đến 30 năm.
Bữa cơm trên sóng nước của những người đàn bà chèo đò |
Không chỉ hoạt động ban ngày, đêm đến, bến đò vẫn không thiếu tay chèo. Nhưng số người làm việc tại buổi đêm có phần ít ỏi hơn. Không thuê nhà trọ, có những người chọn ngủ tại đò. Bao nhiêu năm qua, giấc ngủ của họ chòng chành trên sóng nước.
Nắng gió trên biển luyện con người trở nên cứng cáp nhưng cũng lấy đi nhan sắc và tuổi xuân. Họ khỏe đấy nhưng cằn cỗi, khô ráp lắm. Nhìn làn da cháy đen vì nắng, bàn tay, bàn chân thô ráp bởi cầm chèo, ghì đò của những “thân cò” nơi đây, chúng tôi không khỏi ái ngại. Thật khó giữ gìn được vẻ đẹp bởi đôi bàn tay phải thường xuyên kéo ghì chèo ngấm nước biển, nước cá và bùn đất. Rồi đôi bàn chân của những “thân cò” này phải bỏ dép vì bươn trên bến cảng ngập bùn vì cuộc mưu sinh.
Phút thảnh thơi kiểm tra lại thu nhập sau một buổi sáng của một người phụ nữ làm nghề chèo đò |
Không chỉ chèo đó, nhiều phụ nữ sức yếu, không chèo nổi cả ngày nên tranh thủ chèo đò rước khách buổi sáng rồi chiều tìm công việc đan lưới, bán cá kiếm thêm. “Mình nghèo mà, tranh thủ kiếm được đồng nào hay đồng đó. Đồng tiền mình kiếm được là mồ hôi nước mắt của mình nên khổ thì khổ nhưng cũng có niềm vui”, một người phụ nữ thủ thỉ.
Cảng cá Thọ Quang luôn có những người phụ nữ tất bật với công việc chèo đò mưu sinh mỗi ngày |
Ở cảng cá này, chúng tôi được nghe, được cảm nhận về những chuyến chèo đò thấm đẫm mồ hôi của những bóng hồng luốn tuổi miệt mài lặn lội này. Nhưng hơn hết, trong vẻ đẹp của làn da sạm nắng, lam lũ, vất vả vì mưu sinh mỗi ngày của họ, vẫn có những nụ cười của họ lại rạng ngời, hào sảng như chính con người họ vậy.
Ở hải cảng này, dẫu vất vả nhưng họ vẫn có niềm tin vào cuộc sống và chăm chút những hi vọng cho tương lai của tương lai.
Xem thêm
8 dịch vụ kiếm bộn tiền ở vịnh Hạ Long Tham quan vịnh Hạ Long là một trong những dịch vụ nổi bật khi du khách đến Hạ Long với 5 tuyến và 28 điểm ... |
Cảng Cái Mép chính thức đón siêu tàu container hàng tuần Đến nay, tàu CMA CGM MARCO POLO là tàu container lớn nhất chính thức được đưa vào Việt Nam khai thác hàng tuần. |
Người mẹ ôm con định tự tử vì cãi nhau với chồng: Là phụ nữ, càng tổn thương thì càng cần mạnh mẽ, vì con mình! Chứng kiến hình ảnh người mẹ ôm con nhỏ đứng trên cầu Chương Dương định tự tử, nhiều người dùng mạng đã lên tiếng chỉ ... |
Đi bộ càng nhanh, càng lâu, tuổi thọ càng cao Các nghiên cứu đã chỉ ra tốc độ, quãng đường đi bộ ảnh hưởng tới tuổi thọ của mỗi người. |