Lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng 2017 kéo dài trong 3 ngày
Theo thông tin từ BTC, chương trình bao gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ được tổ chức trang trọng với những nghi lễ truyền thống như: Lễ rước nước, tắm bài vị, rước bài vị từ miếu Bát Tràng ra đình Bát Tràng. Trong đó, lễ tế rước chính sẽ diễn ra vào sáng 12/3 (tức 15/2 âm lịch).
Lễ hội năm nay sẽ trưng bày khoảng 150 sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa của nghệ nhân, thợ giỏi trong làng. (Ảnh minh họa)
Trong khuôn khổ lễ hội, ngoài các nghi thức tế lễ Thành hoàng làng có công giúp dân đánh giặc giữ nước còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian như cờ người, hát thờ. Đặc biệt, lễ hội năm nay sẽ trưng bày khoảng 150 sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa của nghệ nhân, thợ giỏi trong làng.
Đồng thời, sự giao lưu, phối hợp của 15 làng nghề truyền thống như: Lụa Vạn Phúc, Dệt Phùng Xá, Hương Xà Kiều, Rèn Đa Sỹ, Miến Cự Đà, Thêu ren An Dương (Hải Phòng), Khảm trai Chuôn Ngọ… sẽ tạo thành quần thể chợ quê, làng cổ.
Làng gốm Bát Tràng được lập ra sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, nhằm phục vụ cho việc xây dựng thành quách, cung điện, công sở, kho tàng, các công trình tâm linh… của kinh đô Thăng Long. Thế hệ tiền nhân lập làng là cư dân vùng Ninh Trường thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay.
Trải qua nghìn năm với nhiều thăng trầm, các thế hệ người làng Bát Tràng vẫn giữ nghiệp tổ của cha ông, lò nung ngày đêm đỏ lửa để cho ra những sản phẩm tinh hoa gốm Việt. Gốm Bát Tràng không chỉ đơn thuần là sản phẩm hàng hóa mà còn là sự sáng tạo, nét văn hóa riêng của làng gốm Bát Tràng.
Ngày nay, gốm Bát Tràng nổi tiếng không chỉ phạm vi trong nước mà còn vang xa khắp năm châu với những sản phẩm thủ công tinh xảo phục vụ đời sống, trưng bày, tín ngưỡng… Nhiều sản phẩm có mặt tại các bảo tàng danh tiếng ở các nước: Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Itaia, Hà Lan, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Hoàng Hà